.

Lưng chừng khách Thái

.

Những khách sạn 3 sao ven biển Đà Nẵng chật kín khách Thái Lan, những nhà hàng hải sản toàn thực khách Thái. Hiện tượng này diễn ra trong suốt mùa hè của hai năm qua nhờ sự thông thương các tuyến đường trên Hành lang kinh tế Đông Tây, và do người Thái liên tục tung ra nhiều tuyến bay giá rẻ đến miền Trung Việt Nam trong thời gian qua.

Trước khi xảy ra lạm phát, khách Thái vào miền Trung trong hai năm 2006 và 2007 đã tăng đến 50%. Khoảng tháng 4 năm ngoái, khách Thái có thể nhập cảnh tại cửa khẩu Lao Bảo cùng lúc 10 nghìn người. Phần lớn loại khách này xuất phát từ vùng Đông Bắc và trong đó có rất nhiều nông dân Thái khá giả. Với mức chi trung bình 300 USD/người, họ là loại khách đầy tiềm năng đối với các công ty lữ hành bởi không đòi hỏi chất lượng phục vụ cao như các loại khách nước ngoài khác.

Du khách Thái tới miền Trung.
Thậm chí các nhà làm tour còn nhận xét, người Thái thật dễ dàng vừa lòng với bữa ăn sáng kiểu Âu sơ sài cùng  bữa trưa với hải sản sốt cay trong những khách sạn từ 3 đến 4 sao có giá phòng  từ 25 đến 45 USD. Hàng loạt công ty du lịch đã làm tour mới dành riêng cho khách Thái, nhấn mạnh vào các điểm tham quan văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, từ những bãi tắm đẹp của Đà Nẵng, Hội An, Huế, đến các di tích văn hóa, lịch sử vốn là những cái tên mà các kênh truyền hình Thái Lan hay giới thiệu.
 
Những mối quan hệ làm ăn hai chiều giữa các đơn vị du lịch Việt-Thái được khai thác triệt để nhằm kích ứng luồng khách Thái làm đầy các chuyến bay, và làm cho tuyến du lịch caravan xuyên Đông Dương thật nhộn nhịp. Những đơn vị dẫn đầu trong đón khách Thái phải kể đến Vitours chi nhánh Đà Nẵng, Công ty Du lịch Hương Giang, Tân Hồng, Nam Việt, Cát Á. Đó là những đơn vị được chính khách du lịch Thái đánh giá là đã đưa họ qua Việt Nam với giá còn rẻ hơn mức chi phí do chính họ tự đi du lịch trong nước. Và một điều cũng không kém phần quan trọng nữa là do có công nghiệp du lịch phát triển, người Thái đi đâu cũng nêu gương tốt về văn hóa công cộng, bảo vệ môi trường sinh thái, thích hưởng thụ văn hóa.

Tuy nhiên, gần đây các đơn vị lữ hành không nhắc đến thị trường khách Thái Lan như một tiềm năng triển vọng như cách đây một năm. Nhiều giám đốc các hãng lữ hành đang lo lắng cho lợi nhuận của 6 tháng cuối năm và cả năm 2008. Lý do: Việt Nam đang mất lợi thế về du lịch giá rẻ vì… bão giá! Đầu năm 2008, đoàn road show của các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế đến Bangkok vẫn còn nói rằng, miền Trung nổi tiếng không chỉ là con đường di sản văn hóa thế giới, mà còn  có lợi thế tuyệt vời về giá rẻ với các resort ven biển.

Mọi việc có thể diễn ra như vậy, các doanh nghiệp lữ hành đều đưa vào kế hoạch năm 2008 những con số khả quan. Dự đoán lượng khách Thái vào các cửa khẩu Việt Nam có thể lên đến 100 nghìn lượt vào mùa cao điểm. Tuy nhiên việc giá cả tăng vùn vụt trong vận chuyển, ẩm thực đã làm chao đảo mọi tiên liệu. Các tour du lịch quốc tế đều đã được ký kết giá bán tour trước cả năm và việc đàm phán để tăng giá thật khó khăn, dễ mất khách, mất đối tác. Hiện nay chi phí cho một tour đón khách Thái sang miền Trung đã tăng xấp xỉ 20%, nhưng giá bán tour vẫn cứ phải giữ nguyên. Tất cả các doanh nghiệp đang cố gắng bù lỗ, bảo đảm chất lượng dịch vụ để vượt bão giá, giữ khách.
 
Du khách Thái cũng nổi tiếng so đo giá cả, thích các tour rẻ và sẽ chọn nơi có giá thấp nhất. Sở dĩ các công ty lữ hành chưa… bỏ của chạy lấy người là nhờ các khách sạn đang cố gắng kìm giá, một phần thực tế số lượng phòng khách sạn xây mới ở các tỉnh miền Trung tăng vùn vụt nên khoảng 2 năm nay chưa có chuyện tăng giá. Tuy vậy, chuyện khách sạn tăng giá phòng sẽ là điều không tránh khỏi.

Trong bối cảnh quá khó này, một vài DN trước nay chỉ chú trọng khai thác thị trường quốc tế nay quay sang đẩy mạnh nguồn khách nội địa thay thế. Các tour cho người Việt đa dạng hơn lúc nào hết. Khách nội địa được ưu ái vì khả năng chi mạnh tay cũng không kém khách Thái, lại chỉ đặt tour trước vài ngày hoặc một tháng, và khách nội địa chấp nhận dễ dàng việc giá tour đang tăng thêm khoảng 10%.
 
Không phải đơn vị nào cũng thành công với khe cửa hẹp này, nhưng đó lại là lối thoát tạm thời để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Đó là lý do dịp hè này, các khách sạn trung cao cấp ven biển Đà Nẵng, Hội An đang kín phòng nhờ khách nội địa và họ được DN lữ hành hoan nghênh hơn khách ngoại.
Phát triển thị trường khách Thái Lan vẫn là một trong những mục tiêu để thúc đẩy tăng lượng khách quốc tế của miền Trung.

Tuy nhiên chủ trương này chỉ mới được thực tế hóa bởi các doanh nghiệp, chưa thấy một chiến lược lâu dài và rõ ràng từ phía quản lý ngành. Một yếu tố quan trọng làm cho hoạt động du lịch Thái-Việt chưa thật sự khởi sắc chính là đoạn đường dài 400 km ngang qua Lào chưa có nhiều điểm du lịch hấp dẫn cũng như chưa được đầu tư các mô hình dịch vụ kỹ càng, có chất lượng.
 
Một nỗi lo khác là miền Trung chưa có các trung tâm mua sắm, vốn là sở thích số một của người Thái. Những khó khăn về bão giá trước mắt có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp lữ hành, nhưng lâu dài nếu Việt Nam và Thái Lan không hợp tác đầu tư phát triển du lịch tại địa bàn Lào, xây dựng dịch vụ chất lượng cao thì con đường di sản văn hóa xuyên Đông Dương vẫn khó thành hiện thực.

GIANG THANH

;
.
.
.
.
.