.

Để danh thắng Ngũ Hành Sơn ngày càng thu hút khách

.

Quần thể khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1980. Những năm qua, thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đã được xây dựng thành một thương hiệu không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà ở cả nước ngoài, khi các sản phẩm lưu niệm sản xuất từ đây đã theo chân các du khách có mặt khắp nơi trên các châu lục từ Á sang Âu.

Toàn cảnh Ngũ Hành Sơn.
Và ngày càng có nhiều du khách đến với Ngũ Hành Sơn hơn. 6 tháng đầu năm 2008, khu du lịch thắng cảnh này đã đón 185.204 lượt khách, bằng 60,9% kế hoạch và tăng 7,8% so với cùng kỳ, trong đó có 140.863 lượt khách trong nước, 44.341 lượt khách nước ngoài với tổng doanh thu đạt hơn 2,6 tỷ đồng.

Song, bên cạnh đó, công tác phát triển du lịch ở đây vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Ông Lê Quang Tươi, quyền Trưởng ban Quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho biết: Với mục tiêu đầu tư phát triển du lịch một cách đồng bộ, đồng thời tạo đột phá trong xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng.
 
Đặc biệt, tập trung khai thác tối đa du lịch sinh thái, lễ hội, kết hợp với làng nghề truyền thống, Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đã tiến hành khảo sát thực địa, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu danh thắng, bàn bạc với cơ sở chế tác đá Nguyễn Hùng các phương thức khai thác dịch vụ du lịch một cách có hiệu quả, hướng đến xây dựng thành một điểm dừng chân lý tưởng dưới chân núi Thủy Sơn.

Du khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất của những người làm công tác du lịch ở đây hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường như: tiếng ồn, bụi từ việc chế tác đá của các hộ dân chung quanh khu danh thắng phần nào đã ảnh hưởng đến du khách. Bên cạnh đó là việc các hướng dẫn viên du lịch của các công ty lữ hành luôn đưa đón khách không đúng theo quy định mà họ chỉ đưa khách đến nơi đã thỏa thuận từ trước với các chủ cửa hàng để nhận phần trăm hoa hồng, nên rất dễ xảy ra tình trạng chèn ép khách mua hàng với giá cao.

Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch chưa đủ khả năng thích ứng với môi trường cạnh tranh du lịch hiện nay, việc xúc tiến mở rộng quan hệ với các đối tác du lịch, các đoàn lữ hành vẫn còn lúng túng, bị động. Hiệu ứng truyền bá thương hiệu Ngũ Hành Sơn qua các phương tiện truyền thông còn hạn chế.

Ngũ Hành Sơn cần phát triển du lịch sinh thái, lễ hội, kết hợp văn hóa tâm linh.

Chính vì vậy, Ngũ Hành Sơn cần có chiến lược, chương trình tiếp thị sản phẩm du lịch và tổ chức các sự kiện, lễ hội một cách chuyên nghiệp, với “đặc thù” riêng như lễ hội Quán Thế Âm. Đặc biệt, cần kết hợp phát triển du lịch về hướng tây, nơi có những thạch động nổi tiếng như động Quan Âm, động Huyền Vi, những di tích văn hóa lịch sử như mộ mẹ tướng quân Trần Quang Diệu, đền thờ Công chúa Ngọc Lan, em gái vua Minh Mạng, hang Bà Kho, chùa Phổ Đà Sơn, địa đạo núi đá chồng…
 
Ngoài ra, trong định hướng phát triển du lịch về phía tây Ngũ Hành Sơn, Ban Quản lý cần kêu gọi các đối tác, doanh nghiệp, các nhà chùa có tâm huyết tập trung nâng cấp, cải tạo phần đất còn lại phía sau chùa Linh Sơn, tạo thành khuôn viên, sân vườn cây cảnh mở lối cho khách vào tham quan động Huyền Vi, biến nơi đây thành các điểm nhấn về văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái, đồng thời tạo ra sản phẩm mới lẫn mở rộng không gian du lịch…

Bài và ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.