Là thành phố động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, sự phát triển của Đà Nẵng có ảnh hưởng lớn đến cả vùng. Nhưng, điều dễ nhận ra là ngành du lịch (DL) phát triển không tương xứng với đầu tư, chưa làm được vai trò hạt nhân trong vùng kinh tế trọng điểm.
Muốn tạo ra sản phẩm du lịch mang tính văn hóa thì thắng cảnh ngủ hành sơn phải đầu tư theo hướng mở rộng không gian du lịch ( Ảnh tư liệu ) |
1- Xây dựng Thương hiệu DL. Đà Nẵng phải trở thành trung tâm DL miền Trung-Tây Nguyên và cả nước, xa hơn nữa là khu vực và quốc tế, là tâm điểm của nhiều tuyến DL. Có mở rộng tầm nhìn như thế mới xây dựng các tours, tuyến DL mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Từ đó chủ động bàn bạc phối hợp với các địa phương như Hội An, Huế, Bình Định, Quảng Bình, Tây Nguyên, nối các Lễ hội, Festival các nơi về thành phố.
Thương hiệu DL phải được xây dựng trên tầm nhìn mở ấy. Phải xây dựng các tổ chức lữ hành thật mạnh, thật hiệu quả, biến nơi đây thành trung tâm phân phối khách cho cả khu vực. Muốn thế, Đà Nẵng phải nghiên cứu tổ chức những lễ hội văn hóa mang tính vùng miền. Đua thuyền buồm thể thao, bắn pháo hoa quốc tế phải tổ chức định kỳ hằng năm; có thể tổ chức Festival múa hát dân gian quốc tế, trại điêu khắc tượng dân gian quốc tế, v.v... Những lễ hội tầm cỡ như thế mới tạo ra phong cách của một trung tâm, động lực.
2- Tạo ra các sản phẩm DL mang tính văn hóa đặc trưng, có sức sống trường tồn bằng cách khai thác nội lực văn hóa truyền thống. Ví dụ như các lễ hội dân gian, văn hóa ẩm thực của người Chăm tại khu vực Bảo tàng Chàm trong những ngày Tết Chăm.
Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn phải được đầu tư theo hướng mở rộng không gian DL, khai thác sâu các khía cạnh văn hóa tôn giáo, tâm linh, mới thu hút được du khách. Những tập tục sinh hoạt, lễ hội dân gian của cư dân đánh cá, trồng rau, làm đồ gốm, lễ hội cồng chiêng người Cơtu cũng có thể biến thành sản phẩm DL hấp dẫn, du khách được tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất và tiếp nhận văn hóa. Riêng làng đá Non Nước có thể trở thành một biểu trưng DL, một sản phẩm hấp dẫn du khách. Với hơn 215 cơ sở sản xuất với nhiều nghệ nhân giỏi đã có tác phẩm điều khắc đá đặt tại các công viên ở Đài Loan, Singapore… họ có thể biến Đà Nẵng thành “thành phố tượng”.
Hay khai thác lịch sử vua Lê Thánh Tông khai mở vùng đất Quảng và Huyền Trân Công Chúa với quà sính lễ của vua Chăm Chế Mân cách đây 703 năm; hay khu "Mả Tây" có hài cốt quân Pháp - Tây Ban Nha cách đây 150 năm, v.v... Có thể dẫn ra rất nhiều sự tích lịch sử, tập tục và truyền thống văn hóa có thể biến thành sản phẩm DL đặc trưng. Vấn đề còn lại là người làm và cách thức tổ chức đầu tư. Nếu bớt đi một phần vốn đầu tư khu DL, khách sạn để đầu tư mạnh cho sản phẩm DL, chắc chắn DL Đà Nẵng sẽ có thương hiệu mạnh.
3- Đà Nẵng đang thiếu một công nghệ DL hoàn thiện. Mục đích của kinh doanh du lịch bất cứ nước nào đều là thu hút thật nhiều khách, làm cho khách ở lâu hơn và chi tiêu thật nhiều tiền. Muốn đạt được mục đích đó phải có một công nghệ DL hoàn thiện và ngày càng chuyên nghiệp. Công nghệ đó là toàn bộ quy trình liên kết các khâu liên hoàn:
Đầu tư vốn - sản phẩm DL, tuyến, tour, khu vui chơi, ẩm thực - bảo tàng - khách sạn - nhà hàng - vận tải - lữ hành quốc tế - hàng lưu niệm - quảng bá tiếp thị, v.v... Tất cả phải được quy hoạch chi tiết và phân công phối hợp thực hiện theo nguyên tắc thống nhất (trách nhiệm, vốn, nhân lực, giá cả, tỷ lệ ăn chia…). DL Đà Nẵng hiện nay còn manh mún, thiếu sự liên kết giữa các ngành, các địa phương. Công nghệ DL còn bao gồm việc đặt đại lý DL ở các quốc gia quan trọng; công tác lữ hành quốc tế, vấn đề hàng lưu niệm đặc chủng…
DL hiện nay phải cạnh tranh quốc tế rất khốc liệt. Vì thế phải lên kế hoạch trung, dài hạn, tìm nguồn vốn đầu tư, nghiên cứu phân công từng ngành, từng doanh nghiệp lo từng việc một, liên tục đổi mới nội dung, hình thức thể hiện, làm sao du khách không chán mắt. Làm được như thế mới mong giữ chân du khách 3-4 ngày, mới mong DL Đà Nẵng thành một ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố động lực miền Trung.
Ngô Minh