Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi ốc bươu đen

.

Nhận thấy triển vọng và đem lại giá trị kinh tế cao từ việc nuôi ốc bươu đen thương phẩm, một số hộ nông dân ở xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) đã mạnh dạn cải tạo những diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả, bỏ hoang để thực hiện mô hình này.

Mô hình nuôi ốc bươu đen tại xã Hòa Tiến bước đầu mang lại thu nhập ổn định, góp phần cải thiện kinh tế cho các hội viên nông dân. TRONG ẢNH: Ông Nguyễn Tài, người dân thôn Bắc An đang kiểm tra ốc nuôi. Ảnh: V.Â
Mô hình nuôi ốc bươu đen tại xã Hòa Tiến bước đầu mang lại thu nhập ổn định, góp phần cải thiện kinh tế cho các hội viên nông dân. TRONG ẢNH: Ông Nguyễn Tài, người dân thôn Bắc An đang kiểm tra ốc nuôi. Ảnh: V.Â

Tiên phong thực hiện mô hình này là ông Nguyễn Tài, Chi hội trưởng nông dân thôn Bắc An. Từ phong trào xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình do Hội Nông dân xã Hòa Tiến phát động, đầu năm 2023, ông Tài đề xuất triển khai mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm tại địa phương. Với diện tích ban đầu khoảng 600m2 , ông thuê thêm 1.000m2 diện tích đất xung quanh để mở rộng điểm nuôi ốc.

Qua sự hỗ trợ của UBND xã và Hội Nông dân xã, ông cùng nhiều người khác có cơ hội tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ những mô hình thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại tỉnh Quảng Nam.

Theo ông Tài, ốc bươu đen được thị trường rất ưa thích bởi thịt ốc thơm và ngọt. Đây là loại thủy sản dễ nuôi, ít dịch bệnh, thích nghi tốt việc nuôi trong ao và phù hợp với điều kiện địa phương. Đặc biệt, chi phí đầu tư ban đầu không lớn, sử dụng công lao động không nhiều, chủ yếu tận dụng thời gian rảnh nên người nuôi dễ có lãi hơn so với các mô hình khác.

Để nuôi loại ốc này, ông đã đào các ao đất với hệ thống xử lý nước, thả bèo, làm dàn trồng mướp và để cỏ mọc xung quanh ao tạo môi trường thủy sinh cho ốc phát triển và đẻ trứng. Được biết, ông thả khoảng 10.000 con ốc và lấy nguồn thức ăn tận dụng chủ yếu từ rau, củ, quả thừa.

“Chi phí đầu tư thấp, không tốn nhiều thời gian, nhu cầu tiêu thụ cao… là những ưu điểm của mô hình này. Tôi đã xuất bán được 1 đợt với giá từ 70.000-80.000 đồng/kg. Nếu trừ đi các khoản hao hụt thì lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Đây là mô hình rất phù hợp với môi trường, thổ nhưỡng của xã Hòa Tiến”, ông Tài chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Trinh cùng 5 nông dân trên địa bàn xã Hòa Tiến đã góp vốn, thành lập Tổ hội nuôi ốc bươu đen thôn Dương Sơn với tổng diện tích khoảng 5.000m2 . Đây là khu vực đất nông nghiệp bị bỏ hoang, không sản xuất được, cây cỏ mọc um tùm.

 Ông Trinh cho biết, từ nguồn vốn cá nhân, ông cùng các thành viên khác đã vay thêm vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để triển khai mô hình. Nhận định việc nuôi ốc bươu đen thương phẩm không mới, nhưng vẫn còn hiếm trên thị trường và không phổ biến với nông dân tại Đà Nẵng nên ông Trinh đã tìm hiểu thông tin trên internet; đồng thời liên kết, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi từ các đơn vị, nông dân đã thành công ở những nơi khác.

Hiện, tổ hội đang thực hiện nuôi 6 ao ốc bươu đen, với nguồn thức ăn nuôi ốc được các thành viên trong tổ hội tận dụng và thu gom từ nguồn rau, củ, quả hư hỏng, thải hằng ngày tại Chợ đầu mối Hòa Cường. Nhờ vậy, ốc bươu sinh trưởng và phát triển ổn định.

“Từ khi triển khai mô hình, nhiều nông dân cũng đến để học hỏi, tìm hiểu. Mặc dù còn mới và gặp những khó khăn ban đầu, nhưng các anh em rất quyết tâm để đưa mô hình thành điểm sáng trong phát triển kinh tế hộ gia đình của địa phương. Mong rằng, mô hình sẽ giúp nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế cho các thành viên”, ông Trinh nói.

Theo ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến, mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm đang được một số hộ dân triển khai bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 Địa phương sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện các giải pháp động viên, tạo điều kiện, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện mô hình.

Đồng thời, vận động các hội viên nông dân mạnh dạn hiện thực hóa các ý tưởng phát triển kinh tế gia đình, tận dụng hiệu quả những diện tích bỏ hoang trên địa bàn để tái sản xuất.

Thành công bước đầu không chỉ mang đến nguồn thu nhập ổn định cho các hội viên nông dân, mà đây còn là hướng đi mới, tạo động lực khuyến khích nông dân triển khai các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần cùng địa phương xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.

VIỆT ÂN

;
;
.
.
.
.
.