Bên cạnh khó khăn về thị trường, nguồn vốn và nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản Đà Nẵng còn lo vấn đề xử lý nước thải sau sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp phải xây các bể chứa nước thải bởi lượng nước thải đầu ra bị khống chế. |
Muốn xả cũng không được
KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng vào một buổi trưa đầu tháng 5, lúc này đang là thời điểm bắt đầu của mùa khai thác thủy hải sản. Dừng chân trước cổng Công ty TNHH Hải Thanh, chúng tôi đã ngửi thấy mùi cá, tôm bốc lên lẫn lộn với mùi hôi thối từ các bể xử lý nước thải của DN và Trạm xử lý nước thải (XLNT) tập trung. Bà Huỳnh Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hải Thanh cho biết: “Đặc trưng của ngành sản xuất thủy sản là thường xuyên phải dùng nước, vì vậy lượng nước thải sau khi sử dụng thải ra rất nhiều. Tuy nhiên, Trạm XLNT tập trung không đủ năng lực thu gom và xử lý, khống chế nước thải đầu ra của DN buộc chúng tôi phải trữ nước thải sau sản xuất vào các bể thu gom. Thử hỏi như vậy không hôi sao được?”.
Theo quan sát, hệ thống xử lý nước thải sơ bộ mà Công ty TNHH Hải Thanh đang đầu tư xây dựng có đủ các quy trình về xử lý nước thải như hệ thống tách mỡ, cặn bã, lắng lọc tạp chất và xử lý bằng hóa chất trước khi đưa vào hệ thống thu gom chung. Theo bà Thanh, bình quân 1 ngày, Công ty TNHH Hải Thanh thải ra khoảng 800-1.000m3 nước. Tuy nhiên, phía trạm XLNT tập trung chỉ cho tiếp nhận 300m3; nếu vượt quá khối lượng nước này, nhân viên điều hành trạm sẽ khóa van. Cùng chung với những trăn trở của Công ty TNHH Hải Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Bắc Đẩu Nguyễn Văn Chín cũng cho biết: “Trước đây, chúng tôi đã có hệ thống xử lý nước thải sơ bộ tại công ty.
Một thời gian sau, thành phố có chủ trương xây dựng trạm XLNT tập trung, yêu cầu các DN đấu nối và xả nước thải sau sản xuất vào hệ thống thu gom chung để trạm xử lý. Song, trạm hoạt động quá tải, thành phố lại chỉ đạo các DN đầu tư xây dựng trạm xử lý cục bộ với công suất lớn hơn để xử lý sơ bộ trước khi thải vào hệ thống thu gom chung của thành phố. Giờ chúng tôi đầu tư xây dựng xong thì phía trạm do năng lực kém không thu gom và xử lý kịp thời lại khống chế nước thải từ phía DN. Như vậy khác nào kìm hãm hoạt động sản xuất của DN”.
Phải tạo điều kiện cho DN phát triển
Trước những khó khăn trong việc xả nước thải sau sản xuất vào hệ thống thu gom chung, nhiều DN tỏ ra bức xúc và lo lắng. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết: “Từ tháng 9-2013, chúng tôi đưa vào vận hành trạm XLNT với công suất 2.000m3 ngày/đêm, nước thải của công ty trước khi đưa vào hệ thống thu gom chung đã không những đạt mà còn thấp hơn mức quy định của thành phố. Mặc dù thải vào hệ thống thu gom chung chúng tôi phải trả tiền, nhưng vẫn bị khóa van nếu nước thải 1 ngày thải ra trên 1.000m3. Chúng tôi lo lắng trong mùa vụ cao điểm sắp tới, nếu thành phố không hạ nồng độ COD xuống và tăng lưu lượng nước thải thu gom cho DN lên thì DN sẽ khó sản xuất ổn định”.
Hiện, các DN đã và đang đầu tư hệ thống xử lý nước thải sơ bộ tại DN mình. Nhưng theo các DN, số tiền đầu tư lớn trong khi thành phố vẫn khống chế lượng nước thải đầu ra khiến DN rất khó sản xuất. Để giải quyết tình trạng trên, trước mắt các DN đã xây dựng thêm các bể dự trữ nước thải. Tuy nhiên, nếu nước thải dự trữ lâu không được xử lý kịp sẽ gây mùi và nồng độ COD trong nước thải vì thế cũng sẽ cao dần đồng nghĩa với việc số tiền DN trả cho trạm XLNT cũng tăng lên. “Có thời điểm, các nhân viên của trạm XLNT khóa van trong lúc mẻ hàng đang trên dây chuyền sản xuất khiến cả quy trình chịu ảnh hưởng. Nhất là vào dịp thời vụ, khi ngư dân đánh bắt về nhiều nhưng chúng tôi không thu mua được. Điều này không những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của công ty mà còn khiến công nhân không có việc làm, ngư dân về không bán được cá…”, bà Thanh nói thêm.
Nên chăng, đối với các DN thủy sản, trong khi chờ đầu tư xây dựng trạm XLNT mới, thành phố cần có biện pháp nâng cấp trạm XLNT hiện có, song song, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn để DN yên tâm sản xuất.
Theo ông Đặng Đức Vũ, Phó Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải (XLNT) Đà Nẵng thì tình trạng khống chế nước thải đầu ra của các DN một phần do năng lực xử lý của Trạm XLNT tập trung hạn chế. Song, do các DN chế biến thủy sản khi đăng ký công suất nước thải thải ra với lưu lượng thấp; đến khi các DN mở rộng sản xuất, nước thải đầu ra ngày càng nhiều trong khi chưa đăng ký lưu lượng xả thải lại với Sở Tài nguyên và Môi trường. Hơn nữa, mặc dầu một số DN đã đầu tư xây dựng hệ thống XLNT sơ bộ, tuy nhiên lượng nước thải đầu ra vẫn không ổn định, lúc đạt lúc không nên buộc công ty phải khống chế nước thải của các DN để duy trì hoạt động của Trạm XLNT. Công ty đã làm đúng quy định, mặc dù thế, để tạo điều kiện cho các DN sản xuất, công ty cũng đã thường xuyên cân đối tăng lưu lượng nước thải cho các DN với yêu cầu các DN phải bảo đảm nước thải đầu ra đạt yêu cầu. |
Bài và ảnh: THANH TÌNH