.

Khó khăn tìm đến ngành du lịch

.

(ĐNĐT) - Lượng du khách đang có dấu hiệu giảm sút giữa bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, theo thông tin từ các chi nhánh, văn phòng lữ hành tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo cách nhìn của họ, hiện tượng này chỉ là tạm thời. Vấn đề để du lịch Đà Nẵng chuyển biến tích cực hơn không thể chỉ vin vào lý do lạm phát mà đủ.

Du khách nước ngoài trên đường phố Đà Nẵng. Ảnh: H.Vang

Khách "thắt lưng buộc bụng"

Ông Huỳnh Việt Hoàng, Giám đốc Công ty Du lịch Cộng đồng Đà Nẵng, cho hay mùa du lịch năm nay lượng khách tour tuyến về địa phương không nhiều như các năm. Kể cả các đoàn DN, cơ quan cũng đều cắt giảm tần suất tham gia. Thông thường đến thời điểm này, các hoạt động du lịch tập huấn, du lịch sự kiện của các DN diễn ra khá nhiều. Song năm nay, số đăng ký tổ chức du lịch chủ đề này về Đà Nẵng giảm hẳn.

Hệ quả là đa số lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đều nằm ở dạng tour lẻ, khách nước ngoài “quá giang” trên lộ tình xuyên Việt. Anh K., 1 hướng dẫn viên du lịch dẫn khách đến từ Huế, cho hay bình thường mùa này, anh đưa mỗi tháng 4 – 6 nhóm khách đến Đà Nẵng và Hội An, lưu trú tại Đà Nẵng ít nhất 1 ngày. Song năm nay, khách nào cũng yêu cầu đi thẳng vào Hội An, sau 1 ngày lại đáp máy bay về Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh. Các điểm dừng chân, danh thắng ở Đà Nẵng chỉ được họ “đảo qua”, chủ yếu là Ngũ Hành Sơn và Bảo tàng Chăm.

Lý do tình hình trên được giải thích liên quan đến tình hình khó khăn chung hiện nay. Đối với nguồn khách quốc tế, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, đã khiến cho nhiều người có thói quen đi du lịch phải "thắt lưng buộc bụng". Đối với du khách trong nước, người tiêu dùng đã hạn chế đi du lịch bằng việc tiết giảm tối đa những nhu cầu có thể trong thời buổi giá cả tăng cao. Một số khách sạn trên địa bàn thành phố cho biết, số lượng khách - nhất là khách theo đoàn - đặt phòng đã giảm so với các tháng trước.

Đó là khó khăn chung, do yếu tố khách quan. Song, về nội tại, du lịch Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm, nhất là trong thời điểm khó khăn như hiện nay.

Còn nhiều việc phải làm

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Đà Nẵng, nửa năm qua thành phố đã tăng thêm 45 khách sạn với 1.361 phòng ngủ, tiêu chí hạ tầng đảm bảo; có 3 khách sạn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao… Nhưng tần suất lưu trú của khách vẫn chưa đạt 2 ngày/người, công suất sử dụng buồng phòng mới đạt 55%. Như vậy, sức hấp dẫn, níu giữ du khách của Đà Nẵng vẫn đang thực sự có vấn đề.

Phân tích của Sở VH-TT-DL cho thấy, có nhiều yếu tố tạo nên sự kém hấp dẫn của du lịch Đà Nẵng, trong đó đáng chú ý nhất là hệ thống các điểm dịch vụ vui chơi giải trí trọng điểm, tour tuyến mới tại địa phương chưa đầu tư đồng bộ, thỏa đáng. Một số dự án đã đề ra lâu nay, trong đó các khu phố ẩm thực và dịch vụ giải trí về đêm đều xúc tiến chậm, lúng túng về quy hoạch, tổ chức.

Bên cạnh đó, trong và xung quanh các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, vẫn còn tỏ ra non yếu về giải pháp xây dựng mạng lưới hạ tầng dịch vụ tương ứng. Các điểm du lịch, danh thắng của Đà Nẵng chủ yếu cũng ở dạng khai thác thô. Các mảng du lịch lợi thế, tiềm năng, nhu du lịch đường sông, du lịch biển… đều mới gói gọn trong một số hình thức tổ chức Nhà nước đã quy hoạch, chưa có sự góp sức, cải tiến từ các nhà đầu tư khác.

Theo ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TT-DL, chính vì những nhược điểm có tính hệ thống trên, mà theo đà diễn biến kinh tế hiện nay, các điểm du lịch của Đà Nẵng càng khó thu hút, giữ chân du khách. Điều này đòi hỏi cần có sự thay đổi và đầu tư nghiêm túc hơn từ các nhà quản lý, các nhà đầu tư, DN du lịch, trên cơ sở đồng thuận, chung sức. Phải thấy rõ những yếu điểm hiện tại của du lịch Đà Nẵng liên quan đến nội lực phát triển chứ không nên chỉ viện dẫn lý do kinh tế khó khăn nhất thời.

Do đó, mới đây, Sở VH-TT-DL đã tiếp tục đề ra những giải pháp cần thiết, kiến nghị thành phố có chính sách ưu đãi tốt hơn để khuyến khích, động viên các mảng dịch vụ và DN kinh doanh du lịch. Các yêu cầu thúc đẩy hiện thực hóa những dự án đầu tư điểm đến, cải tạo môi trường dịch vụ địa phương phải được đề cao. Như thế, Đà Nẵng mới có thể động viên, kêu gọi được các nguồn lực đầu tư, chia sẻ của cả xã hội để phát triển du lịch địa phương thành mũi nhọn kinh tế ưu tiên trong vài năm đến.

Nhạc Duy Hạ

;
.
.
.
.
.