Kinh tế
Tiếp tục thực hiện các giải pháp để tăng trưởng kinh tế cao hơn
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, so với 6 tháng đầu năm 2019, thời điểm chưa có Covid-19, GRDP 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng 13,48%. Tuy nhiên, mục tiêu tăng 7% cả năm nay theo kế hoạch là một thách thức trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Vì vậy, việc triển khai hiệu quả các giải pháp, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế trọng tâm là yêu cầu quan trọng.
Thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp để thúc đẩy ngành du lịch tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2023. TRONG ẢNH: Du khách tham quan tại Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Ảnh: THU HÀ |
Đứng thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương về tốc độ tăng GRDP
Ngày 30-6, Cục Thống kê thành phố tổ chức họp báo công bố các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, GRDP thành phố 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2022. Quy mô nền kinh tế thành phố trong 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 64.784 tỷ đồng, mở rộng hơn 5.318 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với gần 4.810 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mở rộng hơn 122 tỷ đồng; khu vực công nghiệp - xây dựng mở rộng 17 tỷ đồng. Với kết quả trên, Đà Nẵng xếp thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương; xếp thứ 6/8 tỉnh thành phố vùng Duyên hải miền Trung và xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng GRDP. Về quy mô GRDP, Đà Nẵng xếp thứ 17 cả nước; đứng đầu các tỉnh, thành phố thuộc vùng Duyên hải miền Trung, tăng 1 bậc so với cùng kỳ năm 2022.
Trong mức tăng 3,74% toàn nền kinh tế 6 tháng qua, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,22% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,15%, đóng góp 4,18 điểm và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,4%, đóng góp 0,04 điểm.
Riêng khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 2,6%, làm giảm 0,51 điểm. Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế 6 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,73%; khu vực dịch vụ chiếm 69,19%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm 9,93%.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 13.783 tỷ đồng, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 4.003 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ; vốn ngoài Nhà nước đạt 8.300 tỷ đồng, giảm 28%; vốn khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1.691 tỷ đồng, giảm 40,2%.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1,427 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu ước đạt 892,5 triệu USD, giảm 13,8%; nhập khẩu ước đạt 534,4 triệu USD, giảm 23,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu ngân sách Nhà nước đến ngày 20-6 đạt 9.679 tỷ đồng, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 2.705 tỷ đồng; thu ngân sách địa phương đạt 9.299 tỷ đồng.
Người dân mua sắm tại siêu thị Co.op mart Đà Nẵng. Ảnh: M.Q |
Thực hiện các giải pháp để đạt tăng trưởng cao hơn
Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Trần Văn Vũ phân tích, kinh tế thành phố quý 1-2023 giữ nhịp tăng trưởng với GRDP tăng 7,81% so với cùng kỳ năm trước, xếp 15/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng. Tuy nhiên, bước sang quý 2, GRDP chỉ tăng 0,21% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng, GRDP đạt mức tăng trưởng 3,74%.
Đây không phải là mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực khi tăng trưởng tại nhiều địa phương có quy mô lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh... ở mức thấp. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế thế giới và cả nước hiện nay, kinh tế quý 3 và quý 4 của Đà Nẵng còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7% trong năm 2023, ông Vũ đề xuất các sở, ban, ngành cần thực hiện một số giải pháp: phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo nghề, dạy nghề gắn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp thành phố; tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp về kỹ năng thâm nhập vào thị trường mục tiêu, khai thác các cam kết ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do; hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, đồng thời giữ vững và duy trì ổn định thị trường tiêu thụ trong nước. Đồng thời chủ động tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức các hội thảo để thu hút những nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực; tập trung giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình, dự án theo đúng kế hoạch nhằm khai thác tối đa tiềm năng, giá trị các công trình, hạ tầng kỹ thuật…
Sở Công Thương cho biết, trong quý 3-2023, sở triển khai các chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương 2023; xúc tiến thương mại 2023, quảng bá sản phẩm Đà Nẵng 2023; kế hoạch phát triển các điểm bán hàng, xây dựng kế hoạch và triển khai bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, thiên tai 2023, tổ chức Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2023.
Xác định du lịch là ngành có đà tăng trưởng tốt nên các giải pháp để tăng trưởng du lịch cần tiếp tục triển khai. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, sở và các ngành liên quan tiếp tục tổ chức các chương trình kích cầu du lịch năm 2023, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; tổ chức truyền thông quảng bá cho các sự kiện phục vụ du lịch; đón các đoàn khách công vụ MICE theo chương trình hỗ trợ khách MICE nội địa và quốc tế; triển khai kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch cưới Đà Nẵng năm 2023; xúc tiến đường bay mới với các thành phố của Trung Quốc, Ấn Độ, Philipines... Đồng thời, sở tiếp tục tổ chức các sự kiện, lễ hội thu hút khách như Lễ hội Golf Đà Nẵng và Giải BRG Open Golf Championship Danang 2023, Lễ hội Tận hưởng mùa hè 2023...
Thu hút đầu tư trong nước đạt kết quả ấn tượng Tính đến 20-6, thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới 6.617 tỷ đồng, tăng 116,7% số dự án và tăng 110,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 6 dự án trong Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 1.166 tỷ đồng, có 2 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm 32.265 tỷ đồng, gấp 78 lần so với cùng kỳ. Như vậy tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 6 tháng đạt gần 38.882 tỷ đồng, gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2022. |
MAI QUẾ