.

Bỏ ngỏ caravan xuyên Đông Dương

.

Bắt đầu từ tour caravan cho đại biểu, doanh nhân từ Đà Nẵng đi dọc tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) vào tháng 7 năm ngoái, một số hãng lữ hành cũng đang ngấp nghé khai thác tour từ Việt Nam xuyên Đông Dương bằng ô-tô tự lái. Tuy nhiên, theo nhiều người đã “lăn lộn” khá lâu với caravan, để loại hình trên thực sự phát triển, phải chờ khoảng 5 - 10 năm nữa.

Không dám khai thác

Chi phí cao, dẫn đến sức mua kém là nguyên nhân chính khiến loại hình caravan từ Việt Nam xuyên Đông Dương chưa thể phát triển ở Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Đoàn caravan đại biểu, doanh nhân khởi hành đi dọc tuyến EWEC vào tháng 7 năm ngoái.

Mỗi năm đón trung bình 20 đoàn caravan từ các nước ASEAN sang Việt Nam, nhưng ông Phùng Cư, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tân Hồng Đà Nẵng vẫn tỏ ra e ngại: “Chúng tôi chưa thể khai thác caravan theo chiều ngược (Việt Nam đi các nước). Sức mua của người Đà Nẵng và miền Trung dành cho mảng dịch vụ này còn khá yếu, do chi phí cho một lần đi như vậy khá cao, từ 400 đến 800 USD/người/10 ngày”.
 
“Năm ngoái chúng tôi tổ chức một tour do Isuzu tài trợ nửa chi phí, nhưng khách vẫn phải trả 500 USD/người. Nếu muốn giảm chi phí, khách buộc phải ngủ đêm trên xe, và đó là điều không khách du lịch nào muốn”, giám đốc một chi nhánh công ty lữ hành tầm cỡ có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh nói. Theo ông Phùng Cư, “người ta có thể có xe tốt, nhưng với mức giá tour cao, cộng với chi tiêu và các chi phí khác nữa thì họ chịu không nổi”.
 
Vì vậy, chỉ có khách ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội mới đủ sức chấp nhận thử thách. Song việc khai thác khách từ hai đầu sẽ khiến chi phí đội lên cao hơn, do phải tốn tiền di chuyển đến Đà Nẵng. Sức khỏe không bảo đảm, thêm áp lực đi đường dài (Đà Nẵng đến Lao Bảo, Lao Bảo sang Savannakhet (Lào), từ Lào đi Thái...) cũng là nguyên nhân làm chùn bước những người đứng tuổi, đồng thời là nhóm khách tiềm năng.

Ông Cư kết luận, miền Trung có hạ tầng cơ sở tốt, tuyến EWEC thông suốt, trên tuyến du khách có thể tham quan nhiều điểm hấp dẫn như Hội An, Huế, Lao Bảo..., nhưng “túi tiền” của khách miền Trung hẹp, đành “nhường” cơ hội khai thác cho các thành phố lớn.

Khai thác một lần, rồi... bỏ ngỏ

Từ sau tour caravan EWEC tháng 7-2007, đến cuối năm 2008, Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam (Vitours) mới có kế hoạch làm tiếp đợt hai, với kỳ vọng sẽ duy trì khai thác khoảng 2 tháng/tour. Cuối năm ngoái, Công ty Du lịch Danatours cũng đưa ra chương trình “Ngàn dặm cùng caravan”, nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch kế tiếp. Chi nhánh Viettravel tại Đà Nẵng chỉ khai thác một đoàn (phần lớn là khách từ TP. Hồ Chí Minh ra) cách đây hơn một năm, và theo một đại diện chi nhánh này: “Hiện giờ chủ yếu công ty mẹ ở TP. Hồ Chí Minh khai thác. Còn chúng tôi có lẽ không làm nữa”.

Giải pháp an toàn mà Vitours áp dụng: kêu gọi tài trợ từ các hãng bảo hiểm, ngân hàng, mỹ phẩm uy tín..., xem như một cách chi trả cho việc quảng cáo suốt chặng đường. Ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vitours cho biết: “Trên đường đi, chúng tôi sẽ kết nối thêm nguồn khách ở Thái Lan, Lào. Sau chuyến này, nếu thành công sẽ tập trung khai thác các nhóm gia đình”.
 
Còn ông Phùng Cư lắc đầu: “Doanh nghiệp chưa chắc tham gia lâu dài, vì họ còn phải so sánh chi phí bỏ ra khá lớn và hiệu quả quảng cáo. Hơn nữa, trong đà kinh tế sụt giảm, nhiều nguồn khách giảm theo, tôi cho rằng 5 – 10 năm tới, việc khai thác loại hình caravan sang các nước mới thực sự khả quan”.

 

Caravan là hình thức du lịch bằng ô-tô theo đường bộ qua nhiều quốc gia; đề cao sự tương trợ, tính kỷ luật, tinh thần tập thể, cùng nhau khám phá các miền đất lạ.
Năm 2004, đoàn caravan đầu tiên đã vào Việt Nam từ Ấn Độ, gồm 65 xe.

Sau đó, nhiều chuyến caravan từ Việt Nam đã đi xuyên Việt, xuyên Đông Dương... qua các cửa khẩu Mộc Bài, Tây Trang, Lao Bảo, Bờ Y... Caravan từ Đà Nẵng thường đi theo lộ trình: Đà Nẵng – Lao Bảo – Savannakhet – Pakse – Ubon Ratchathani – Siêm Riệp – Phnompenh – Mộc Bài – TP. Hồ Chí Minh rồi về lại Đà Nẵng. Giá tour từ 555 USD/khách, chưa bao gồm các chi phí cá nhân và xăng dầu, giấy phép liên vận Lào...

Việc ký kết thỏa thuận giữa Việt Nam và Thái Lan vào tháng 11-2007 quy định: các xe tay lái nghịch của Thái Lan được phép sang Việt Nam để tham quan du lịch trên một tuyến kéo dài từ Cửa Lò, vào Lâm Đồng, Nha Trang; phía Việt Nam cũng được sang Thái Lan thông qua Lào, và được tham quan du lịch ở 14 tỉnh của Thái Lan theo thỏa thuận đã ký.

 

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.