Với lợi thế về cảng biển và sân bay quốc tế, cửa ngõ đến các di sản thế giới của miền Trung, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho du lịch (DL) hoàn thiện và đồng bộ, nhiều dịch vụ phong phú, Đà Nẵng được xem là địa chỉ hấp dẫn cho nhiều du khách... Thế nhưng, cũng có thể nhận thấy rằng, sự phát triển DL Đà Nẵng trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Trong đó, thiếu và yếu mặt hàng lưu niệm ghi dấu ấn Đà Nẵng là một ví dụ cụ thể...
Hàng lưu niệm cần yếu tố đẹp, nhỏ gọn và giá cả hợp lý. (Ảnh ĐNK)
Lắng nghe họ nói gì?
Năm 2007, ngành DL Đà Nẵng vượt ngưỡng 1 triệu lượt khách đến, tăng 32,2% so với năm 2006. Đà Nẵng hiện có 42 dự án đầu tư về DL với tổng số vốn đầu tư gần 26.393 tỷ đồng, như các cụm DL Mỹ Khê-Sơn Trà (190ha), Xuân Thiều - Nam Ô - Hải Vân (400ha)... Nhưng điều này không có nghĩa là DL Đà Nẵng sẽ trở thành điểm sáng tại khu vực miền Trung. Đà Nẵng chưa thật sự khai thác triệt để những tiềm năng DL.
Công tác quảng bá DL chưa chú trọng những sản phẩm tiềm năng, nhằm gây được ấn tượng mạnh với du khách khi đến với Đà Nẵng. Đà Nẵng chưa đặt mình ở vị trí du khách để hiểu được rằng, sở thích của bất kỳ một du khách nào khi đặt chân đến nơi mình DL sẽ mua quà lưu niệm cho người thân, bạn bè. Hay chỉ đơn giản là chọn cho mình một món quà lưu niệm nơi mình đã đi qua. Đến với Huế, người ta mang về chiếc nón bài thơ được thêu trang trí hình cầu Tràng Tiền.
Hội An là những chiếc đèn lồng xinh xắn, là mười hai con giáp bằng đất ngộ nghĩnh… Những mặt hàng lưu niệm này được bán tập trung để tạo nên điểm nhấn. Hàng lưu niệm không nhất thiết phải đẹp, nhưng rất cần yếu tố độc đáo, mang tính đặc trưng của vùng, miền. Mặt khác, chính sự di chuyển của du khách cũng đòi hỏi mặt hàng này cần có yếu tố gọn, nhẹ, giá cả hợp lý.
Được xem là đặc trưng của Đà Nẵng, nhưng sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước phần lớn chỉ dành để... ngắm. |
Cũng về vấn đề này, ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc khách sạn 3 sao Saigontourane tại Đà Nẵng chia sẻ “Nhân viên chúng tôi cũng thật sự lúng túng mỗi khi khách ngỏ ý muốn được đi mua một món quà lưu niệm đặc trưng ở Đà Nẵng để mang về làm quà cho người thân”.
Quan trọng, nhưng chưa được xem trọng
Tháng 5-2007, Trung tâm Thông tin xúc tiến thương mại Đà Nẵng đã phát động cuộc thi “Sáng tác, sản xuất sản phẩm lưu niệm và quà tặng về Đà Nẵng” và đã nhận được 52 sản phẩm đăng ký dự thi. Trong đó, hàng lưu niệm có 37 sản phẩm, hàng quà tặng có 14 sản phẩm và một ý tưởng thiết kế. Trong đêm trao giải, Ban tổ chức đã nêu ra hướng sẽ hỗ trợ đăng ký quyền tác giả, góp phần giúp các tổ chức, cá nhân đưa vào sản xuất đại trà các mẫu sản phẩm dự thi, nhằm phục vụ nhu cầu của du khách và nhân dân thành phố.
Mới đây nhất, ngày 25-11, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng kết hợp với UBND quận Ngũ Hành Sơn công bố kết quả cuộc thi sáng tác logo làng đá mỹ nghệ Non Nước và đã chọn được logo cho làng đá nổi tiếng này. Thế nhưng, chưa ai có thể trả lời được khi nào các sản phẩm này xuất hiện như một sự khẳng định về thương hiệu cho Đà Nẵng.
Hội An thu hút được khách du lịch nhờ những mặt hàng mang tính đặc trưng như đèn lồng. Trong ảnh : Khách du lịch đang chụp hình lưu niệm trước một cửa hàng bán đèn lồng trong khu phố cổ. |
Dãy cửa hàng mỹ nghệ đá trên đường Nguyễn Chí Thanh như Hoàng Mẫn, Hữu Thanh, Hải, Mỹ Thanh… rất ít khách đến mua. Chủ cơ sở điêu khắc đá Thanh Tùng ở 165 Nguyễn Chí Thanh trăn trở: “Trước đây, đá Non Nước được xem là sản phẩm phục vụ DL tại Đà Nẵng. Nhưng giai đoạn gần đây, nó chỉ còn là chất liệu để trang trí chùa chiền, lăng tẩm, vườn tược…
Chúng tôi buộc phải kinh doanh thêm bằng cách khắc bia đá”. Hiện nay, khách đến cửa hàng của anh gần 90% là khách nội địa, hay chính người Đà Nẵng mua quà tặng người thân, bạn bè ở xa ghé về. Người Đà Nẵng hiện vẫn xem đá Non Nước là mặt hàng lưu niệm đặc trưng nhưng mẫu mã chưa phong phú nên rất khó bán được số lượng nhiều và thường là khách mua một lần rồi thôi. “Thay đổi mẫu mã cần đến thời gian dài mà chúng tôi chỉ là người kinh doanh nên không có nhiều thời gian để thử nghiệm và thay đổi”. Đó dường như là ý kiến chung của những chủ cơ sở kinh doanh này.
Theo Tổ chức DL thế giới, có đến hơn 20 loại hình DL khác nhau với những nhu cầu sản phẩm khác nhau, một số trong đó rất dễ hiểu, dễ làm như: DL mua sắm, ẩm thực, thám hiểm, giao lưu cộng đồng dân cư bản địa...; cụ thể đối với mỗi loại hình du khách có một số sản phẩm đặc trưng. Mong rằng, Đà Nẵng sẽ có kế hoạch đầu tư vào mặt hàng lưu niệm và cần quy về một mối để tạo nên nét văn hóa riêng của Đà Nẵng, tạo được ấn tượng tốt cho du khách khi đến với phố biển Đà Nẵng.
Tiểu Yến