.

Khảm trai Chuôn Mỹ

.

Du khách đến Chuôn Mỹ lập tức nhận ra ngay một làng nghề lâu đời đang dồi dào sức sống. Tiếng gõ lách cách, lấp loáng những mảnh vụn vỏ trai, ẩn hiện đâu đó trong sân nhà những bức tranh tứ quý, hoành phi sáng loáng. Lại hiện lên trước mắt tấm biển “Hiệp hội làng nghề khảm trai Chuôn Mỹ” đầy ấn tượng.

Chuôn Mỹ thuộc tỉnh Phú Xuyên, Hà Tây trước đây, nay là ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thủ đô chỉ khoảng 60 cây số. Tổ nghề khảm trai là cụ Trương Công Thành, một bậc tướng công triều Lý, cách đây ngót một ngàn năm. Nói là khảm trai Chuôn Mỹ, nhưng nghề tập trung nhiều nhất ở làng Chuôn Ngọ. Tại ngôi làng cổ này, nhà nhà làm nghề, người người làm nghề. Nhìn mấy cháu nhỏ lên bảy lên tám ngồi cẩn, ghép từng mảnh trai li ti vào cành nhánh trên một bức tranh quê, những chi tiết tinh tế, chim muông, cành lá… ngỡ như tất thảy đều là nghệ nhân. Thợ chính, thợ phụ rất khéo tay ở những mặt hàng quen thuộc, nhưng đi vào nét tinh tế, sáng tạo đầy ấn tượng thì chỉ có những bậc thầy trong nghề. Các bác Trần Bá Dinh, Nguyễn Thuyết Trình… là những Bàn Tay Vàng, được tôn vinh là nghệ nhân.

Nguyên liệu để làm nên những sản phẩm khảm hết sức đơn giản. Đó là vỏ con trai sống ở ao hồ, cửa sông. Những vỏ trai vương vãi, cáu bẩn, dưới bàn tay tài nghệ của người thợ, tạo nên vô vàn sản phẩm óng ả, nuột nà, sang trọng. Đó là những mặt hàng mỹ nghệ tinh xảo: Khay, đĩa, ấm, chén, bàn cờ, lọ hoa. Mặt hàng trang sức là những kẹp tóc, khuyên tai, mặt nhẫn, vòng cổ xà cừ. Những sản phẩm gắn liền với đồ gỗ cỡ đại như sập gụ, tủ chè, tràng kỷ, sa long, giường kiểu. Những câu đối, hoành phi trong nhà thờ, đình đền. Những bức tranh treo tường với nhiều đề tài phong phú: chân dung các nhân vật huyền thoại, các bậc thánh hiền, tranh phong cảnh, chim, cá, cây thế, hoa quý... Trước đây trong cung vua, phủ chúa có khay khảm trai đặt trên sập khảm trai là biểu lộ sự giàu sang, niềm khao khát của bậc phú quý. Nhiều họa sĩ tên tuổi cũng đã tìm đến vỏ trai và kỹ thuật chạm, cẩn để tạo nên những bức tranh sơn mài giá trị.

Thông thường, khảm trai phải đi qua những bước cơ bản sau: Phác thảo mẫu cho sản phẩm. Chia tách vỏ trai theo những chủ đích của thiết kế. Gắn kết trai vào gỗ sao cho mịn màng, màu sắc hài hòa, phù hợp với phác thảo của họa sĩ. Mài khảm, chạm khắc hình theo từng nội dung. Cuối cùng là quét sơn (chủ yếu là màu đen) đánh bóng. Trai, gỗ, sơn cùng trên một mặt phẳng mịn mượt, hài hòa mới tạm coi là hoàn tất những bước cơ bản của nghề.

Thuở kinh thành Thăng Long phát triển, những người thợ Chuôn Mỹ gồng gánh lên đô thành và lập nghiệp trên con phố sau này được đặt tên là Hàng Khay, một trong những phố sầm uất, sang trọng nhất Kinh kỳ. Trên chặng đường ngót ngàn năm ra đời, khảm trai Chuôn Mỹ cũng không ít nổi chìm lênh đênh. Đã một thời ngỡ như nghề làng mai một, nhưng ngày nay đang được chấn hưng, phát triển. Nhiều khách nước ngoài bị thu hút bởi những màu sắc kỳ ảo, sang trọng của khảm trai, đã theo chân nhau tìm về Chuôn Mỹ. Sập gụ, tủ chè, khay, lọ óng ánh nuột nà từ Chuôn Mỹ có dịp vượt trùng khơi đến với nhiều thị trường trên thế giới.

Nguyên Phước

 

;
.
.
.
.
.