.

Du lịch miền Trung: “Học thầy không tày học… láng giềng!”

.

(ĐNĐT) - Để khai thác tốt tiềm năng du lịch sẵn có, việc học hỏi những “láng giềng gần” có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam và có nền kinh tế du lịch phát triển như Thái Lan, Malaysia… là cách làm thông minh và tiết kiệm.

Có của mà… chưa biết dùng!

Hơn 150 đại biểu trong và ngoài nước vừa tề tựu tại Đà Nẵng để tham dự cuộc hội thảo lần đầu tiên được Bộ Văn hóa - Thể thao – Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức nhằm xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực này trên địa bàn các tỉnh duyên hải miền Trung (gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận).

Lượng khách quốc tế đến miền Trung tăng bình quân gần 28%/năm. Trong ảnh: Khách nước ngoài thăm Bảo tàng Điêu khắc Chămpa tại Đà Nẵng.


Ông Hồ Việt Hà, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ VH-TT-DL) nhấn mạnh: “Với lợi thế về thiên nhiên phong phú, nhiều cảnh quan hấp dẫn, bãi biển đẹp cùng các di sản văn hóa - lịch sử, giá trị nhân văn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, vùng ven biển miền Trung đã được Chính phủ xác định là địa bàn động lực của cả nước về phát triển du lịch”.

Với những lợi thế to lớn đó, thời gian qua du lịch miền Trung đã ghi nhận được một số tín hiệu tương đối khả quan. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Vân (Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư), hàng năm, một số địa phương như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, Phan Thiết đón trên 1 triệu lượt khách, tốc độ tăng bình quân 17%/năm, trong đó khách quốc tế tăng gần 28%, doanh thu tăng khoảng 15%/năm.

Trong 10 tháng đầu năm 2008, khu vực này đã thu hút 28 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 6,5 tỷ USD, chiếm 73% của khối dịch vụ (bao gồm VH-TT-DL) trong giai đoạn 1988 – 2008. Trong đó, phải kể đến một số dự án lớn đã và đang đầu tư tại khu vực này như Indochina Land (khoảng 300 triệu USD), Vinacapital (300 triệu USD), Silver Shores  Hoàng Đạt (86 triệu USD)… tại Đà Nẵng; New City VN (4,3 tỷ USD) tại Phú Yên, Banyan Tree (267 triệu USD) ở TT-Huế… Hiện có một số dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư vào nhiều tỉnh duyên hải miền Trung với tổng vốn đầu tư lên đến chục tỷ USD.

Đáng chú ý, cơ cấu đầu tư cho du lịch đã chuyển dần từ khách sạn, nhà nghỉ thấp cấp sang những khu du lịch cao cấp; tập trung đầu tư xây dựng các tuyến, điểm du lịch, tôn tạo danh lam thắng cảnh…, tạo ra những sản phẩm mới ngày càng hấp dẫn du khách. Đặc biệt, nhiều dự án FDI đã hoàn thành và đưa vào khai thác có hiệu quả như khu nghỉ dưỡng cao cấp Furama (Đà Nẵng), The Nam Hai (Quảng Nam)…

Tuy vậy, các đại biểu tham dự hội thảo cũng thừa nhận một thực tế, cho đến nay phần lớn tài nguyên du lịch của miền Trung vẫn đang ở dạng tiềm năng, sử dụng ở dạng thô sơ; tốc độ tăng trưởng lượng khách và thu nhập từ du lịch tuy có tăng nhưng tỷ trọng vẫn thấp so với hai đầu đất nước. Quy hoạch vùng còn mang tính định hướng, sự liên kết giữa các địa phương trong thu hút đầu tư du lịch chưa chặt chẽ, dễ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Cơ sở hạ tầng giao thông, hoạt động lữ hành còn rất hạn chế, chủ yếu nối tour từ Hà Nội và TP.HCM.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Vân nhấn mạnh: “Các sản phẩm du lịch, văn hóa ở khu vực này còn thiếu tính hấp dẫn; xây dựng sản phẩm chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên sẵn có, thiếu đầu tư và chưa dựa vào thế mạnh đặc thù nên nội hàm văn hóa trong các dự án đầu tư phục vụ du lịch còn rất hạn chế. Tuy được UNESCO công nhận song bản thân các danh hiệu như “kỳ quan văn hóa”, “kỳ quan thiên nhiên thế giới”... tự nó không làm nên thương hiệu và không tạo ra lợi nhuận. Do vậy, phải có sự tham gia của con người trong việc tác động, xây dựng, tôn tạo, quản lý và tuyên truyền…”.

Một thực trạng nữa là phần lớn các cơ sở lưu trú trong khu vực còn quá nhỏ, khách sạn dưới 20 phòng chiếm đến hơn 80%, khu du lịch nghỉ dưỡng 4 – 5 sao hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đặc biệt, phổ biến nhất hiện nay là sự bùng phát các khách sạn mini, trước mắt tuy đáp ứng được một phần nhu cầu của khách với dịch vụ đa dạng nhưng lại thiếu đồng nhất về giá cả và tính chuyên nghiệp thấp. Bên cạnh đó, khoảng 70% lao động chưa qua đào tạo khiến chất lượng nhân lực ngành du lịch trong khu vực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và đòi hỏi của du khách…

“Học thầy không tày học… láng giềng!”

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực như hiện nay, ngành du lịch miền Trung không thể tiếp tục “đóng cửa dạy nhau” mà cần phải mở ra bên ngoài để tích cực học hỏi. Nhưng học ai và học như thế nào là vấn đề cần được quan tâm, bởi đã có không ít ví dụ về chuyện đoàn này, đoàn khác cắp cặp đi học khắp Đông - Tây nhưng rốt cuộc chỉ gây tốn kém kinh phí không nhỏ vì “bài vở” đem về không phù hợp với thực tiễn trong nước và khu vực.

Doanh nghiệp du lịch miền Trung trao đổi với đồng nghiệp Thái Lan tại hội thảo xúc tiến thị trường du lịch Thái Lan.


Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Vân gợi ý: “Trong bối cảnh hiện nay, việc học các “láng giềng gần” như Thái Lan, Malaysia… là cách làm thông minh và tiết kiệm. Đó là các quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam”. Bà nêu ví dụ, bên cạnh “thiên đường mua sắm” theo du lịch truyền thống, họ còn tổ chức các tour du lịch nông – lâm nghiệp (farm trip – thăm vùng trồng nho, uống rượu nho tại vườn…).

Nhiều cán bộ có trách nhiệm trong ngành du lịch miền Trung cho rằng, đây là gợi ý rất sát sườn và hoàn toàn khả thi. Đặc biệt, với việc mở đường bay trực tiếp Bangkok - Đà Nẵng và khai thông tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây, hiện miền Trung đang là điểm đến rất hấp dẫn không chỉ với du khách Lào, Thái mà cả du khách Malaysia, nhất là đối tượng khách ưa thích mạo hiểm theo các tour caravan. Do vậy, việc học hỏi kinh nghiệm làm du lịch từ các nước này càng trở nên thuận lợi hơn.

Đáng mừng là việc học hỏi “láng giềng gần” đang từng bước được các địa phương miền Trung biến thành hiện thực. Điển hình như ở Quảng Trị, Giám đốc Sở VH-TT-DL Nguyễn Văn Dùng cho hay, tỉnh này cùng Savannakhet (Lào) và Mukdahan (Thái Lan) luân phiên hàng năm tổ chức hội nghị hợp tác du lịch để bàn biện pháp phối hợp hành động, xử lý các vướng mắc, thúc đẩy du lịch mỗi bên cùng phát triển. Tỉnh cũng gửi hàng trăm học sinh qua du học tại Mukdahan và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, mời giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Savannakhet qua dạy tiếng Lào…

Ở tầm khu vực, cách đây hơn mươi ngày, lần đầu tiên các tỉnh, thành miền Trung ngồi lại với nhau tại Đà Nẵng để lắng nghe sự trao đổi kinh nghiệm làm du lịch của các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Thái Lan trong cuộc hội thảo về khai thác thị trường khách du lịch từ nước này.

Những lời như của ông Heribert Gakseh (Giám đốc Tiếp thị và Phát triển kinh doanh của PB Air – Thái Lan) tuy không mới song vẫn là cảnh báo rất cần thiết: “Khi ngành du lịch Thái Lan mới bắt đầu bùng nổ, lượng du khách từ các nơi dồn tới nhưng nguồn nhân lực tại chỗ không đáp ứng nổi nên hàng loạt nhân viên nhà hàng, khách sạn… phút chốc trở thành nhà quản lý với kiến thức nền rất thấp. Đến nay, khi đã trở thành một trong những nước có nền “công nghiệp không khói” hàng đầu Đông Nam Á thì nguồn nhân lực vẫn đang là một trong những vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch Thái Lan.

Ở Đà Nẵng, tôi đi qua một số nơi thấy hàng loạt dự án du lịch sẽ hoàn thành trong 2 – 3 năm nữa. Khi đó, vấn đề con người, vấn đề ngôn ngữ sẽ rất quan trọng. Do vậy, ngay từ bây giờ các bạn cần phải chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ riêng của nhà chức trách mà phải là trách nhiệm chung của mọi doanh nghiệp du lịch… ".

Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cho rằng, với kinh nghiệm học được từ các nước láng giềng có nền kinh tế du lịch phát triển hơn, việc mở các tour kết nối giữa du lịch với văn hóa, hoặc các tour nông – lâm nghiệp… “trọn gói” và đặc sắc hoàn toàn nằm trong tầm tay ngành du lịch nhiều tỉnh miền miền Trung.

Chẳng hạn, với Quảng Ngãi, đảo Lý Sơn có một thứ đặc sản cực kỳ nổi tiếng. Đó là tỏi, không chỉ làm gia vị mà còn có thể chế biến nhiều loại thuốc chữa bệnh rất hữu hiệu. Một tour du lịch ra thăm cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử của biển, đảo Lý Sơn và trở về với sản vật là những phương thuốc chữa bệnh được chế biến từ tỏi hẳn sẽ đem lại cho du khách nhiều trải nghiệm kỳ thú.

Hải Châu

;
.
.
.
.
.