.

Câu chuyện liên kết: Nói rồi, để đó

.

5 trong số 7 di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh tự nhiên được tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản thế giới đều nằm ở khu vực miền Trung, một yếu tố mang tính tiên quyết để phát triển du lịch (DL) mà hiếm nơi nào có được. Nhưng lượng khách DL đến đây lại đạt tỷ lệ không cao trong số khách đến Việt Nam. Để phát triển, ngành DL các địa phương đã phải đặt vấn đề liên kết với nhau, nhưng chuyện liên kết như thế nào thì hình như chỉ thể hiện trên bàn họp...

Nội hàm vẫn là chuyện liên kết



Khách du lịch nước ngoài tham quan cầu treo Đak Rông ( Quảng Trị ) trên đường Hồ Chí Minh.

Câu hỏi “Làm sao để giữ khách Thái?” được đặt ra tại Hội thảo DL về khai thác thị trường Thái Lan do Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng tổ chức trung tuần tháng 11 vừa qua trở thành vấn đề “nóng” của các tỉnh, thành miền Trung, khi thời gian gần đây, lượng khách đến từ Thái Lan có dấu hiệu chững lại và đang giảm sút. Trong khi công tác triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá DL của các tỉnh, thành miền Trung như tổ chức các roadshow tại Bangkok và Khonkean, tổ chức và đón các đoàn tour caravan, famtrip Thái Lan… được đánh giá là đạt kết quả tốt.

Theo nhận định của những người làm trong ngành thì nguyên nhân là do ngành DL miền Trung vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của du khách Thái, đặc biệt chưa khai thác được đối tượng khách quốc tế đến DL tại Thái Lan.

Một lý do khác là vấn đề liên kết giữa các địa phương còn hạn chế, dịch vụ tại miền Trung còn kém, khách sạn từ 3 đến 4 sao chưa nhiều, hướng dẫn viên tiếng Thái còn quá ít... Tại hội thảo, các doanh nghiệp, đại diện ngành DL các tỉnh, thành đề ra các giải pháp như: Cần sự liên kết giữa Tổng cục Du lịch (TCDL) và các cơ quan quản lý DL địa phương, đầu tư cho các dịch vụ còn thiếu, chưa đạt chất lượng; bảo đảm môi trường kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
 
TCDL cần triển khai các hoạt động xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa tại các thị trường trọng điểm, có sự trao đổi thông tin, liên kết thường xuyên giữa khu vực miền Trung Việt Nam và các địa phương Thái Lan, giữa các công ty DL 2 nước; cần một sự liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến để tiết kiệm chi phí, giới thiệu thế mạnh của từng địa phương, tạo ra sản phẩm mang tính đặc thù của miền Trung. Liên kết trong thiết kế sản phẩm giữa các công ty lữ hành và cơ quan quản lý DL nhằm tạo ra sản phẩm lợi thế, có sức hút đối với thị trường khách Thái…

Sản phẩm của sự liên kết

Tiềm năng DL của các tỉnh miền Trung là rất lớn, phù hợp phát triển nhiều loại hình như DL biển, sinh thái rừng, mạo hiểm, DL hội nghị, hội thảo, nghỉ dưỡng, văn hóa. Với những chương trình độc đáo như “Con đường Di sản miền Trung” du khách sẽ có dịp đi xuyên suốt các tỉnh, thành phố trong vùng, thưởng thức những cảnh quan thiên nhiên quyến rũ cùng những di sản văn hóa-lịch sử quý giá như cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, Vịnh Nha Trang, những hang động kỳ bí ở Phong Nha-Kẻ Bàng... Nhưng ngoài những điểm đến riêng biệt đó, yếu tố địa lý, đặc trưng văn hóa vùng miền, món ăn... có nhiều điểm tương đồng nên vấn đề cần gắn kết chặt chẽ mới là hướng đi đúng và có triển vọng.

Theo bà Dương Thị Thơ, Trưởng phòng Quản lý DL, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng thì sản phẩm rõ rệt nhất của sự liên kết là “Con đường Di sản miền Trung”. 3 tỉnh, thành gồm Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam gọi tuyến DL này là “3 địa phương, 1 điểm đến”, và hiện nay vẫn liên kết để quảng bá, cạnh tranh; liên kết giảm giá khách sạn trong thời điểm kinh tế khó khăn... Tuy nhiên, sự liên kết này không thực sự hiệu quả. “Con đường Di sản” hiện tại không được các tỉnh, thành sở hữu. Người điều hành chung, mô hình hoạt động, công tác quảng bá xúc tiến, tiêu chuẩn hoạt động đều không được phân định cụ thể.

Năm 2004, việc liên kết để phát triển DL miền Trung đã được xới lên tại hội nghị góp ý cho đề án “Phương hướng và giải pháp tăng tốc phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên” do TCDL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức, với sự tham dự của đại diện 18 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận.
 
Nhưng tâm lý mạnh ai nấy làm vẫn lấn át. Năm 2005, cả Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng đều tổ chức lễ hội DL với các tên gọi “Lăng Cô - Huyền thoại biển”; “Đà Nẵng - Lễ hội văn hóa DL”; “Hội An - Tuần lễ văn hóa Việt - Nhật”. Cũng vậy, năm 2006 ở Huế là Festival và Quảng Nam là Năm DL Quốc gia; và mới đây nhất là Festival Huế 2008 cũng không được quảng bá bằng băng rôn ít nhất là tại sân bay quốc tế Đà Nẵng… Những hoạt động trên đều tổ chức riêng lẻ, các địa phương không giới thiệu cho nhau. Các doanh nghiệp làm DL và các nhà báo - những người miệt mài đưa tin, quảng bá cho các hoạt động trên không khỏi chạnh lòng.

Có ý kiến cho rằng TCDL phải là nhạc trưởng điều khiển và kết nối cũng như hỗ trợ và tạo điều kiện để các địa phương, các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn nữa ở các đoàn famtrip (du lịch làm quen) nhằm khảo sát thị trường và giới thiệu tiềm năng DL của địa phương mình.

Sự liên kết hợp lý giữa các địa phương sẽ tạo nên chuỗi DL hấp dẫn, hạn chế được tình trạng cùng một lúc các địa phương tổ chức nhiều chương trình lễ hội na ná như nhau, khiến du khách khó xác định điểm đến. Và điều cốt yếu là cần thực hiện cam kết về liên kết để phát triển, chứ không phải nói rồi để đó...

 



Đón khách du lịch theo đường biển tại cảng Tiên Sa.


-
Các tỉnh miền Trung sở hữu 80 trong số 125 bãi biển đẹp của cả nước. Lợi thế lớn nhất là có 5 trong số 7 di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới nằm ở khu vực này. Ngoài ra còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, đa bản sắc văn hóa; nhiều di tích, làng nghề truyền thống...

- Năm 2010 dự kiến du khách quốc tế tăng đến 2,5 triệu và 10 triệu du khách nội địa.

- Các tuyến DL trọng điểm đòi hỏi sự liên kết vùng đã được TCDL xác định gồm: Con đường Di sản thế giới; Con đường xanh Tây Nguyên; Con đường huyền thoại - đường mòn Hồ Chí Minh; Tuyến hành lang Đông - Tây.

 

Hiền Lương

 


;
.
.
.
.
.