.

Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2009: Hoành tráng và nhiều nét mới hơn

.

(ĐNĐT) - Để chuẩn bị cho cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế năm 2009 (DIF09) tổ chức ngày 27, 28-3 bên bờ sông Hàn với chủ đề “Âm vang sông Hàn”, chiều 29-10, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã ký với ông Joe Ghazzal, Tổng giám đốc Công ty Global 2000 (Malaysia) về việc Đà Nẵng sẽ chi 502.000USD để Global 2000 sản xuất pháo hoa và quản lý cuộc thi.

Chính quyền Đà Nẵng cũng sẽ chi trả toàn bộ các khoản phí bảo hiểm cho DIFC09, bao gồm bảo hiểm rủi ro cho toàn bộ giá trị trang bị, hàng hóa, vật tư, máy móc phục vụ cho DIFC09; bảo hiểm trách nhiệm pháp lý có thể phát sinh liên quan đến hợp đồng nói trên (bao gồm nghĩa vụ pháp lý của bên thứ ba đến hạn mức 100.000 USD).

Sau khi các thông tin này được đăng tải trên báo chí, đã có ý kiến cho rằng Đà Nẵng chi hơn nửa triệu USD để tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế là một việc làm “xa xỉ”, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh kiểm tra công tác tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế năm 2008. Ảnh: H.C

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, về vấn đề này. Ông Minh cho biết:

- Với ý tưởng xây dựng một thành phố môi trường và thành phố du lịch, việc tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế nhằm tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn để quảng bá hình ảnh Đà Nẵng và thu hút du khách đến với thành phố. Thực tế cho thấy, cuộc thi đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước không chỉ đến với Đà Nẵng mà còn với miền Trung, đem lại sản phẩm du lịch độc đáo góp phần tạo nên thương hiệu cho Đà Nẵng.

Về mặt đời sống tinh thần, cuộc thi là một sinh hoạt văn hóa phục vụ đông đảo người dân trong khu vực cũng như du khách từ khắp nơi đến đây. Về mặt kinh tế, khách du lịch đến đem lại cho Đà Nẵng và các tỉnh trong vùng nguồn thu không nhỏ từ việc phục vụ ăn ở, vui chơi giải trí và nhiều dịch vụ khác. Từ đó sẽ góp phần cho sự phát triển của kinh tế địa phương, tăng thu nhập cho người dân. Tất cả những điều đó cho thấy đây hoàn toàn không phải là một sự xa xỉ!

Chúng tôi nghĩ việc tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế hàng năm bằng nguồn kinh phí vận động tài trợ chứ không sử dụng ngân sách là một chủ trương đúng. Thủ tướng Chính phủ rất hoan nghênh sau thành công của cuộc thi đầu tiên tổ chức vào tháng 3-2008 và đã cho phép tổ chức cuộc thi này thường niên mang thương hiệu riêng của Đà Nẵng.

Hiện chúng tôi đang chuẩn bị cho việc tổ chức cuộc thi lần hai vào tháng 3-2009. Tuy nhiên, mới đây có ý kiến tỏ ra không đồng thuận lắm với chủ trương của thành phố. Chúng tôi hoan nghênh các ý kiến đóng góp trên tinh thần xây dựng, nhưng mong muốn việc thông tin trên báo chí phải đảm bảo chính xác, khách quan.

Ý kiến cho rằng Đà Nẵng “mua” cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế là không chính xác, gây phản cảm cho người dân thành phố. Mặt khác, thành phố không khoán trắng cho đối tác nước ngoài mà đứng ra tổ chức toàn bộ, từ xây dựng chương trình chung, lựa chọn chủ đề của cuộc thi, tổ chức các hoạt động phối hợp đến lập ban giám khảo quốc tế chấm điểm cho cuộc thi…, còn sự tham gia của Công ty Global 2000 chỉ là một khâu trong toàn bộ chương trình.

Một vài con số được đưa ra cũng không chính xác. Chẳng hạn, 100.000USD là hạn mức bảo hiểm, nếu có sự cố xảy ra thì sẽ căn cứ theo đó để bồi thường thiệt hại, chứ không có nghĩa là đưa cho phía nước ngoài số tiền đó. Việc cho rằng DIF08 chỉ thu hút khoảng 3.000 khách cũng rất thiếu chính xác. Vào thời điểm đó, các khách sạn lớn nhỏ ở Đà Nẵng đều quá tải, các chuyến bay đến thành phố cũng tăng lên rất nhiều nhưng vẫn không đủ để đáp ứng.

* Ông có thể cho biết những nét mới của DIF09 so với DIF08?

- Ông Trần Văn Minh: Năm ngoái có 3 đội nước ngoài và 1 đội Việt Nam, năm nay dự kiến có 5 đội tham gia đến từ Tây Ban Nha, Úc, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Trong đó, đội Tây Ban Nha đã đoạt giải nhất cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Malaysia 2008 (MIFC 2008); đội Úc đoạt giải nhất cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Malaysia 2007 (MIFC 2007); đội Trung Quốc đã biểu diễn tại Olympic Bắc Kinh 2008; đội Philippines đoạt giải nhất cuộc thi pháo hoa của nước này và đội Việt Nam do Đà Nẵng đại diện.

Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế năm 2008.
 Ảnh: Báo Đà Nẵng.


Kèm theo cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, chúng tôi sẽ tổ chức các tour du lịch, các hoạt động du lịch biển, lễ hội ẩm thực, giới thiệu về tiềm năng du lịch của Đà Nẵng và miền Trung, giao lưu với các địa phương, đơn vị trong và ngoài nước có quan hệ hợp tác kinh tế, văn hoá với Đà Nẵng… Từ định hướng ban đầu này, sẽ tiếp tục có các chương trình chi tiết, cụ thể hoá. Điều quan tâm nhất hiện nay là phải làm sớm để kêu gọi các đội tham gia, các nhà tài trợ.

* Ngoài nguồn vận động tài trợ, Đà Nẵng có tính đến việc tạo nguồn thu trực tiếp từ việc tổ chức cuộc thi?

- Ông Trần Văn Minh: Việc tạo nguồn thu ngay trong cuộc thi thì phải làm dần dần từng bước. Năm ngoái mới làm thử nghiệm để trên cơ sở đó Thủ tướng xem mình làm có được hay không. Dần dần sẽ tiến tới có nguồn thu từ cuộc thi, ngoài nguồn vận động tài trợ. Ở nước ngoài, người ta tổ chức bán vé cho khu vực khoanh vùng riêng. Khách vào khu vực đó sẽ được phục vụ ghế ngồi đàng hoàng, có dịch vụ ăn uống tại chỗ… để xem bắn pháo hoa.

 

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, đã có khoảng 30.000 du khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng trẩy hội và tham gia các sự kiện “hot” về pháo hoa và du lịch nhân DIF08. Hơn 12.000 phòng khách sạn các hạng trong thành phố đều kín chỗ.

Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã chính thức cấp bằng chứng nhận cuộc thi này đã được đưa vào danh sách kỷ lục Việt Nam với danh hiệu "Cuộc thi pháo hoa quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam".

 
Bước đầu mình chưa tổ chức được vì năm nay mới là năm thứ hai, nhưng dần dần rồi cũng sẽ tính tới việc tổ chức các dịch vụ đó. Khi khách tới đông, trên cơ sở nhu cầu của họ, khả năng đáp ứng các dịch vụ của thành phố thì mới tính chuyện có nguồn thu ngay trong cuộc thi. Đó là nói về thu trực tiếp, còn các đơn vị khác thụ hưởng thì vẫn thu, ví dụ các cơ sở dịch vụ lưu trú, bán hàng lưu niệm, các hãng hàng không…

* Trên tổng thể chung đó, ông dự báo DIF09 sẽ như thế nào?

- Ông Trần Văn Minh: Dự báo DIF09 sẽ còn hoành tráng hơn DIF08. Các đội tham gia đều là những đội mạnh, có kinh nghiệm thi đấu và đã từng đoạt nhiều giải quốc tế. Họ sẽ cống hiến cho khán giả trong và ngoài nước đến với cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng những màn trình diễn độc đáo.

Rút kinh nghiệm năm ngoái, khâu tổ chức tuyên truyền sẽ được tiến hành sớm hơn, chu đáo hơn để thu hút lượng khách đến nhiều hơn nữa. Chúng tôi cũng sẽ thông báo sớm cho các khách sạn, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch trên địa bàn để họ chủ động có các bước quảng bá, tổ chức đón tiếp du khách…

Bên cạnh đó cũng có những trở ngại, nhất là trong khâu vận động tài trợ. Do tình hình kinh tế thế giới và trong nước nên khả năng vận động tài trợ sẽ khó khăn hơn năm ngoái. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đảm bảo cân đối đủ nguồn vận động tài trợ cho “phần cứng”, còn lại một số kế hoạch “phần mềm” thì sẽ dự lường, đến khâu rà soát cuối cùng mới có quyết định chính thức với tinh thần “liệu cơm gắp mắm”. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị để sớm họp ban vận động tài trợ, họp báo thông báo kế hoạch tổ chức cuộc thi.

HẢI CHÂU
(thực hiện)

Ngay tại thời điểm diễn ra DIF08, bằng tầm nhìn của một người từng nhiều năm giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (phụ trách mảng văn hóa – xã hội), Chủ tịch Uỷ ban MTTQ thành phố Đà Nẵng và hiện là Chủ tịch Liên hiệp các Hội hữu nghị Đà Nẵng, ông Nguyễn Đình An cũng đã đặt ra vấn đề giữa việc tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế với chuyện cơm áo gạo tiền. Ông viết về vấn đề trên trong bài “Tản mạn với Vũ điệu Tiên Sa” (chủ đề của DIF08) đăng trên báo Đà Nẵng số ra ngày 30-3-2008:

“Đem lại niềm vui cho người đã là một việc nên làm, đem lại niềm vui cho cả trăm họ để ngày kỷ niệm (29-3 hàng năm là ngày kỷ niệm Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng – PV) lắng đọng trong họ bao ấn tượng tốt đẹp là việc rất đáng quý.

Những người chủ trương Vũ điệu Tiên Sa còn có một mục đích rất kinh tế nữa. Đây sẽ là một sự quảng bá cho du lịch Đà Nẵng. Rồi đây sự kiện này sẽ được tổ chức định kỳ, đến hẹn lại lên, sẽ có thêm nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, chương trình cũng sẽ ngày càng phong phú hơn, tân kỳ hơn, chắc chắn sẽ được ghi vào như một điểm nhấn trong các tour trên con đường di sản.

Những tưởng hiệu quả của Vũ điệu Tiên Sa, một sản phẩm du lịch mới độc đáo sẽ đến trong vài ba năm tới. Nào ngờ ngay tháng 3 này du khách đã háo hức đến với cuộc vui lớn ở Cửa Hàn, các khách sạn đã “cháy” phòng.

Chỉ riêng việc nó đem lại niềm vui cho hàng vạn người, cho cả thành phố, đem lại một dấu ấn cho ngày hội thì cũng là đáng đồng tiền bát gạo rồi. Hơn nữa, tiền chi cho cuộc vui này là tiền tài trợ thì ai đó còn chút băn khoăn “đang thời bão giá, đất nước, từng nhà, từng người chẳng những phải rất khôn ngoan mà còn phải cần kiệm vượt qua thử thách, bày ra Vũ điệu có phù hợp chăng?”. Xin hãy yên tâm.

Chính vào thời điểm nhiều khó khăn này, càng cần có những niềm vui, những tiếng cười để cùng nhau phấn chấn đi lên, lướt tới.

Rõ ràng không phải chờ đến khi ăn nên làm ra mới lo cho cuộc sống luôn đầy niềm vui và tiếng cười. Song, ai đó vào lúc này có lời khuyên, nhắc “Trước hết hãy tập trung lo cho thành phố thân yêu, cho mọi người, mọi nhà ở Đà Nẵng đều ăn nên làm ra. Bởi đó là cái gốc của sự phát triển thịnh vượng để cuộc sống luôn có những niềm vui bất tận và vang vang tiếng cười yêu đời”.

;
.
.
.
.
.