.

"Bỏ quên khách nội thành "

.

Những dịp lễ ngắn ngày trải đều theo các tháng trong năm: Tết Dương lịch (1-1), Giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10-3 âm lịch...), sắp tới đây là 30-4 và 1-5. Đi đâu trong thành phố cho hết một ngày, để vừa được nghỉ ngơi, vừa có thể vui chơi, giải trí thỏa thích?

“Chắc là... cũng karaoke”

Để giết thời gian ở khu du lịch, khách du lịch trải chiếu... đánh bài. (ảnh chụp chiều chủ nhật 20-4, tại khu du lịch S.L)


Vào những kỳ nghỉ ngắn ngày (1 ngày), người ta thường không có nhiều thời gian đi du lịch các địa phương khác, mà chỉ muốn cùng bè bạn, gia đình đến một điểm vui chơi trong thành phố, nghỉ ngơi tại đó. Vậy mà rất nhiều người dân Đà Nẵng vẫn không biết sẽ đi đâu, làm gì trong những dịp như vậy. Bởi lẽ, theo chị Nguyễn Thị Thu Hà (Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê): “Chúng tôi đã ở Đà Nẵng gần 30 năm, nên không lạ gì với núi, với biển. Bỏ ra vài chục ngàn vào cổng một khu du lịch là chuyện nhỏ, nhưng cái chúng tôi cần là các điểm du lịch đó phải có nhiều trò giải trí, những hoạt động mới mẻ để chúng tôi vui chơi cả ngày, và còn quay trở lại vào những dịp khác”.

Anh Trần X. Thịnh (đường Trần Cao Vân) dự kiến sẽ đưa người yêu đi du ngoạn bán đảo Sơn Trà trong dịp 30-4, vì tò mò: “Không biết Sơn Trà đẹp thế nào mà người ta lại đầu tư lớn vào đó, có dự án lên tới mấy trăm triệu đô (USD)”. Nhưng khi nghe bạn bè kháo nhau: “Chạy xe chừng 2 tiếng là hết bán đảo, dọc đường không có điểm dừng nào thú vị. Vào Bãi Bụt, Bãi Rạng... chỉ thuê chòi ngồi nhậu, hoặc nằm nghỉ, chứ không có gì chơi”, anh cũng tiêu tan ý định.
 
Một bạn trẻ khác, Võ Quỳnh Trang (Hòa Hiệp Bắc - Liên Chiểu) cho biết: “Tôi và gia đình sau một hồi bàn cãi, đã đi tới quyết định “xưa như trái đất”: Sẽ ở nhà và tụ tập ăn uống, chứ đi ra ngoài vừa tốn tiền, vừa không có gì vui”. Chị Thu Hà nói: “Tôi và bạn bè sẽ đi loanh quanh đâu đó, rồi hát karaoke, uống cà-phê. Vậy là qua mấy ngày nghỉ”. Một giải pháp khác dành cho các bạn trẻ thích tìm sự mới lạ: vác ba-lô, mang giày bata lội tới những vùng chưa được khai thác như Khe Dâu (Hòa Bắc), ghềnh đá Nam Ô... Tuy nhiên, các nơi này đều nằm ở vùng hẻo lánh, do đó, bạn trẻ phải đi theo tốp để tránh nguy hiểm, có thể giúp nhau khi có sự cố xảy ra.

“Tiêu” thời gian ở khu du lịch bằng cách… đánh bài

Có thể kể tên hàng loạt các điểm du lịch trong thành phố: Non Nước, Bà Nà, Khu du lịch Suối Mơ, Suối Hoa, Suối Lương..., nhưng hầu hết các điểm này đều không hoặc có rất ít các trò chơi phục vụ du khách. Vì vậy, đến các nơi trên, khách chỉ nhìn ngó, leo trèo rồi về. Ngay trong ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 15-4), nhiều người Đà Nẵng khi lên Bà Nà đã chia nhóm đánh bài để “tiêu” thời gian. Anh Nguyễn Cường, một người Đà Nẵng đi chơi Bà Nà trong ngày này nói: “Tụ tập đánh bài như vậy thì kỳ quá, nhưng chúng tôi còn biết làm chi. Háo hức đi từ sáng sớm, lên tới đây chẳng có gì vui, đi luẩn quẩn một chặp cũng quay về chỗ cũ. Thậm chí, buổi chiều, chúng tôi cũng phải đợi “è cổ” mới có xe trung chuyển tới đón. Vừa mệt vừa chán!”.

Anh X. Thịnh thì kể: “Sau khi tham khảo hết các ý kiến, mồng 10-3 âm lịch vừa rồi, chúng tôi quyết định ra làng Vân để tìm sự mới lạ. Biển ngoài đó rất đẹp, nhưng chúng tôi cũng không biết làm gì ngoài việc ngồi tán dóc, chờ bớt nắng rồi thuê ghe về”.

Hiện có rất nhiều dự án du lịch lớn được đầu tư vào Đà Nẵng. Ngành du lịch cũng đưa ra nhiều kế hoạch, chiến lược thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, một việc rất quan trọng dường như đã bị bỏ quên: đầu tư, tổ chức các điểm du lịch thành một nơi vui chơi đúng nghĩa dành cho chính người dân nội thành.

Các hãng lữ hành “đóng đô” tại Đà Nẵng cũng không chú trọng đến mảng khách này. Chương trình City tours vòng quanh thành phố trong 1 ngày thì không được mấy người dân để ý, vì “Chúng tôi không có nhu cầu ngồi xích lô, hay có hướng dẫn viên đi theo”, anh X. Thịnh giải thích. Vì vậy, sẽ có lý khi người Đà Nẵng đặt dấu hỏi: Các điểm du lịch chưa thu hút được dân địa phương, thì nói gì đến chuyện thu hút khách du lịch thập phương?

Bài và ảnh: TRIÊU NHAN

;
.
.
.
.
.