.

Người khôn ăn nói dễ nghe

.

Tuyến đường tham quan mang tên Chim Khướu dài khoảng 30 phút đi bộ nếu vừa đi vừa trò chuyện. Ở đấy có vài cái nền biệt thự cũ đã đổ nát, thật nhiều cây rừng, con suối cạn và rất nhiều tảng đá vĩ đại chồng lên nhau.

Những bậc đá rong rêu trên đường Chim Khướu.

Sẽ thật sự là một thử thách nếu như đặt yêu cầu phải gây ấn tượng cho khách về đoạn đường ngắn ngủi này trong lúc đi dạo, chưa nói đó lại là một trong những điểm tham quan của khu du lịch Bà Nà by Night dành cho khách khi họ đang nghỉ ngơi ở đây. Nhưng mọi việc dường như chẳng khó khăn gì đối với ông Hoàng Xuân Tỵ, một người có vốn kiến thức kha khá về những cánh rừng già Hòa Vang nói chung, và rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa, sau hơn nửa đời người gắn bó.

Câu chuyện của ông về những căn biệt thự cổ hoang phế bắt đầu ngay trong hương vị của chén trà nóng hổi và gió lạnh buốt lùa ra từ khe núi khiến du khách so vai. Những ngôi biệt thự đầu tiên đã được người Pháp xây dựng trên đỉnh Bà Nà – Núi Chúa từ năm 1915... Ông vừa nói vừa nhìn vào mắt khách, đo đếm những cảm nhận của người nghe. Nhiệm vụ của ông là làm cho khách đến đây không cảm thấy tù túng trong cái khoảnh đất bên sườn núi, rộng vỏn vẹn 2 hecta.

Ông Tỵ tự nhận: Tôi già rồi, nhưng đôi khi có lợi thế hơn các cô hướng dẫn viên trẻ đẹp. Đường xa, leo dốc mỏi rã rời nhưng khi khách nhìn tôi, họ buộc phải nghĩ: ông già còn đi được thì mình cũng phải đi được chứ! Vậy là có cảm giác hăng hái mà lên đường. Và chỉ sau ít phút đồng hành, khách nhận ra ở ông Tỵ một loạt các phẩm chất tuyệt vời của một hướng dẫn viên du lịch nhà nghề, một kiểu lao động trí tuệ tự nhiên mà chẳng có trường lớp nào đào tạo ra được.

Am hiểu sâu sắc từng tầng văn hóa trên mảnh đất mình đang đi, khung cảnh thiên nhiên mà mình đang ngắm nghía, hít thở. Rồi bằng một cách diễn đạt giản dị và rất hài hước, ông cố truyền đến cho du khách tất cả những gì ông biết, ông yêu quý về những cánh rừng thông qua những câu chuyện tinh tế, có duyên bất ngờ. Mỗi biệt thự đổ nát đứng im lặng trong nắng nhẹ đều đột ngột sống dậy khi ông vạch lá, nương hoa, tiện tay dọn dẹp vài cành cây khô nằm trước lò sưởi đã hơn nửa thế kỷ chưa có ngọn khói. Cứ như chúng cũng dỏng tai nghe ngóng câu chuyện về mình.
 
Những bức tường đổ nát rêu phong, rễ cây ngang dọc trên bờ tường cũ chợt thành bức tranh lạ khi ông khéo léo điểm xuyến những câu thuyết minh đại loại: “Hôm thầy Dương Trung Quốc lên đây, đứng chụp ảnh không thấy chán mấy bức tường đổ này”. Khách bị hút theo những câu chuyện, ngơ ngẩn mãi với chuyện người Pháp xây tường gạch không dùng xi-măng, chỉ vôi vữa trộn với đường mía và nhựa cây bời lời của đất Quảng Nam mà vững chãi qua bao nhiêu năm tháng, mưa bão, đạn bom.
 
Ông chỉ từng bậc đá, lưu ý khách về vị trí từng bậc thềm, giải thích lý do vì sao chúng cứ xanh thẳm rong rêu trong sương mù Bà Nà. Ông gọi tên, mô tả đặc điểm từng cây thông già trăm tuổi trên sườn núi. Trong những lời thuyết minh cặn kẽ, khách đã cảm nhận được đời sống thăng trầm tựa như số phận của một con người của mỗi ngôi nhà cổ, mỗi thân cây mọc trong rừng và bao câu chuyện thêu dệt về các chủ nhân cũ chắc đã ra người thiên cổ từ nhiều năm trước.

Ông Tỵ đang khoe với khách một cái lò sưởi nằm giữa rừng.

Cứ thế, du khách tự nhiên nhầm lẫn từ lúc nào không biết, rằng ông Tỵ mới chính là chủ nhân của ngọn núi này, không phải là hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư đang ăn lương công nhật trong một khu du lịch mỗi năm chỉ đón khách được mấy tháng mùa hè.

Đã nhiều lần tôi nghe những người bạn của mình nói rằng, thôi đừng đến Bà Nà nữa, ở đấy có gì mà xem đâu. Tôi thấy tiếc cho ngọn núi đẹp tuyệt vời này đã không được đánh thức dậy như ông già Tỵ đã từng làm cho người khách nào may mắn gặp ông. Và ở những tour khác, khi bắt gặp một hướng dẫn viên đơn thuần là người chỉ trỏ và dẫn đường, dư vị về chuyến đi thật nhạt nhẽo, cứ như chén mắm ngon thiếu ớt tươi vậy.

Những lúc ấy lại nhớ đến ông Tỵ, với một nụ cười hóm hỉnh thân mật, đang kéo cành của một “ông” thông già có cái tên khá đẹp, thông tùng, mà thông báo một cách chắc nịch về số tuổi chính xác của nó. Tài nghệ thuyết minh của ông già Tỵ ở ngành du lịch Đà Nẵng chẳng ai lạ gì, nhưng kế hoạch mời ông đến nói chuyện ở một khóa bồi dưỡng hướng dẫn viên du lịch thì dù đã được đặt ra nhiều lần nhưng các giáo viên cứ lấn cấn mãi. Ông ấy không thể tự soạn giáo án về sự tinh tế ham học hỏi cũng như cái duyên ăn nói trời cho của mình được!

GIANG THANH

;
.
.
.
.
.