Kinh tế
Kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu
Tại hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu - Đà Nẵng 2023 do Sở Công Thương phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức ngày 4-8 trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2023 (Hội chợ EWEC - Đà Nẵng 2023), nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước có thêm các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.
Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, xu hướng và cơ hội phát triển thị trường xuất khẩu, gặp gỡ, tìm kiếm các đối tác. TRONG ẢNH: Một doanh nghiệp đang giới thiệu sản phẩm trong khuôn khổ hội nghị. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Ông Tô Ngọc Sơn, Vụ phó Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) thông tin, thị trường châu Phi gồm 55 quốc gia với hơn 1,4 tỷ người. Thị trường này có nhu cầu lớn với hàng nông sản, lương thực thực phẩm, dệt may và không có nhiều yêu cầu kỹ thuật khắt khe.
Đây là một yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp ở Đà Nẵng, tuy nhiên, tình hình chính trị - xã hội ở một số nước còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, quan hệ đại lý giữa các ngân hàng thương mại của Việt Nam với các ngân hàng các quốc gia châu Phi còn hạn chế. Khoảng cách địa lý xa xôi khiến chi phí vận tải bị tăng cao là điều khó khăn hầu như ở các thị trường. Dự báo nhu cầu thị trường trên thế giới phục hồi vào cuối năm 2023, vì vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị và có chiến lược cho thời gian tới, cần định vị sản phẩm ở từng phân khúc khác nhau.
Còn theo ông Lê Hữu Phúc, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thái Lan- đối tác lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, thực phẩm và đồ uống là một trong những ngành bán lẻ lớn tại Thái Lan, ngành hàng này được thúc đẩy phát triển do tăng trưởng kinh tế với tầng lớp trung lưu gia tăng, xu hướng thành thị hóa diễn ra mạnh mẽ.
Thái Lan cũng có ngành thực phẩm phát triển với hệ thống phân phối đã hình thành lâu năm. Thu nhập và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cũng là cơ hội để doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển thị trường. Song, điểm yếu của thị trường này là việc bảo hộ ngành công nghiệp thực phẩm nội địa khiến việc nhập khẩu gặp khó khăn.
Theo ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế. Một doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm thì trước tiên phải có năng lực cạnh tranh ở Việt Nam đủ tốt.
Bên cạnh đó, cần nhanh nhạy, nắm bắt tốt các chính sách, hiệp định thương mại tự do để có chiến lược phù hợp; tận dụng cơ hội tham gia các triển lãm quốc gia và quốc tế để tăng cường cơ hội kết nối giao thương. Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC), bày tỏ mong muốn ngành công thương có chính sách ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp được công nhận là “doanh nghiệp xuất nhập khẩu uy tín” bằng cách kết nối với các khách hàng tại thị trường mới, cũng như giảm bớt thủ tục xuất nhập khẩu để thuận lợi lưu thông hàng hóa.
Trong khi đó, đại diện các doanh nghiệp như Công ty CP Vinafor Đà Nẵng, Công ty CP Trung Nam EMS đề xuất cần thường xuyên cập nhật thông tin cho doanh nghiệp về đầu mối liên hệ để hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục xuất nhập khẩu tại các nước vì thường xuyên có sự thay đổi nhân sự. Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế thế giới trong và ngoài nước chịu nhiều biến động, các doanh nghiệp kỳ vọng có chính sách giảm, giãn tiền thuê đất để giảm bớt khó khăn.
12 đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ hỗ trợ xúc tiến thương mại Trong khuôn khổ hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu - Đà Nẵng 2023, 12 đơn vị đã thực hiện ký kết các biên bản ghi nhớ trong việc hỗ trợ hoạt động xúc tiến xuất khẩu, hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại thành phố Đà Nẵng và Hiệp hội gỗ thành phố Đà Nẵng ký bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ hoạt động xúc tiến xuất khẩu; Công ty TNHH Tứ Sơn Châu Đốc (tỉnh An Giang) và Công ty thảo mộc An Nhiên, HTX Công nghệ cao Mặt Trời Việt ký các bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm; Công ty TNHH Mỹ Phương Food và Công ty CP DHDC Đa Năng ký bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm bánh dừa nướng… |
Mở rộng, tìm kiếm cơ hội kinh doanh với Canada Chiều 4-8, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng, Đại sứ quán Canada tại Hà Nội phối hợp Sở Công Thương tổ chức hội thảo mở rộng các cơ hội kinh doanh với Canada trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố khi tham gia Hội chợ EWEC - Đà Nẵng 2023. Theo Sở Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố năm 2022 tăng 17,9% so với năm 2021. Đến nay, các doanh nghiệp Đà Nẵng đã xuất khẩu đi 120 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, Canada là một trong những thị trường tiềm năng. Kim ngạch xuất khẩu giữa Đà Nẵng với Canada đạt trung bình 25 triệu USD/năm; nhập khẩu đạt trung bình 1 triệu USD/năm. Tại hội nghị, các doanh nghiệp được thông tin về quy định, chính sách và giải quyết các vướng mắc để tiếp cận và xúc tiến hàng hóa vào thị trường Canada. |
MAI QUẾ - VĂN HOÀNG