.

Tôi đi theo... tour

.

“Sự kiện Cẩm Nê ư?”, nếu biết thì “chết liền”, “Bờ biển đỏ ư?” Nó làm gì có tại Đà Nẵng, nó phải ở châu Đại Dương chớ; “Du lịch làng sinh thái hả? Được thôi, nhưng chúng tôi được lợi gì?... Đó là những gì mà tác giả bài viết này - một “hướng dẫn viên du lịch” bất đắc dĩ xin kể hầu quý vị từ những chuyến...

1- Tôi làm HDVDL... bất đắc dĩ

Cựu binh Mỹ thăm lại làng Cẩm Nê-Hòa Vang, nơi họ từng đột phá vào năm 1965.

Một lần tôi được cơ quan cử làm “hướng dẫn viên du lịch” (HDVDL) cho một đoàn khách bạn ở Hải Phòng. Lịch trình đi của đoàn là: Cổ Viện Chàm, Ngũ Hành Sơn và Hải Vân Quan. Sau khi mua vé cho khách vừa bước ra, tôi thấy một tay HDVDL liếc xéo: “Lại cái ông này!”. Anh bạn làm việc tại quận Ngũ Hành Sơn cùng đi với tôi nói nhỏ: “Tay nớ tưởng ông làm nghề HDVDL đó!”.
 
Hôm đó, tôi chủ ý không nói gì đến “huyền thoại Ngũ Hành Sơn”, hay lý giải tên các hang động mà chỉ nói về Thích Đại Sán, về Vọng Hải Đài, về những lần vua Minh Mạng đến thăm, về người Mỹ, người Tây Ban Nha và người Pháp từng đến đây vào thế kỷ 18, về trận đánh Mỹ của Anh hùng Phan Hành Sơn, về những bộ xương khô nằm trong hang động được phát hiện gần đây... Tôi đưa khách đến nơi mà lực lượng Đặc công Đà Nẵng đặt súng ĐKZ phá hủy 21 máy bay Mỹ tại sân bay Nước Mặn và kể cho họ kỹ lưỡng về sự kiện này… Nhiều người trong đoàn tỏ ra rất thích thú. Có vị nói: “Tôi đến đây lần thứ 2 nhưng nghe cậu nói có quá nhiều cái mới, rất thú vị!”. Trong khi đó, “những đồng nghiệp” của tôi, người thì dẫn khách đến đỉnh của Thủy Sơn rồi để mạnh ai nấy đi còn mình thì chờ ở... hang âm phủ. Số khác thì nói về những điều đã được viết chi tiết trong các website du lịch (DL).

Lại một lần khác, tôi “tháp tùng” ông Lê Xuân Tùng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội tham quan Đà Nẵng. Tôi đưa ông đi “diện kiến” những nơi mà bố ông - cụ Lê Xuân Trữ đã ở và hoạt động tại Đà Nẵng vào những thập niên đầu của thế kỷ 20; đến những địa điểm từng là nhà máy bia Larue, đến ga Đà Nẵng và ngôi biệt thự nay là trụ sở Hội Nông dân thành phố để nói cho ông Tùng ngôi nhà đó là gì, bố ông từng làm việc tại đó ra sao.

Đặc biệt, khi đón ông Tùng tại khách sạn Morin (nay là Khách sạn Bạch Đằng), khi tôi giới thiệu với ông về khách sạn này và hệ thống khách sạn Morin khắp Trung kỳ cũng như gia cảnh của anh em nhà Morin thì ông Tùng vô cùng thích thú. Nghe tôi nói xong, ông Tùng bèn nói: “Giá như khách sạn này họ bài trí và phục vụ y nguyên như hồi đầu thế kỷ 20 thì hay biết mấy!”. Một ý kiến rất đáng để ta suy ngẫm.

2- Chuyện nhặt theo... tour!

Dưới đây, xin kể hầu bạn đọc hai mẩu chuyện về sự thiếu chu đáo của các công ty DL, khả năng giao tiếp ngoại ngữ kém, các dịch vụ DL na ná nhau... tại các điểm tham quan mà tác giả bài viết này từng “hóng được” trong những chuyến đi tour, nó lý giải sự “hủy hoại” vô hình uy tín của ngành DL nói chung.

Câu chuyện thứ nhất xảy ra đã gần 10 năm. Một tàu DL cập cảng Đà Nẵng, còn một ngày nữa là tàu nhổ neo theo lịch trình đã định, trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, một cặp vợ chồng nọ đề nghị được đi thăm cố đô Huế. Vị giám đốc của một công ty DL nọ căn dặn anh nhân viên của mình: "Đi đâu đó thì đi, đúng 11 giờ trưa cho khách dùng cơm tại nhà hàng Ngọc Lan!".

Thế là, tay HDVDL cho khách đi “rửa mắt” khắp Đà Nẵng, định chờ đến trưa thì đưa vô nhà hàng Ngọc Lan, đến khi khách hỏi “Huế đâu?” mới chợt hiểu ra và tức tốc cho xe chạy như bay ra Huế. Khách chưa kịp cảm “Huế mộng Huế mơ” thì bị đẩy lên xe về Đà Nẵng cho... kịp chuyến tàu. Về đến Đà Nẵng, tàu đã rời cảng nửa giờ. Ngài giám đốc liền thuê một chiếc bo bo đuổi theo kịp tàu nọ. Do chiếc thang dây thả xuống không tới được chiếc bo bo, nên thầy trò viên giám đốc nọ đành lòng làm "thang" cho vợ chồng ông Tây lên tàu, mặc cho váy Tây phất phơ trên đầu...

Lần khác, khi đưa khách từ Ngũ Hành Sơn về lại trung tâm thành phố, tôi nghe được đoạn đối thoại: “Chết, tôi quên mất rồi!”. “Gì?’. “Quên mua mấy kiềng đá cẩm thạch!”. “Ôi dào, về Đà Nẵng nó bán loạn ấy!”. “Thật không?”. “Về Hà Nội cũng có bán kiềng đá Non Nước nữa là. Không đâu như xứ mình, đặc sản vùng này có cả ở vùng kia, ngọc trai Phú Quốc cũng được bán tại Đà Nẵng, mỹ nghệ Đà Nẵng cũng bán cả ở Sài Gòn, Hà Nội, mè xửng Huế cũng có ở Hà Nội và cốm Hà Nội cũng mua được tại Đà Nẵng. Đó là chưa nói, Nhà Trang, Vũng Tàu có mô-tô nước thì Đà Nẵng cũng thấy có, du lịch biển thì ở đâu cũng na ná như nhau. Thế thì mong chi khách đi cho hết Việt Nam mình!”.

3- Biết chết liền!

Ngũ Hành Sơn do du khách nước ngoài chụp khi đi du lịch vào đầu thế kỷ 20.

Đã từng xảy ra chuyện một ông Tây hỏi “Toilét” đâu thì nhân viên một điểm DL nọ lẩm bẩm: “Vé không chịu mua, cứ nói “chua lét” mãi, ai biết cái chi!”; từng xảy ra việc HDVDL có cách lý giải lạ lùng về Ngũ Hành Sơn là do “Tôn Ngộ Không” trong “Tây Du Ký” sinh ra. Và, độc chiêu hơn, khi khách Tây hỏi “bờ biển đỏ” ở đâu thì một HDVDL lẩm bẩm: “Đồ khùng! Biển Đỏ phải ở châu Đại Dương chớ!” (Thực ra, khi khách Tây hỏi Red Beach, tức là hỏi về bãi biển Xuân Thiều của Đà Nẵng - nơi Mỹ đổ quân đầu tiên xâm lược nước ta).

Một người bạn làm HDVDL Đà Nẵng có lần hỏi tôi: “Nè, tui đi đâu cũng thấy súng thần công, không biết hắn bắn chát ra làm răng, ngó như cục sắt vụn có gì ghê gớm đâu!”. Mới đây, tôi lại được chính anh bạn trên tâm sự thật lòng: “Nói thiệt với ông, cách đây mấy hôm, có một đoàn khách người Mỹ họ đến thăm Cẩm Nê. Làng chiếu Cẩm Nê thì tôi biết song họ lại muốn biết “sự kiện Cẩm Nê”, “sự kiện” thì tôi biết chi mô mà nói, biết chết liền!”.
 
Sẽ là thất bại, nếu đến nay, chúng ta đưa khách DL đến Cẩm Nê mà không cho họ biết về “sự kiện Cẩm Nê” như Tổng thống Mỹ là Lyndon Johnson và dư luận khắp thế giới vào năm 1965 từng biết; sẽ buồn hơn nếu không cho họ biết khi quân Mỹ thực hiện cuộc hành quân hủy diệt đầu tiên tại chiến trường miền Nam tại Cẩm Nê, với kế hoạch “Chiến dịch càn quét zipppo” thì lực lượng cán bộ, du kích của Hòa Tiến đang ở đâu trong cái thế bị vây bốn mặt? Bạn tôi - Trưởng khoa Du lịch – Văn hóa tại một trường đại học tư thục ở Hội An rất có lý khi nói rằng:

“Đừng trách mấy anh HDVDL mà tội họ, giáo trình mà họ được học hiện nay viết hết sức khô khan và đơn điệu, làm sao mà biểu họ am tường được!”. Tôi thực sự cảm thông với các HDVDL như bạn tôi, vì ngành DL ở ta còn nhiều non kém, bên cạnh những HDVDL giỏi không ngừng học hỏi cũng còn không ít những anh khác “tự phong” và đọc thuộc lòng những tư liệu trên các Website DL rồi biến mình thành những “cái máy nói” vô hồn.

4- Làng du lịch? Được thôi, nhưng...

Du khách nước ngoài đến Bà Nà của Đà Nẵng đầu thế kỷ 20

Làng cổ Phong Nam thuộc xã Hòa Châu là làng duy nhất giữ được vốn cổ nguyên sơ của Đà Nẵng, đây cũng là một địa điểm DL sinh thái có sức thu hút khách đến thăm trong mấy năm gần đây. Sự hấp dẫn của Phong Nam là các công trình kiến trúc cổ như đình, chùa, miếu, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ các tộc họ, trường làng và chợ quê... Ngoài ra, còn nhiều giai thoại về Ông Ích Khiêm, về những cuộc viếng thăm của Cao Bá Quát và cả câu đối của cụ Phan Bội Châu tặng cho làng...
 
Tuy nhiên, đối với khách nước ngoài thì họ muốn được tận hưởng cái cảm giác yên bình, “nguyên mẫu” một ngôi làng Việt, một lối thuần sống Việt đầu thế kỷ 20. Thế mà, do không được quy hoạch bài bản, nên đã xảy ra tình trạng nhà cổ xuống cấp người dân đành “bó tay chờ chết”. Tre làng, bầu bí... già cỗi cũng bị chặt bỏ đi mà không hề được tái trồng. Một người dân nói với tôi:
 
“Mấy ổng muốn giữ nguyên vẹn những mái nhà cổ, muốn có những lũy tre làng che bóng các lối đi, muốn trong vườn chúng tôi trồng bầu trồng bí, muốn dùng cái gáo dừa múc nước... thì cũng phải hỗ trợ, phối hợp chi với chúng tôi chớ. Bầu bí nó có mùa, có lứa, muốn có thường xuyên thì cũng trồng chăm cẩn thận, tre làng già cỗi thì chặt bỏ, bão ngã thì đốn, lâu riết rồi thì hắn sưa, biết làm răng được!”. Vậy, phát triển DL sinh thái ư? Được thôi, nhưng người dân - đối tượng duy nhất của loại hình DL này sẽ được gì từ loại hình đó!? Câu hỏi này xin dành lại cho những nhà quản lý.

9 tháng đầu năm nay, tổng lượt khách DL đến thành phố Đà Nẵng ước đạt 971.985 lượt, trong đó có 276.470 khách quốc tế, 695.515 lượt khách nội địa, tổng doanh thu chuyên ngành du lịch ước đạt 617,03 tỷ đồng. Đó là một dấu hiệu đáng mừng, nhưng sẽ là mừng hơn, nếu Đà Nẵng là địa phương có số khách DL quay lại đây lần 2, lần 3. Nếu “Lễ hội DL biển” của Đà Nẵng khác biệt hẳn các nơi khác. Nếu chúng ta có được một chiến lược kinh doanh du lịch bài bản, cụ thể; một đội quân làm DL được trang bị vốn kiến thức đầy đủ với phong cách phục vụ chuyên nghiệp, bên cạnh những sản phẩm dịch vụ DL “không đâu có được”.

Phóng sự của Lưu Hoàng Giang

;
.
.
.
.
.