.
THUYẾT MINH VIÊN

Không phải người đưa đò qua sông

.

Khi đầu tư xây dựng khu, điểm du lịch, nhà đầu tư luôn tính toán, chăm chút sao cho phần cứng (công trình, cơ sở vật chất...) thật hoành tráng, còn phần mềm là thuyết minh viên, những người thổi hồn cho những điểm đến đó lại bị coi nhẹ.

Chưa thể khóc - cười với thuyết minh viên

Theo ý kiến của nhiều người làm du lịch, hiện có rất ít thuyết minh ở Đà Nẵng làm hài lòng du khách như ở một số địa phương khác. TRONG ẢNH: Đoàn học sinh Đà Nẵng đang say sưa nghe một thuyết minh viên ở Hội An hướng dẫn.

Tại nhiều điểm tham quan nổi tiếng của Đà Nẵng như danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm... khách tham quan thường được “tự do” coi ngó, đoán định, tìm hiểu. Bán đảo Sơn Trà có một không gian rộng với rất nhiều điểm dừng mang tính lịch sử, nhiều chủng loại động - thực vật lạ, phong cảnh phong phú, nhưng du khách (không theo tour) cũng chạy một lèo vòng quanh trong khoảng tiếng đồng hồ, nhớ mang máng là bán đảo đẹp, trong lành, có nhiều công trình du lịch gì gì đó...
 
Không chỉ thế, khi tiếp xúc với đội ngũ thuyết minh viên nơi đây, ông Trương Nam Thắng, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội - Công ty Liên doanh dịch vụ du lịch OSC Travel nhận xét: “Bán đảo Sơn Trà là một điểm du lịch trọng điểm của Đà Nẵng, nhưng thuyết minh viên nói khá kém, khiến chúng tôi có cảm tưởng Ban quản lý không chú trọng nhiều đến thuyết minh viên”.

Bà Dương Thị Thơ, Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng) nhìn nhận: “Một số điểm đến ở Trung Quốc không có gì đặc sắc lắm, nhưng vì thuyết minh viên nói hay, chúng tôi tự nhiên cảm mến nơi đó. Hoặc nghe thuyết minh viên giới thiệu về thành cổ Quảng Trị, tự nhiên mình bật khóc. Ở Đà Nẵng, có rất ít thuyết minh viên có thể làm được như vậy, trong khi thuyết minh viên là bộ phận chính đem lại sức thu hút của điểm du lịch”.

Đừng để thuyết minh viên tự “bơi”

Đã đào tạo rất nhiều thuyết minh viên cho các địa phương, nên sau ba ngày bồi dưỡng nghiệp vụ cho khoảng 20 thuyết minh viên của 7 khu điểm du lịch tại Đà Nẵng, ông Trương Nam Thắng xếp loại đội ngũ này ở mức trung bình khá. Song ông tỏ ra khá hài lòng khi: “Khả năng tiếp thu của các bạn rất nhanh”. Do vậy, theo bà Thơ, vấn đề không phải ở chỗ các thuyết minh viên không có khả năng, mà chủ yếu vì cơ chế, chính sách của ngành du lịch và các nhà quản lý cơ sở chưa tạo động lực phát triển cho bộ phận này.

Theo đó, lâu nay đội ngũ thuyết minh viên chỉ được xem như “người đưa đò qua sông”, nên có rất ít sự đãi ngộ. Bà Thơ so sánh: “Hướng dẫn viên theo tour có thể thu nhập thêm từ nhiều khoản và được các đơn vị quan tâm; thuyết minh viên có làm bao nhiêu thì cũng chừng đó lương. Nếu được quan tâm đúng mức, họ sẽ có động lực học hỏi, phấn đấu”. Bằng chứng là chị Mai Thị Tuyết Bê, một nông dân Cơtu, chỉ sau một năm được Khu du lịch Suối Hoa dìu dắt, đã trở thành một gương mặt thuyết minh viên được đánh giá khá tốt.

Cán bộ quản lý của một khu điểm nổi tiếng đưa ra khó khăn: “Dù muốn trả thêm lương, chúng tôi cũng không biết lấy nguồn đâu ra”. Ngoài ra, việc hạn định biên chế đã dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng thuyết minh viên tại các khu, điểm du lịch (khoảng 30 thuyết minh viên chia đều cho 7 khu điểm – PV). Khi mua vé vào khu điểm, nếu khách không đi theo đoàn hoặc không mua tour, đồng nghĩa với việc phải tự mình mày mò lấy thông tin qua các tập gấp du lịch (nếu có). Bà Thơ cho rằng, việc này không khác gì khu, điểm du lịch tự đánh mất linh hồn, giá trị vốn dĩ rất hấp dẫn của chính mình.

 

Ông Trương Nam Thắng, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội - Công ty Liên doanh dịch vụ du lịch OSC Travel, đồng thời là giảng viên Dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam do EU tài trợ: “Phần mềm - phần cứng phải đều nhau”.

Các công ty dù là Nhà nước, cổ phần hay tư nhân nếu chăm chút đầu tư quá nhiều cho phần cứng (mặt bằng, trưng bày, cơ sở vật chất...), mà không chú trọng phần mềm là đội ngũ thuyết minh viên, nơi ấy sẽ không có hồn. Doanh nghiệp và cả nhà quản lý du lịch cần bồi dưỡng, tạo cơ hội cho thuyết minh viên tham quan, học tập các nơi, nâng cao tay nghề, chứ không nên để họ tự “bơi” một mình.

Quan trọng nhất là bồi dưỡng tố chất của hướng dẫn viên cho các thuyết minh viên, giúp họ nắm bắt được nhu cầu, sở thích của du khách để có cách thuyết minh phù hợp. Thuyết minh viên không phải là công cụ thuyết trình, mà phải có sự giao thoa và giao lưu với du khách.

 

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.