.
DU LỊCH ĐƯỜNG SÔNG

Tưởng rằng ngủ quên

.

Bến đỗ, dịch vụ, điểm đến đều thiếu

Việc phát triển du lịch đường sông, theo một chuyên viên Phòng Nghiên cứu và phát triển du lịch (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch), sẽ tạo sản phẩm du lịch mới, kéo dài ngày lưu trú của du khách tại Đà Nẵng, làm nên điểm nhấn về đêm cho sông Đà Nẵng. Tuy nhiên, ông Lê Quang Triết, Giám đốc Khách sạn Green Plaza so sánh: “Du lịch đường sông Đà Nẵng đã ngủ quên quá lâu. Nói đâu cho xa, như Huế đã có tàu trên sông Hương nhiều năm rồi. Trong khi sông Đà Nẵng rộng, có khả năng đậu tàu có tải trọng lớn, nhưng tàu du lịch thì quá khiêm tốn, tàu đánh cá lại rất nhiều.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tuyến du lịch đường sông có thể bắt đầu vào sông Túy Loan, Thái Lai, sau đó sẽ mở rộng ra Cù lao Chàm (Hội An).
TRONG ẢNH:
Một du thuyền chở khách của Green Plaza ra Cù lao Chàm.

Tàu du lịch trước nay của Đà Nẵng chỉ tập trung phục vụ ăn uống, chưa đưa vào tuyến du lịch cho khách”. Không chỉ dài và rộng, sông Đà Nẵng còn trải khắp các nẻo: từ Thủy Tú (Liên Chiểu) đến Hòa Bắc, Túy Loan, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, và lóng lánh sông Hàn ngay trung tâm thành phố. Nguyên nhân chủ yếu làm du lịch đường sông chưa phát triển là vì không có bến đỗ cho tàu thuyền. Một chủ doanh nghiệp tỏ ra khá bức xúc khi cho biết:
 
“Ngay cả việc xin phép xây dựng một bến tàu, để có chỗ cho tàu du lịch đỗ dễ dàng cũng khó. Phải vất vả lắm, qua một cuộc họp liên ngành, chúng tôi mới có được giấy phép xây dựng”. Ngoài ra, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, khi đi khảo sát đường sông đều đưa ra khó khăn chung: dịch vụ phục vụ du khách, nâng cấp các điểm dừng gần như chưa có gì.
 
“Theo tuyến sông Cổ Cò (Ngũ Hành Sơn), tàu không vòng qua làng đá Non Nước. Mà như vậy, trên đường đi, ngoài khung cảnh nên thơ của hai bên bờ, cùng một số di tích như Khu căn cứ K20, Khu chứng tích 45 học sinh Mân Quang, du khách chẳng tìm thấy gì khác”, ông Huỳnh Chín, Phó phòng Văn hóa – Thông tin quận Ngũ Hành Sơn bày tỏ.  

PR cho du lịch đường sông, tại sao không?

Dù đã đưa vào khai thác tuyến du lịch đường sông đi Túy Loan, cù lao Chàm từ nhiều tháng qua, ông Lê Quang Triết vẫn tỏ ra tiếc rẻ khi số khách không đáng kể, bởi “Việc quảng bá không tốt về tour tuyến cũng là một trở ngại lớn để du khách có thể biết đến loại hình du lịch này”.

Theo ông, các cuộc đua thuyền trên sông mang tầm cỡ quốc tế tại Đà Nẵng nếu được tổ chức sẽ là kênh quảng bá cực kỳ ấn tượng cho du lịch đường sông, còn các cuộc đua thuyền hằng năm vẫn chỉ dừng ở cấp độ địa phương, không thu hút sự chú ý của khách quốc tế. “Vừa rồi, chúng tôi có nghe kế hoạch phát triển tuồng, tại sao không thể đưa tuồng lên tàu du lịch, như Huế có ca Huế trên sông Hương?”, ông nói thêm.

Lập các làng nghề truyền thống mới như tre đan, thêu, mộc... trên tuyến sông Cổ Cò, sông Cái cùng các phân khu riêng biệt phục vụ sản xuất – tham quan cũng được ông Huỳnh Chín đề nghị. Theo Phòng Nghiên cứu và phát triển du lịch, nếu quy hoạch tốt việc xây dựng, nâng cấp các dịch vụ trên các tuyến, trong thời gian tới, ngành du lịch vận động DN đóng khoảng 4 – 5 tàu để khai thác. Ban đầu, tuyến này có thể đi gần như đến Túy Loan, Thái Lai, xa hơn sẽ ra tận cù lao Chàm (Hội An) hoặc các bãi tắm đẹp như bãi Tiên Sa, bãi Bang, bãi Đá đen...

Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước đã đưa ra khá nhiều ý tưởng và đề xuất cho du lịch đường sông. Song, chúng tôi vẫn chưa nghe các bên có ý kiến về việc bảo đảm môi trường sông khi khai thác du lịch.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.