.
Miền Trung phát triển du lịch

Ai cầm “chịch”?

.

Trong cơn lốc thu hút đầu tư vào phát triển ở miền Trung, một phần không nhỏ được dành cho lĩnh vực du lịch. Điều đó xuất phát từ việc nhìn nhận một cách đúng đắn tiềm năng của 5 di sản văn hóa thế giới, nhiều bãi biển đẹp nhất nước và hệ sinh thái đặc sắc... trong khu vực này. Thế nhưng, để có một người cầm “chịch” chỉ huy sự kết nối nhằm phát huy lợi thế đó một cách hiệu quả hơn, thì vẫn còn đang chờ câu trả lời, mặc dù vấn đề đã được đặt ra khá lâu...

Khai thác các sản phẩm du lịch trùng lặp ở miền Trung là do thiếu người cầm chịch.

Sau chuyến bay thẳng bằng chuyên cơ riêng từ Dubai đến Việt Nam, ông Hussain Sajwani, Chủ tịch Tập đoàn Damac Holding (Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất) cùng đoàn tùy tùng đã trực tiếp đến khảo sát và tiếp tục các hoạt động nhằm đẩy nhanh tiến độ hợp tác với Công ty Magnum đầu tư vào khu chung cư cao cấp và khu nghỉ mát lớn ven biển Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD trên tổng diện tích hơn 60 ha.

Tiếp xúc với lãnh đạo thành phố, ông Hussain Sajwani cho hay, đây là lần đầu tiên đến Việt Nam, nhưng ông đã bị lôi cuốn bởi những tiềm năng trong phát triển du lịch và Đà Nẵng được Tập đoàn Damac lựa chọn để quyết định đầu tư một số vốn lớn như vậy vì là nơi lý tưởng để biến thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Cũng tầm nhìn đó, những tên tuổi trong nước và nước ngoài đã có sự đầu tư và bắt đầu bước vào khai thác cũng như tiếp tục hoàn thành những dự án du lịch tại miền Trung. Đó là Khu resort The Nam Hải, khu sân golf The Montgomerie Links Vietnam... của Indochina Capital; Vinpearl Land Nha Trang (Công ty CP Vincom); Khu resort Mũi Né (Bình Thuận)...

Ông Peter Ryder, Tổng Giám đốc Indochina Capital cho biết, tập đoàn này đã đầu tư 250 triệu USD vào khu vực ven biển Đà Nẵng - Quảng Nam; đồng thời dự kiến tiếp tục đầu tư một khoản kinh phí tương đương vào 3 khu nghỉ dưỡng trong vòng 3 năm tới cũng tại khu vực này. Dĩ nhiên, khi bỏ tiền ra đầu tư, các nhà kinh doanh rõ ràng phải thấy lợi nhuận được mang lại. Mặc dù đã dốc sức đầu tư như thế, nhưng để có một sự phát triển du lịch bền vững, thì các nhà đầu tư dường như cảm thấy lẻ loi, vì thiếu một tầm nhìn quy hoạch và liên kết để phát triển ngành “công nghiệp không khói” ở miền Trung.

Đây là vấn đề không mới, nhưng dường như việc khởi động vẫn còn nằm ở dạng... ý tưởng. Sự cố gắng trong liên kết ở các nhà đầu tư chỉ mới dừng ở mức nhỏ lẻ; như sự liên kết giữa resort với sân golf của Indochina Capital, mà bằng chứng hiệu quả là vừa qua, ông Jhon Tomlinson, Tổng Giám đốc CLB golf The Montgomerie Links Vietnam (Điện Dương, Quảng Nam) cho biết, chưa đầy 24 giờ, dự án sân golf trị giá 64 triệu USD nằm bên bờ biển Hà My xinh đẹp này đã bán được 25 “gói” thẻ thành viên ưu đãi với giá 16.500 USD/suất. Nhận thấy nhu cầu tăng cao, CLB golf The Montgomerie Links Vietnam đã chuyển tiếp sang bán dạng thẻ hội viên thông thường với số lượng giới hạn có giá 22.500 USD/suất. Còn ông Hussain Sajwani thì cho hay, trong nỗ lực của mình, tập đoàn của ông sẽ quảng bá và thu hút nguồn khách hàng truyền thống châu Âu sang Đà Nẵng khi các dự án của Damac đi vào hoạt động...
 
Đấy mới chỉ là sự kết nối nội tại của các nhà đầu tư nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, giữ chân và “vét túi” du khách. Trong sự liên kết phát triển du lịch miền Trung, cũng cần nói đến sự kết nối giữa các địa phương trong khu vực và sự kết nối giữa du lịch và các loại hình dịch vụ khác. Nói về sự kết nối giữa các địa phương, ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận rằng, sự gắn kết giữa các địa phương có tiềm năng du lịch còn rất lỏng lẻo; các lãnh đạo địa phương không chịu “ngồi lại” với nhau để có một cái bắt tay thật chặt trong phát triển du lịch cho cả vùng. Điều đó được minh chứng bằng thực tế, mặc dù đã được công nhận từ năm 2004, sau 2 năm khởi xướng của ông Paul Stoll, Con đường Di sản miền Trung bây giờ dường như trở lại thời... sơ khai và bị Hành lang Kinh tế Đông Tây lấn át. Cũng vì thiếu sự “cầm chịch” trong quy hoạch cũng như liên kết giữa các địa phương như vậy, nên sản phẩm du lịch ở miền Trung na ná nhau vì chỉ tập trung khai thác du lịch biển theo kiểu “mạnh ai nấy chạy”.

Đây là sự thừa nhận của Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Trần Chiến Thắng; mặc dù trong thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã có nhiều quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng tại khu vực này đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Vì thế, theo ông Trần Chiến Thắng, một trong những vấn đề cần làm ngay, là cần tăng cường vai trò điều phối của Ban Chỉ đạo quốc gia về du lịch mà thường trực là Tổng cục Du lịch trong thực hiện quy hoạch; đặc biệt là xem xét các dự án đầu tư có ý nghĩa vùng. Còn ở mức độ liên kết giữa du lịch với các ngành khác, một ví dụ cụ thể được ông Peter Ryder đưa ra là năm ngoái, đơn vị ông đã phải từ chối một tour đến miền Trung vì không có đủ chuyến bay đến đúng thời gian quy định.

Từ thực tiễn đó, ông cho rằng, cần nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới giao thông thì mới hy vọng tạo nên sự liên kết phát triển du lịch. Ngoài ra, một vấn đề mà ông lưu ý là, cũng cần quan tâm đến việc bảo vệ môi trường khi phát triển du lịch. Đây chính là những vấn đề cần quan tâm trong khi xây dựng và triển khai thực hiện chính sách phát triển du lịch; nhất là tạo mối liên kết phát triển bền vững trong khu vực miền Trung.

NGUYỄN THÀNH

;
.
.
.
.
.