Kinh tế

Nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp cải thiện PCI

08:20, 02/08/2023 (GMT+7)

Thành phố Đà Nẵng cần thêm những giải pháp, nỗ lực thực tế để cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và môi trường kinh doanh nói chung trên địa bàn thành phố trong những năm đến.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.L
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.L

Nhận diện điểm mạnh và điểm yếu

Theo kết quả PCI năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố giữa tháng 4 vừa qua, Đà Nẵng đạt 68,52 điểm, xếp thứ 9 cả nước, giảm 1,9 điểm và giảm 5 bậc so với PCI 2021. Mặc dù Đà Nẵng vẫn nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu, tuy nhiên đây là thứ hạng thấp nhất của Đà Nẵng trong 10 năm trở lại đây.

Có thể thấy, ngày càng nhiều chỉ số được khảo sát và công bố hằng năm trên phạm vi toàn quốc. Mỗi chỉ số lại là “thước đo” riêng trên từng lĩnh vực, phản ánh kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế của các đơn vị, địa phương trong một giai đoạn cụ thể.

Tuy nhiên, chỉ số PCI trải qua 18 năm thực hiện (từ năm 2005 đến nay) vẫn được cấp ủy, chính quyền các cấp dành sự quan tâm hơn cả vì phản ánh khá toàn diện các mặt trong công tác chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh.

Năm 2022, các chỉ số thành phần của PCI Đà Nẵng cụ thể như sau: thiết chế pháp lý và an ninh trật tự 7,58 điểm; chi phí thời gian 7,48 điểm; chi phí không chính thức 7,21 điểm; tính năng động của chính quyền tỉnh 6,96 điểm; đào tạo lao động 6,8 điểm; gia nhập thị trường 6,73 điểm; tính minh bạch 6,72 điểm; tiếp cận đất đai 6,61 điểm; cạnh tranh bình đẳng 6,42 điểm; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 6,26 điểm. Tổng điểm 68,52/100 điểm.

Theo báo cáo “Phân tích, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng năm 2022” vừa được UBND thành phố công bố cuối tháng 7-2023, có thể chia chỉ số thành 5 nhóm: tăng điểm, tăng hạng; giảm điểm, tăng hạng; tăng điểm, giảm hạng; giảm điểm, hạng không đổi; giảm điểm, giảm hạng.

Điểm sáng tại nhóm tăng điểm, tăng hạng là: tính minh bạch và tiếp cận thông tin tăng 0,42 điểm so với PCI 2021, từ vị trí 16 lên hạng 4/63 tỉnh, thành phố; chi phí thời gian để thực hiện các quy định Nhà nước tăng 0,02 điểm lên 7,48 điểm, đồng thời tăng 6 bậc lên vị trí thứ 26; cạnh tranh bình đẳng đạt 6,42 điểm - cao nhất trong 10 năm qua nhưng về vị trí xếp hạng vẫn nằm ở nhóm thấp của bảng xếp hạng.

Về nhóm giảm điểm, giảm hạng thì chi phí gia nhập thị trường và tiếp cận đất đai, sự ổn định trong sử dụng đất là 2 chỉ số thành phần xếp hạng thấp nhất của Đà Nẵng năm 2022 với thứ hạng lần lượt là 50/63 và 49/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số chi phí gia nhập thị trường luôn giữ vị trí xếp hạng và điểm số khá cao trong những năm trước đây, có nhiều năm liền điểm số của chỉ số này đạt trên 9 điểm và luôn đứng trong top 5 địa phương dẫn đầu.

Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, điểm số và thứ hạng của chỉ số này đang có sự tụt giảm mạnh, đáng quan ngại. Năm 2022, điểm số chỉ giảm 0,21 điểm nhưng thứ hạng đã giảm 20 bậc. Trong khi đó, mặc dù Đà Nẵng không thường xuyên được xếp hạng ở nhóm đầu chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất nhưng vẫn duy trì ở nhóm trên của bảng xếp hạng, tuy nhiên, năm 2022 đã chứng kiến sự tụt giảm của phần lớn các chỉ tiêu thành phần của chỉ số này.

Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Sản xuất Huỳnh Đức (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.L
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Sản xuất Huỳnh Đức (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.L

10 nhóm nhiệm vụ, 32 giải pháp

Nhận định về kết quả PCI Đà Nẵng năm 2022, TS. Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế - xã hội thành phố, cho biết mặc dù năm qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, kết quả cho thấy vẫn chỉ đang trong giai đoạn phục hồi và đối mặt với không ít khó khăn nhất định như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu; triển khai xây dựng các khu, cụm công nghiệp vẫn đang trong giai đoạn thu hút đầu tư; quỹ đất có quy mô lớn còn thiếu và chưa bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tình trạng mất cân đối về cơ cấu cung - cầu lao động chưa được khắc phục… khiến kết quả PCI chưa được như kỳ vọng và đòi hỏi các đơn vị liên quan phải tiếp tục nỗ lực hơn.

Việc cải thiện không chỉ tập trung ở các chỉ số giảm điểm, tụt hạng mà ngay cả đối với các chỉ số tăng điểm, tăng hạng; các chỉ tiêu thành phần vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục cải thiện. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến các chỉ số mà thành phố còn thấp điểm trong tương quan với các địa phương khác của cả nước để có những giải pháp cải thiện một cách toàn diện.

Vừa qua, UBND thành phố ban hành Công văn số 3946/UBND-VKTXH ngày 28-7-2023 về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI. Theo đó, công văn đặt ra 10 nhóm nhiệm vụ, 32 giải pháp tương ứng với mục tiêu cải thiện 10 chỉ số thành phần PCI của Đà Nẵng và giao cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện triển khai các nhiệm vụ tương ứng.

Cụ thể: Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung rà soát các khâu trong giải quyết thủ tục đăng ký, thay đổi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp; phát huy hiệu quả của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp; sớm tham mưu UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh triển khai các thủ tục bảo đảm pháp lý thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2023; tiếp tục bổ sung thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư vào thành phố. Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện cần có nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sáng tạo về cải cách hành chính…

Ông Hồ Anh Tuân, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh Đà Nẵng, cho rằng cộng đồng doanh nghiệp mong muốn thành phố quan tâm hơn nữa, đặc biệt là giải quyết các vấn đề đã tích lũy nhiều năm qua nhưng chưa có giải pháp triệt để như đất đai, xây dựng... Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ thông tin tới doanh nghiệp hiện nay mang tính rải rác, không tập trung, có rất nhiều doanh nghiệp không biết mình có thuộc diện được thụ hưởng chính sách hay không. Vì vậy, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường nhiều kênh tương tác giữa chính quyền và doanh nghiệp, phát hành sổ tay điện tử tổng hợp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Đà Nẵng và cập nhật qua từng năm; công khai kịp thời về các bản đồ và quy hoạch sử dụng đất, xây dựng cơ sở hạ tầng mới một cách đầy đủ, rõ ràng.

MINH LÊ

.