.
KHAI THÁC TÀI NGUYÊN BIỂN

Chưa có những tấm gương tốt

.

Ernst Sagemueller, Trưởng đại diện Viện du lịch châu Âu và Đông Dương tại Việt Nam nói rằng, du lịch biển VN đang trong quá trình dẫm vào vết xe đổ mà châu Âu từng trả giá. Ngay Thái Lan cũng vì nóng vội tăng nguồn thu du lịch mà sẵn sàng chấp nhận tình trạng quá tải liên tục trong một thời gian dài.
 


Gần đây nước này mới nhận ra ảnh hưởng xấu của du lịch giá rẻ tác động đến môi trường và đang bắt đầu chuyển hướng khai thác du lịch biển chất lượng cao, phục vụ cho loại khách có văn hóa, có tri thức, biết trân trọng những giá trị thiên nhiên của biển nhiệt đới. Ông Ernst Sagemueller miêu tả hình ảnh “kẻ thù” của môi trường biển bằng câu chuyện về những chiếc xe 50 chỗ ngồi đổ khách liên tục xuống ở các bãi thuyền và lao vút đi đến các hang động của thắng cảnh vịnh Hạ Long. Vịnh Hạ Long đã bị nhiều công ty lữ hành châu Âu đưa ra khỏi danh mục điểm tham quan ở Đông Nam Á vì cách khai thác biển theo kiểu tận diệt, các dự án đầu tư xâm lấn mặt nước và rác thải vượt mức tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Thực tế là hoạt động khai thác du lịch biển của các doanh nghiệp trong nước, kể cả các cơ quan, tổ chức ở các địa phương có sản phẩm du lịch biển, cho đến nay vẫn chưa có những tấm gương tốt, những “điển hình tiên tiến” trong vai trò những nhà kinh doanh thân thiện với môi trường. Trong khi yêu cầu đó đối với nước ngoài được coi là một trong những yêu cầu hàng đầu để doanh nghiệp tồn tại. Đại diện của Buffalo Tours, một đơn vị lữ hành quốc tế đã hoạt động tại VN 13 năm nay trong khi trấn an rằng các bạn không nên sợ giảm nguồn thu khi tổ chức du lịch xanh và sạch cho du khách quốc tế, thì đồng thời cũng nhắc nhở tình trạng du khách quốc tế rất bực mình khi đến những nơi mà chủ nhà không hề có ý thức bảo vệ môi trường, họ sẽ bỏ đi ngay lập tức và không bao giờ quay lại.

Có thể sự tàn phá môi trường, cảnh quan để phát triển du lịch ở VN chỉ đang ở giai đoạn bắt đầu, dù sao vẫn chưa nghiêm trọng và ngành du lịch đang kiên trì theo đuổi định hướng kêu gọi việc đón dòng du khách cao cấp, sẵn sàng trả giá cao để nước chủ nhà có điều kiện tái đầu tư bảo vệ môi trường giống như Đà Nẵng và Hội An đang làm dọc con đường du lịch ven biển dài 25 km. Thế nhưng những gì đang diễn ra, những mâu thuẫn lợi ích chồng chéo lẫn nhau giữa quy hoạch phát triển loại hình du lịch biển đến năm 2020  và nhu cầu phát triển kinh tế ngành của các địa phương miền Trung, có thể thấy nguồn tài nguyên biển đang bị đe dọa nghiêm trọng.
 
Quỹ tài nguyên du lịch đang bị khai thác đúng theo hình thức tận diệt mà điển hình cụ thể nhất là ở Mũi Né (Phan Thiết). Các khu du lịch được hình thành theo kiểu phân lô san sát, chỉ rộng chừng 2 đến 3 hecta. Trong những không gian chật chội như thế, cứ mỗi một mùa hè đến lại đón nhận lượng du khách luôn trong tình trạng quá tải nhưng mức chi tiêu rất hạn chế. Nguồn thu từ khai thác kinh doanh thấp nên phí đầu tư bảo vệ môi trường, vệ sinh bãi biển ở đây hiện vẫn được xếp vào loại thấp nhất trong cả nước.

Ở Đà Nẵng, các nhà hàng ăn uống bao vây bờ biển và nước thải đổ trực tiếp xuống biển đã được dư luận lên án nhiều lần nhưng chưa được các ngành chức năng thực sự quan tâm. Áp lực chạy theo số lượng dự án mà không chú ý đến chất lượng và môi trường, sức ép phải phát triển thật nhanh các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng để thỏa mãn nhu cầu của khách quốc tế trong khi công tác tổ chức tái định cư cho các cộng đồng dân cư ven biển không được thực hiện nghiêm túc đã tác động xấu đến môi trường tự nhiên, thậm chí cả cảnh quan lẫn môi trường sống của các hệ sinh thái biển.

Không ai hình dung du lịch Đà Nẵng không gắn với các bãi biển. Và trường hợp của Nha Trang cũng tương tự như thế. Cho đến nay, câu chuyện giữa tuân thủ Luật Bảo vệ di sản thiên nhiên hay đẩy mạnh tốc độ đầu tư ngay trong vùng “cấm địa” của vịnh Nha Trang vẫn chưa có hồi kết. Tại hội thảo “Thiên nhiên và nguồn tài nguyên du lịch - Phát triển du lịch biển bền vững tại Việt Nam”  tổ chức tại tỉnh này hồi giữa tháng 6 năm ngoái, ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã nói thẳng: Nha Trang mà không đầu tư du lịch biển thì biết làm gì để tăng trưởng kinh tế? Vì vậy mới có chuyện, mặc dù chưa bao giờ có văn bản chính thức, chính quyền tỉnh này đã từng đánh tiếng xin đưa vịnh Nha Trang ra khỏi danh sách các danh thắng quốc gia để không bị chi phối bởi Luật Bảo vệ di sản thiên nhiên và tự do đầu tư phát triển.
 
Không riêng gì tỉnh Khánh Hòa, nhiều năm nay các tỉnh duyên hải miền Trung mà đặc biệt là Đà Nẵng và Quảng Nam, vẫn đang loay hoay tìm lối thoát cho chiến lược lấn biển của mình trước áp lực phải bảo toàn bền vững hệ sinh thái lẫn môi trường tự nhiên của tài nguyên biển. Ông Nguyễn Chu Hồi, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản Việt Nam cho biết đến năm 2010, du lịch biển miền Trung sẽ đón 7 đến 7,5 triệu lượt khách/năm, và việc phát triển kinh tế du lịch từ biển dù đang mâu thuẫn với bảo tồn thiên nhiên môi trường nhưng vẫn là xu thế phát triển không thể khác. Vì vậy, cần rà soát chiến lược phát triển tính đến các kịch bản về rủi ro tự nhiên và nhân sinh, tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng ven biển và tạo cơ hội cho họ tham gia vào hoạt động du lịch bền vững.

Những việc đó địa phương nào cũng có kế hoạch triển khai, nhưng cho đến nay chưa có địa phương nào xây dựng được một mô hình khả thi, nói gì đến việc xuất hiện những tấm gương tốt trong vai trò khai thác tài nguyên biển phục vụ phát triển bền vững. Dư luận không chỉ lo ngại về chuyện thiên nhiên bị phá vỡ, môi trường bị xâm hại, mà các cộng đồng dân cư bị di dời, đảo lộn điều kiện sống cũng là những nguy cơ tiềm tàng đe dọa sự bền vững của môi trường biển.

GIANG THANH

;
.
.
.
.
.