Sáng thứ bảy, đang ngồi gõ bàn phím máy vi tính thì anh bạn Đỗ Hữu Minh điện thoại tới: “Trưa nay có đoàn khảo sát của Khách sạn Green Plaza lên thăm nhà cổ Thái Lai, mời anh lên chơi chút hỉ”. Trước đó không lâu, nghe Minh bảo Sở VH-TT&DL thành phố có tổ chức hội thảo về du lịch (DL) đường sông và giới thiệu nhà cổ của anh là một trong những điểm đến. Thông tin chỉ vừa mới lan ra thì đã có đơn vị đi thực tế rồi, nhanh thật!
Hấp dẫn từ một điểm đến
Du lịch đường sông Đà Nẵng nhiều tiềm năng, nhưng chưa khai thác đúng mức. |
Minh hiện là chủ ngôi nhà cổ nhất làng Thái Lai có tên là “Tích Thiện đường” được ghi trên bức hoành phi. Cái thời mớm nước còn mấp mé cách chân tường rào chỉ mươi bước chân, những phụ nữ trong ngôi nhà nhìn ra sông này từng đi chợ Túy Loan bằng đường thủy, hai làng Phước Thái và Thái Lai chung nhau một bến sông có tên gọi là bến Chè. Chưa ai xác quyết đây có phải là nơi từng xuất loại chè xanh nổi tiếng (như ở làng Phú Thượng phía trên đó) xuống chợ Túy Loan hay không, nhưng có một điều chắc chắn là trưa hôm đó, việc chiếc ca-nô của GPH ghé lại bến Chè đã trở thành sự kiện lớn ở làng, bởi lẽ nơi này đã hoang vắng mấy chục năm rồi.
Khách có 6 người. Với họ, như bộc bạch của Phó Giám đốc GPH Lê Chí Dũng, ấn tượng đầu tiên là vẻ đẹp hài hòa giữa cảnh quan thơ mộng của sông nước đồng quê với kiến trúc nhà cổ. Họ tham quan nội thất, rồi dạo quanh vườn. Gàu gánh nước, cối xay bột, cối giã gạo, chum sành đựng nước... tất cả bày bên hiên nhà, gợi chút chân quê vào không gian cổ kính. Một lối đi trải đá cuội đưa khách dạo một vòng quanh vườn nhà, đủ để cảm nhận đâu đó tình quê phảng phất.
Bến sông lên đình Túy Loan vẫn chưa có một bến tàu đúng chuẩn. |
Du lịch đường sông... nhưng không có bến
Đã có không dưới 15 đoàn khách trong và ngoài thành phố đến thăm nhà cổ của Minh ở Thái Lai. Bà Dương Thị Thơ, Trưởng phòng Nghiệp vụ DL Sở VH-TT&DL cũng đã hai lần đưa đoàn lên đây khảo sát và tỏ vẻ ưng ý với điểm đến này. Theo bà Thơ, thành phố đang chủ trương mở lại DL đường sông, chủ yếu theo 4 tuyến: Dạo sông Cổ Cò thăm Ngũ Hành Sơn; ngược sông Cu Đê lên khu DL sinh thái Thọ Yên, thăm hai thôn Tà Lang, Giàn Bí của người Cơtu; tham quan quanh bán đảo Sơn Trà (GPH đang khai thác, chủ yếu vào mùa hè); ngược sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan lên thăm đình Túy Loan, nhà cổ Thái Lai.
“Các điểm đến này, chúng tôi đã đi khảo sát hết, nhưng để đưa chúng thành sản phẩm DL thì chưa” - bà Thơ nhấn mạnh. Theo bà, điều quan trọng hàng đầu để phát triển DL đường sông là phải có cầu tàu, bến đỗ. Nhưng ta thì thiếu hẳn điều này. Bến trước Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng hiện chưa được đầu tư, thành phố chỉ cho mở tạm rào chắn để khách xuống thuyền. Các đơn vị lữ hành đã nhiều lần đề nghị với Sở VH-TT&DL kiến nghị thành phố cho phép mở hẳn cầu tàu ngay tại nơi đắc địa này. Rất thuận lợi, khách đến đây có thể ghé Bảo tàng Điêu khắc Chăm, dạo bộ trên đường Bạch Đằng để đến chợ Hàn mua sắm.
Chưa đầy 3 tuần sau khi khảo sát, tuyến tham quan đường sông Túy Loan đã được GPH đưa vào khai thác. |
Quay lại với bến Chè ở làng Thái Lai. Gọi là bến, nhưng chỉ có bờ kè tạm bằng đá cùng với mấy tấm ván trải trên lớp bùn phù sa mới bồi sau cơn lụt nhẹ tuần trước. Ngay cả bến sông lên đình Túy Loan - một điểm đến đầy hứa hẹn - cũng vẫn chưa có một bến đỗ đúng chuẩn cho các tàu du lịch.
Kết thúc có hậu?
Xế trưa hôm đó, tôi và Đỗ Hữu Minh được mời làm khách DL trên chiếc ca-nô ghé thăm đình Túy Loan. Quả thực, DL sông nước bao giờ cũng khiến người ta mê mẩn bởi cái vẻ đẹp khó thể từ chối của thiên nhiên. Sau khi từ bến sông bước lên, đi dưới bóng cây đa cổ thụ để vào sân đình, đoàn khách của GPH càng thích thú hơn với những thông tin ông Đặng Khôi, Trưởng ban Quản lý di tích đình Túy Loan, cung cấp. Rất hài lòng, tất cả ra về với một cái hẹn.
3 tuần sau, anh Lê Công Định, Trưởng phòng Thể thao - Giải trí của GPH gọi điện cho tôi, thông báo về tour tham quan đường sông làng Túy Loan đã được GPH chính thức đưa vào khai thác. Tất cả mọi thông tin về sản phẩm mới này đã được đơn vị đẩy đến khách hàng, cùng với các chương trình khuyến mại giảm giá để khai thác tour. “Hè này, chúng tôi sẽ tổ chức các tour câu cá đồng quê (local fishing) vào ban đêm kết hợp với “Đêm trăng Túy Loan” ở nhà cổ anh Minh. Sau khi thưởng thức các món ẩm thực, nghe qua một vài làn điệu dân ca, điệu đàn cổ, đến nửa khuya là khách có thể về lại khách sạn” - anh Định “bật mí”.
Nhưng trước mắt, không lâu nữa, anh Định nói chắc chắn: Mình sẽ là người lái tàu trong chuyến đầu tiên đưa khách tham quan điểm đến mới đầy tiềm năng này. Mong mọi sự sẽ kết thúc có hậu, không riêng cho GPH mà cho cả du lịch Đà Nẵng.
|
Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ