.
Ngành du lịch ứng dụng CNTT:

Nhà cung cấp đã “động”, doanh nghiệp còn “tĩnh”

.

Ngày 23-5, Sở Thông tin &Truyền thông Đà Nẵng và Viện Tin học DN (ITB) thuộc VCCI đã phối hợp tổ chức hội thảo “Giải pháp ứng dụng CNTT cho ngành du lịch”. Hơn 100 đại diện các nhà cung cấp giải pháp, các đơn vị hoạt động CNTT và trong lĩnh vực du lịch Đà Nẵng đã tham dự, cùng trao đổi kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực ứng dụng CNTT.

Đánh giá từ các cơ quan quản lý Nhà nước cho thấy, trên địa bàn Đà Nẵng hiện đang có 74 đơn vị hoạt động lữ hành và 140 cơ sở lưu trú du lịch với gần 4.400 phòng. Ngành du lịch địa phương năm 2007 vừa qua đã đón trên 1 triệu lượt khách, kế hoạch năm 2008 sẽ phấn đấu tăng con số này lên 20 – 30%. Do đó, yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT để giúp tăng cường hiệu quả quảng bá, tiếp cận khách hàng và mở rộng phạm vi hoạt động các cơ sở, DN du lịch tại địa phương là rất cần thiết.

Mức độ ứng dụng CNTT ở các đơn vị du lịch Đà Nẵng vẫn còn chênh lệch lớn.

Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, mấy năm qua mức độ phổ biến ứng dụng CNTT ở lĩnh vực du lịch Đà Nẵng vẫn còn hạn chế. Khả năng tiếp cận các kênh, công cụ công nghệ giữa các đơn vị còn chênh lệch lớn. Nhiều đơn vị mới chỉ ứng dụng CNTT được ở khâu quản lý hành chính, tổ chức tour tuyến, lập các website giới thiệu cơ bản. Rất ít đơn vị mở rộng được khả năng xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ du khách, tổ chức quảng bá và tiếp cận du khách qua mạng, giới thiệu các sản phẩm có dạng liên kết cùng các đầu mối quảng bá du lịch khác.

Nhằm cân đối hiện trạng trên và nâng cấp năng lực ứng dụng CNTT ở các đơn vị du lịch, theo ông Lê Văn Lợi, Phó Viện trưởng ITB, sự tham gia hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các nhà cung cấp giải pháp là rất cần thiết. Khi xây dựng Đề án Hỗ trợ DN ứng dụng CNTT năm 2008 (Đề án 191) theo chỉ đạo của Chính phủ, VCCI đã chủ động đặt vấn đề này và ngay từ hội thảo này, đã có những tín hiệu hưởng ứng tích cực từ nhiều đơn vị cung cấp giải pháp và cả cơ quan quản lý Nhà nước.

Tại hội thảo, với sự chứng kiến của các DN du lịch, đại diện các nhà cung cấp gồm Microsoft Việt Nam, Công ty Điện toán Truyền số liệu khu vực 3, Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt đã ký văn bản triển khai chương trình “CNTT cho ngành du lịch” với sự tham gia của Tập đoàn Microsoft. Theo đó, trong thời gian đến, các đơn vị du lịch Đà Nẵng sẽ trực tiếp thụ hưởng một số chính sách hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ về các phần mềm ứng dụng có bản quyền, các giải pháp xây dựng mạng DN nội bộ, sử dụng các dịch vụ mạng và đường truyền tốc độ cao... do các đơn vị này cung cấp.

Ông Phan Thanh Quyên, Giám đốc Trung tâm CNTT - Tổng cục Du lịch tại Đà Nẵng cho rằng, đó là những điều kiện hỗ trợ rất thiết thực để tạo mối quan tâm, nhận thức chung ở các đơn vị trong định hướng thiết lập một mặt bằng trình độ công nghệ tương xứng với mục tiêu phát triển trình độ ngành du lịch địa phương.

Tuy nhiên, theo nhiều DN tự nhận xét, những khởi động ban đầu ở các nhà cung cấp giải pháp hứa hẹn khả quan, nhưng quan trọng hơn là các đơn vị du lịch có chủ động nắm lấy cơ hội này hay không. Theo ông Quyên, nhiều năm qua cũng có một số chương trình đẩy mạnh ứng dụng CNTT từ ngành du lịch cả nước được đưa ra, song hiệu quả thu được vẫn thấp. Trình độ nhân lực về CNTT là một trong những điểm yếu dễ thấy của du lịch Đà Nẵng. Thứ hai là thái độ tích cực, đánh giá đúng đắn về giá trị CNTT từ chính các lãnh đạo DN du lịch sẽ quyết định tầm vóc ứng dụng ở cơ sở, thì điều này lại còn chưa quyết liệt.

Không ít Giám đốc DN lữ hành, du lịch gần như phó mặc công tác quảng bá trên mạng hay yêu cầu tiếp cận các công cụ phần mềm chuyên dụng mới cho bộ phận cấp dưới. Kết quả là sau mỗi đợt kêu gọi, hoạt động CNTT ở ngành du lịch có khởi sắc một chút, rồi lại lắng xuống. Điều này thật đáng tiếc.

Thụy Bất Nhi

;
.
.
.
.
.