.

Làng nghề đúc đồng

.

Đúc đồng ở Việt Nam là một trong những nghề cổ nhất và cũng tinh xảo bậc nhất. Sản phẩm thường là những mặt hàng thờ cúng như lư hương, tam sự, ngũ sự, chuông, đỉnh, hạc. Những mặt hàng tinh xảo mỹ nghệ, đồ gia dụng sang trọng như bình đồng, ấm đồng chạm trổ tinh vi.

Làng đúc đồng đại bái
Những sản phẩm mà ngày nay đã trở thành hiện vật lịch sử quý hiếm của dân tộc như mặt trống đồng, tượng Phật Di Lặc, tượng Phật nghìn mắt nghìn tay, v.v… Có những sản phẩm sau khi được khai quật ở những trung tâm văn hóa xưa nhất như Ngọc Lũ Hòa Bình, Đông Sơn Thanh Hóa, các nhà nghiên cứu đã xác định nhiều cổ vật có niên đại từ 2.500 năm. Điều đó minh chứng đầy thuyết phục về một nghề truyền thống đã có từ nhiều nghìn năm lịch sử.

Nghề đúc đồng vô cùng công phu, phải qua nhiều cung đoạn phức tạp trước khi trở thành một sản vật để đời. Trước hết là đúc phôi. Sau khi đã có khuôn, các nghệ nhân cho rót hợp kim đồng nung chảy vào khuôn. Hợp kim với tỷ lệ thích hợp sao cho sản phẩm bền đẹp, không nứt rạn là tài nghệ riêng của mỗi lò đúc. Khi đã có được hình dáng, chất lượng thô như ý, người thợ đồng bước vào giai đoạn chạm khắc các hình thù lên sản phẩm.

Chạm khắc nổi, chạm khắc chìm, tạo hoa văn, cảnh vật, muông thú, v.v… Những công đoạn tinh tế này, phải là bậc nghệ nhân tài hoa, nhiều năm kinh nghiệm mới tạo nên nét tinh tế, sáng tạo để có những nét khắc mềm mại, nuột nà. Nhưng khảm trên mặt sản phẩm đồng mới thực sự phô diễn hết tài hoa của mỗi người thợ. Người ta thường đưa những chất liệu quý hiếm khảm lên bề mặt của sản phẩm như vàng, bạc, đá quý… nhiều tác phẩm bậc thầy, đạt tới giá trị độc nhất vô nhị. Đó là những tác phẩm để đời và lưu danh vào lịch sử làng nghề.

Nói đến nghề đúc đồng truyền thống, phải nhắc tới làng Đại Bái mà xưa tên nôm là làng Bưởi thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Sản phẩm nổi tiếng của Đại Bái là tượng đồng, đỉnh đồng, hoành phi câu đối đồng, tranh chạm chìm, chạm nổi, lư hương v.v… Hiện nay, làng thờ một bậc tổ nghề, vốn là danh tướng đời Lý, Nguyễn Công Truyền.

Sau khi bố mất, Nguyễn Công Truyền từ quan, về quê tập hợp dân làng dạy nghề, tạo nhiều mặt hàng. Khi mặt hàng trở nên phong phú, đa dạng, Đại Bái phân thành nhiều nhóm thợ, chuyên sâu vào những mặt hàng khác nhau: Kíp làm nồi, làm ấm, làm chậu và những hàng gia dụng khác. Kíp làm các sản phẩm thờ phượng. Và cao cấp hơn là đúc tượng, chạm khắc lên những sản phẩm sang trọng, được sử dụng trong các gia đình quyền quý. Chẳng bao lâu, đồ đồng Đại Bái đã nổi tiếng khắp kinh thành. Người Đại Bái kéo nhau lên Kinh kỳ lập nghiệp, tạo nên phường nghề nổi tiếng ở Thăng Long.

Nhưng nghề đúc đồng của Việt Nam không chỉ duy nhất một làng Đại Bái. Nhiều địa phương trong Nam ngoài Bắc đều có những làng nghề tồn tại và nổi tiếng tài hoa qua nhiều thế kỷ. Ở Huế, nghề đúc chuông nổi tiếng ở phường Lò Đúc. Ở Thanh Hóa có nghề đúc trống đồng cỡ lớn ở làng Trà Đồng. Ở Nghệ An nổi tiếng làng đồng Cồn Cát, Diễn Châu.

Ở Long Điền, Bà Rịa Vùng Tàu. Khánh Hòa có làng Phú Lộc Tây. Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều làng đúc đồng đang phất lên vì những sản phẩm tinh xảo của họ. Nhưng đó là những phường, những làng lập nghiệp từ nhiều thế kỷ xa xưa, trong đó có Chợ Quán, Tân Kiểng, Nhân Giang, Bình Yên, Tân Hòa Đông, Thuận Kiều v.v… thuộc quận 5, quận 6, quận Gò Vấp, Hóc Môn, v.v…

Tuy nhiên, lần theo gia phả của mấy dòng họ trong làng, thì người Đại Bái đã mang nghề làng đi khắp bốn phương trời. Họ lên Thăng Long và đậu lại ở đó để cùng người Thăng Long lập nên làng Ngũ Xã. Họ nhập vào đoàn quân Nguyễn vượt sông Gianh Trường Sơn rồi dừng bước ở Huế, sau này cùng những người thợ xứ “Đàng Trong” lập nên làng đúc đồng ở Kinh Đô.

Làng nghề hành tiến phương Nam cùng lớp người tiên phong mở cõi để nơi nào cũng hấp thụ được tinh hoa Đại Bái mà dựng làng, tạo nghề, chế tác những sản phẩm đồng như một trong những nghề truyền thống lâu bền tuyệt kỹ nhất của Việt Nam. Ngày nay, khi kinh tế mở cửa và hội nhập, nghề đúc đồng có lẽ đang có nhiều cơ hội để chấn hưng.

KÍNH HIỀN

;
.
.
.
.
.