.
NHÂN LỰC NGÀNH DU LỊCH:

Cung - cầu chưa gặp nhau

.

Hiện nay, nhân lực trong ngành du lịch Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, thiếu về lượng lẫn chất. Mỗi năm số lượng sinh viên ngành du lịch tốt nghiệp không nhiều, chỉ cung ứng 1/10 nhu cầu cho các khách sạn, công ty lữ hành.

Sự chênh lệch cung-cầu

Đà Nẵng có thật sự là điểm dừng chân lý tưởng của du khách hay không, còn tùy thuộc vào nguồn nhân lực du lịch.

Ngoài lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng liên tục trong những năm gần đây, du lịch nội địa cũng tăng mạnh. Theo thống kê của Bộ VH-TT-DL, năm 2007, tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4,23 triệu lượt người (tăng 18% so với năm 2006); du lịch nội địa đạt 12,9 triệu lượt (tăng 9,7 % so với năm 2006). Thu nhập xã hội đạt 56 nghìn tỷ (tăng 9,8 % với 2006). Riêng Đà Nẵng trong năm 2007, ngành du lịch đón hơn 1 triệu lượt khách, tăng 32,2% so với năm 2006.

Đà Nẵng hiện có 42 dự án đầu tư về du lịch với tổng số vốn đầu tư gần 26.393 tỷ đồng, như các cụm du lịch Mỹ Khê - Sơn Trà (190ha), cụm du lịch Xuân Thiều - Nam Ô - Hải Vân (400ha)... Ngoài ra, còn một số dự án quốc tế lớn đang trong giai đoạn đàm phán  như dự án khai thác du lịch Làng Vân – Oaktree Hoa Kỳ với tổng số vốn đầu tư 5 tỷ USD...

Nhu cầu nhân lực ngành Du lịch 3 năm tới ở Đà Nẵng là 7.000 lao động cho các khách sạn tiêu chuẩn từ 4-6 sao (khoảng 1.200 người đang phục vụ trong ngành phải đào tạo lại, nâng cao tay nghề). Trong khi đó, nguồn cung ứng nhân lực du lịch hằng năm của các trường đào tạo trên địa bàn hiện chỉ chiếm khoảng 1.200 lao động (ĐH Duy Tân 40 lao động; ĐH Kinh tế 80 lao động; TC nghề Úc 150 lao động; CĐ Kinh tế Kế hoạch và các trường CĐ khác khoảng 800 lao động). Tuy nhiên, đây chỉ là con số “ảo”, bởi có khoảng một nửa sinh viên khi ra trường không làm đúng nghề đã được đào tạo. Tại các trường, trung tâm đào tạo, học viên chỉ tập trung đông vào các lớp như hướng dẫn viên, lễ tân (trong khi các vị trí này chỉ chiếm từ 3 - 8% trong kinh doanh du lịch); các lớp phục vụ buồng, đầu bếp, bảo vệ... rất ít có học viên, dù nhu cầu cho các vị trí này chiếm 30 - 70%. Bên cạnh đó, số lao động lớn tuổi,  chưa qua đào tạo chiếm 24%...

Ông Cao Trí Dũng, Giám đốc Công ty Lữ hành Vitours nêu ra một số yếu kém trong nguồn nhân lực hiện nay: “Chưa đủ tự tin trong giao tiếp, trong tiếp cận thực tế công việc; kỹ năng hoạt động nhóm chưa cao; khả năng ngoại ngữ và công nghệ thông tin chưa thật sự tốt; chưa được trang bị kiến thức về địa kinh tế, về tổ chức sự kiện, quản lý các bộ phận phục vụ trong khách sạn, khu nghỉ cao cấp...”.

Nhân lực quyết định chất lượng du lịch

Các nghề như hướng dẫn viên, lễ tân, chỉ chiếm từ 3% đến 8% trong phân bổ nhân sự của kinh doanh du lịch .


Nhiều tỉnh, thành xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng nguồn nhân lực du lịch vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Bài toán cần giải quyết ở đây là các cơ sở đào tạo phải tiếp tục đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, phương tiện học tập cũng như nâng cao kỹ năng thực hành... Thạc sĩ Nguyễn Đăng Tuyển, Trưởng khoa Du lịch – Trường ĐH Duy Tân cho biết: “Từ kinh tế du lịch, ĐH Duy Tân đã chủ động chuyển hướng đào tạo sang 2 chuyên ngành Quản trị Khách sạn - Nhà hàng và Quản trị Du lịch - Lữ hành. Ngoài ra, chúng tôi còn đưa ra chương trình xây dựng kiến thức nâng cao kỹ năng xin việc, giao tiếp và các kỹ năng sử dụng vi tính và ngoại ngữ”.
 
Theo ông Cao Trí Dũng, nguồn nhân lực du lịch tại Đà Nẵng cần được quan tâm và đào tạo chuyên sâu theo hướng tìm hiểu: Đặc điểm các nguồn khách chủ yếu đến với Đà Nẵng cũng như toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên; các loại hình sản phẩm mà Đà Nẵng đang có thế mạnh như chương trình đường bộ, chương trình tàu biển, chương trình hành trình di sản. Ngoài ra là các kiến thức cơ bản và thực tế về quản lý khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, casino...

Cũng theo ông Dũng, phải chú ý đến các kỹ năng về tổ chức sự kiện và tập trung các ý tưởng về tổ chức sự kiện, hoạt động dã ngoại, huấn luyện; các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm; khả năng nắm bắt cơ hội và triển khai dự án; khả năng ngoại ngữ và công nghệ thông tin, đặc biệt là thương mại điện tử...

Với những yêu cầu hết sức bức thiết của thị trường nhân lực du lịch hiện nay, tất yếu phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường và cộng đồng doanh nghiệp, giữa các cơ sở đào tạo và nơi sử dụng nguồn lao động. Cung-cầu gặp nhau, nhân lực ngành du lịch mới đáp ứng được yêu cầu thực tế. Có như vậy, Đà Nẵng mới thật sự là điểm dừng chân lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.