Còn chưa đầy 1 tuần nữa, chương trình Festival Huế 2008 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” sẽ khai mạc tại Huế, kéo dài đến hết ngày 11-6-2008.
Trên các website thông tin và ngành du lịch của địa phương này, các tin tức về tiến độ chuẩn bị liên tục cập nhật. Việc quảng bá với du khách gần xa cũng đã được tỉnh này xúc tiến hơn 3 tháng qua, trên tinh thần kết nối thành công từ những đợt Festival trước.
Áp phích quảng bá này vẫn đang rất xa lạ với du khách và người dân Đà Nẵng |
Vậy nhưng tại Đà Nẵng, “người hàng xóm du lịch” cận kề, đến nay vẫn chưa thấy có tín hiệu thông tin nào hưởng ứng, đề cập đến Festival Huế. Hầu hết cơ sở du lịch địa phương đều khá “lạnh nhạt” trước câu hỏi có nắm bắt cơ hội khai thác nào với lễ hội du lịch này không? Những tour tuyến đi từ Đà Nẵng ra phía bắc đến thời điểm hiện tại cũng chỉ nhắc đến Festival Huế một cách hời hợt, không tạo nên ấn tượng nào cho du khách.
Nếu lật lại thời điểm cách đây 2 năm, dịp Festival Huế 2006, người ta cũng sẽ nhận ra cách ứng xử tương tự. Rồi Festival Huế 2004, tình hình cũng chẳng khác gì. Rất nhiều du khách vào các dịp đó, nếu bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất sẽ gặp những điểm bán hàng lưu niệm liên quan Festival Huế như áo, nón, huy hiệu...; còn xuống sân bay Đà Nẵng thì chẳng thấy mẩu thông tin nào.
Ngược lại, nếu tò mò theo dõi hoạt động thông tin quảng bá các lễ hội do Đà Nẵng tổ chức những năm gần đây, người ta cũng sẽ nhận ra một thái độ ứng xử tương tự, từ các nhà quản lý và hoạt động du lịch Huế. Lễ hội pháo hoa quốc tế tháng 3 vừa qua, hay các hoạt động du lịch biển Đà Nẵng năm 2007 hầu như mờ nhạt thông tin khi người ta muốn tiếp cận từ cửa du lịch Huế.
Điều đáng nói là nhiều năm qua, ngành du lịch của 2 thành phố đã không ít lần họp bàn hợp tác phát triển, cùng ký không ít văn bản liên kết hỗ trợ nhau trên tinh thần xây dựng hình ảnh du lịch miền Trung. Người viết bài này đã từng dự một phiên họp tăng cường quan hệ hợp tác du lịch như thế, vui mừng cảm nhận được tinh thần đoàn kết gắn bó rất chặt chẽ qua những cái bắt tay hồ hởi và hoan nghênh nhau từ lãnh đạo du lịch mỗi bên.
Thế nhưng, tinh thần đó tại các cuộc họp với thực tế đang diễn ra trong cách hành xử hưởng ứng hoạt động lễ hội của nhau, thật sự là điều đáng phải suy nghĩ. Phải chăng ở đây vẫn có một khoảng cách chênh lệch giữa “nói và làm” mang tính cục bộ địa phương, mà theo một số DN hoạt động du lịch của 2 địa phương, đã tồn tại từ lâu nay. Theo đó, hiệu quả quảng bá chung, khai thác cơ hội từ cố gắng tổ chức của mỗi bên bỗng nhiên bị giảm sút, đi ngược lại tinh thần đồng thuận xây dựng nền công nghiệp không khói miền Trung mà trên các diễn đàn du lịch Đà Nẵng và Huế đều đã đề cập.
Đà Nẵng đang tích cực đầu tư vào hoạt động du lịch dịch vụ, lựa chọn đây sẽ là mũi nhọn kinh tế cần dịch chuyển mạnh mẽ. Yêu cầu tăng cường các mối quan hệ hợp tác, phát triển trên thế mạnh du lịch vùng miền vì thế không thể không đặt ra. Nhưng rõ ràng nếu vẫn giữ kiểu tư duy theo lối ứng xử cũ không cùng hướng với xu thế hội nhập phát triển, chắc chắn thành quả có được của du lịch Đà Nẵng sẽ bị giảm sút.
Vì thế, nên chăng đã đến lúc chính các nhà quản lý du lịch địa phương phải thẳng thắn nhìn lại thực tế ứng xử quảng bá du lịch của mình với địa phương bạn, để có điều chỉnh hợp lý, cùng khuấy động một tinh thần hợp tác mới, quảng đại và phong phú hơn. Có như thế, du lịch Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung, mới không bỏ lỡ các cơ hội có thể nắm trong tầm tay để vươn lên và lớn mạnh.
Nhạc Duy Hạ