.
DU LỊCH 3 NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG

Hợp tác để mạnh lên

.

Rất nhiều hãng lữ hành đã thiết kế tour dựa trên trục đường Huế - Hội An - Mỹ Sơn - Kon Tum - Daklak - Champasak - Luang Prabang - Siêm Riệp. Trong xu thế thuận lợi của hội nhập với các chính sách cởi mở hơn, các nước láng giềng có nhiều điều kiện để nói đến chuyện góp gạo thổi cơm chung, xây dựng một thương hiệu mới cho du lịch 3 nước Đông Nam Á mang tên “Con đường di sản văn hóa  Đông Dương-một điểm đến ba quốc gia” bằng những quyết tâm và sáng kiến mới.

Mỹ Sơn luôn bí ẩn trước du khách.

Chính quyền các nước Việt Nam, Lào, Campuchia đều thừa nhận việc các di sản văn hóa được UNESCO công nhận đã trở thành hạt nhân cho việc phát triển du lịch trong mỗi vùng. Riêng Ăngkor mỗi năm đón trên 1 triệu lượt khách tham quan. Luang Prabang và các di sản khác đón 1,2 triệu lượt khách. Và từ năm 2002, con đường di sản văn hóa thế giới ở miền Trung đã thành một thương hiệu để các đơn vị làm tour khai thác ngày càng hiệu quả, thu hút khoảng 1 triệu khách đến các vùng này mỗi năm. 

Giới kinh doanh du lịch từng đánh giá cao ý tưởng liên kết của Quảng Nam khi thử nghiệm sản phẩm mới “Đêm Ăngkor trên phố cổ”,  “Đêm phố cổ Hội An- cố đô Luang Prabang” hoặc “Đêm Mỹ Sơn-Watphou” huyền diệu trong chương trình Hành trình di sản thế giới lần thứ 3 tại Quảng Nam. Ông Nguyễn Văn Cường, đại diện Vietravel nói rằng, cách làm này đã cùng lúc quảng bá hàng loạt di sản, giới thiệu nhiều hình ảnh các di sản các nước láng giềng khi du khách mới bước chân đến Hội An hoặc Mỹ Sơn, từ đó kích thích họ tiếp tục hành trình xuyên Đông Dương.

Cách làm này đã thành công tại Nhật thì chắc chắn cũng sẽ gặt hái kết quả nếu áp dụng tại 3 nước trong vùng. Nhưng đó chỉ là một con đường khai phá. Ông Phạm Từ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phân tích, bức tranh phát triển du lịch giữa 3 nước phải rất đồng bộ cùng lúc khai thác cả du lịch đường bộ, caravan trên hành lang kinh tế Đông Tây, đến đường thủy, phát huy lợi thế sông Mêkông đưa khách vào sâu vùng Tây Nam Bộ và phát triển mạng lưới hàng không xuyên qua các vùng có di sản văn hóa thế giới.

Du lịch theo đường bộ phải phát triển trước. Malaysia mỗi năm đón 17 triệu du khách thì có đến 70% khách đến theo tuyến đường bộ. Ba nước Đông Dương không nên bỏ qua cơ hội như vậy. Tổng cục Du lịch đang nỗ lực kiến nghị Chính phủ Việt Nam nâng cấp các cửa khẩu với các nước láng giềng, chấn chỉnh thái độ của hải quan trong phục vụ phát triển du lịch, có dự án mở hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ với Lào và Campuchia, đẩy mạnh tốc độ xây dựng cơ sở dịch vụ, khách sạn cao cấp.
 
Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương có di sản văn hóa thế giới như Champasak, Luang Prabang đã tiến bộ vượt bậc về hệ thống nhà hàng, khách sạn, vận tải. Đời sống người dân được cải thiện nên rất đồng thuận trong việc vừa bảo tồn văn hóa, vừa phát triển du lịch. Campuchia đã có kế hoạch bỏ thủ tục visa. Hiện Campuchia - Myanmar đã bỏ thị thực nhập cảnh, sắp đến sẽ áp dụng luôn với Việt Nam, Lào, Thái Lan. Trong mong muốn chung về hợp tác du lịch giữa các địa phương có di sản văn hóa thế giới, với sự ủng hộ của Chính phủ, các địa phương có di sản sẽ hợp tác chặt chẽ trong xây dựng cơ chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho liên kết.
 
Các địa phương phải có chính sách mở cửa, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, lưu trú, vận chuyển, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của khu vực, với nguyên tắc phát triển hài hòa với việc bảo tồn các di sản và môi trường thiên nhiên. Cùng với việc đẩy mạnh quảng bá song song đầu tư du lịch, thương hiệu hành trình di sản văn hóa thế giới Đông Dương sẽ nhanh chóng lớn mạnh.              

 

Ý KIẾN MỘT SỐ DOANH NGHIỆP


Ông Phùng Cư, Giám đốc Chi nhánh Công ty Tân Hồng tại Đà Nẵng:

Những chuyến bay đơn lẻ quanh Đông Dương hiện chưa đủ sức kết nối thành tour xuyên suốt giữa các di sản thế giới trong khu vực này, nên tôi tin chắc loại hình du lịch caravan sẽ đi tiên phong trong phát triển chứ không phải du lịch bằng hàng không. Từ năm 2005 đến nay, Tân Hồng đã đón 35 đoàn khách, có đoàn đông đến 60 xe. Điều tôi mong chờ là Chính phủ của 3 nước hãy mở rộng các cặp cửa khẩu để đón khách caravan đến từ khắp ASEAN đến Đông Dương.

Hiện nay mới chỉ cho phép các tour caravan vào Việt Nam ở các cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), Bờ Y (Kon Tum) đã hạn chế chúng tôi tổ chức tour cho khách Malaysia, Thái Lan, Singapore. Nếu như chúng ta mở luôn cửa khẩu Mộc Bài cho xe đi tour caravan vào thì sẽ có một sự bùng nổ trong loại hình du lịch này.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, đại diện Công ty Lửa Việt:

Tôi cũng ủng hộ chuyện cấp một lần visa cho khách đi trên hành trình di sản Đông Dương. Muốn liên kết có hiệu quả, 3 nước phải làm gấp chuyện đào tạo nguồn nhân lực. Tôi đã đưa khách Việt đến Ăngkor cả trăm lần, lần nào cũng không hài lòng về hướng dẫn viên. Chỉ có 13 người biết tiếng Việt, nhưng có lúc lượng khách Việt dồn về đây đến 5.000 người như dịp 30-4 vừa rồi. Khách khổ sở vô cùng vì không người hướng dẫn, hoặc thuyết minh tầm bậy. Ở Luang Prabang thì càng khó tìm được người hiểu biết lịch sử văn hóa Lào. Nhiều tờ báo Việt viết về thắng cảnh ở Campuchia, Lào sai hết thông tin. 3 nước chúng ta ngồi với nhau mà không hiểu gì về nhau. Trong khi người Thái Lan nhanh hơn đã kịp học và số lượng hướng dẫn viên nói tiếng Việt khá nhiều.

Tài liệu của quốc tế về Lào và Campuchia còn nhiều hơn những gì chúng ta biết về láng giềng, thì làm sao mà liên kết cho tốt, nếu không chuẩn bị kỹ về con người. Còn về hàng không, ta phải xem lại khi giá vé máy bay tuyến TP. Hồ Chí Minh-Siem Riep tốn 168 USD, trong khi TP. Hồ Chí Minh-Bangkok 155 USD cho hai lượt đi - về.

Bà Võ Thị Thu, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch dịch vụ Hội An:

Chúng ta đã rất cố gắng để tổ chức các sản phẩm hấp dẫn, làm sinh động thêm di sản văn hóa mà mỗi địa phương đang kế thừa. Nhưng cố gắng mấy cũng phải hụt hẫng khi gặp những chuyện như hải quan tại Lào nghỉ trưa từ 12 giờ đến 13 giờ và nghỉ làm việc luôn vào lúc 16 giờ 30 mỗi chiều. Những lúc ấy, sự chờ đợi của du khách là nỗi đau lớn đối với nhà tổ chức tour thật khó chịu đựng nổi. Hiện nay, Việt Nam-Lào-Thái Lan đã bỏ thị thực nhập cảnh, nhưng Campuchia vẫn thu mức 20 USD/người.

Thời gian sắp đến, chúng tôi đã có kế hoạch liên kết với các công ty du lịch Lào, Campuchia để thảo luận việc liên kết, trao đổi khách qua lại, bởi vì hiện nay nhu cầu du khách Việt, khách quốc tế đi Lào, Campuchia đang tăng lên từng ngày. Ông Lưu Văn Hạnh, đại diện Vietnam Airlines: Vấn đề thứ nhất phải giải quyết một lần visa theo tinh thần “ba nước một điểm đến” cho du khách quốc tế, không thể để tình trạng du khách đến biên giới nước nào cũng phải trả thêm tiền làm thủ tục thị thực như hiện nay.
 
Bộ Ngoại giao và Bộ Du lịch 3 nước nên sớm thỏa thuận được chuyện visa thì giá tour Đông Dương còn thấp xuống nữa. Thứ hai, các nước sớm có Hiệp định hợp tác về hàng không, thiết lập các tuyến bay xuyên qua các di sản văn hóa, lịch sử, tạo điều kiện cho du khách đi khắp Đông Dương. Có sự phối hợp thành chuỗi liên kết để trao đổi khách song phương giữa ba nước.


 

GIANG THANH

;
.
.
.
.
.