.
Năm 2009

Phát triển du lịch đường sông

.

Tác động của tình hình suy thoái kinh tế thế giới thời gian qua đã làm du khách tính toán kỹ lưỡng hơn, hoặc hủy bỏ các kế hoạch vui chơi và tiêu tiền. Song, nhiều động thái của ngành du lịch như cải thiện môi trường và sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến các thị trường Thái Lan, Hàn Quốc... đã giúp đưa trên 1,2 triệu khách đến thành phố năm 2008.

Thi bắn pháo hoa - Điểm nhấn của năm 2009

Du lịch đường sông sẽ được chú trọng trong năm 2009.

Sự kiện du lịch lớn nhất trong năm 2008 là cuộc thi Bắn pháo hoa quốc tế vào tháng 3 lần đầu tiên tổ chức tại Đà Nẵng. Cùng với các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch như tổ chức tour, tuyến du lịch, chương trình famtrip (du lịch quảng bá), đua thuyền trên sông Hàn, triển lãm đá Non Nước..., cuộc thi đã thu hút trên 100.000 lượt khách và nhân dân tham gia.
 
Chương trình du lịch hè sôi động mở ra, cùng lúc khai trương bãi tắm du lịch (tổng vốn đầu tư 12 tỷ đồng) tiếp tục cuốn hút nhiều du khách đến với biển. Tại bán đảo Sơn Trà, các tour du lịch Khám phá Sơn Trà và lặn biển ngắm san hô vẫn được duy trì từ 2 năm nay. Khu du lịch Biển Đông khai thác hiệu quả tour câu mực vào ban đêm và các hoạt động thể thao biển (mô-tô nước, canô, dù bay...).
 
Trong thời gian này, nhằm bảo đảm môi trường du lịch biển và an ninh trật tự, Đội an ninh trật tự du lịch biển được thành lập cũng góp phần giải quyết đáng kể tình trạng chèo kéo, cò mồi khi có khách quốc tế vào Đà Nẵng. Đặc biệt, chương trình “Nụ cười thân thiện” giúp 400 cán bộ, nhân viên (tài xế taxi, nhân viên phục vụ nhà hàng - khách sạn, các điểm tham quan, mua sắm...) có cách giao tiếp hài hòa, chuyên nghiệp hơn đối với khách du lịch.

Nhằm thu hút lượng khách Thái Lan vốn là thế mạnh của Đà Nẵng, ngành du lịch cũng xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng trên 2 kênh truyền hình của nước này là “First Class TV” và “Food and House”. Việc thường xuyên tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế như ITE TP. Hồ Chí Minh, Travex, Festival Huế... đã đưa hình ảnh Đà Nẵng lại gần du khách các nơi. 

Thiếu dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm

Thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm dẫn đến ngày lưu trú thấp và sức chi tiêu mua sắm của du khách hạn chế vẫn là chuyện “biết rồi, nói mãi” của Đà Nẵng. Chủ một doanh nghiệp lữ hành Thái Lan đến tham dự Hội thảo du lịch tại Đà Nẵng vào tháng 11 đã thốt lên: “Tôi đem rất nhiều tiền để mua sắm, nhưng tôi không thể tìm ra một điểm đổi ngoại tệ nào.

Vậy là các bạn đã bỏ lỡ cơ hội khai thác túi tiền của tôi”. Sức hút của các điểm tham quan còn thấp, chậm nâng cấp và đổi mới điểm đến như Suối Lương, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn... cũng là nguyên nhân cản chân du khách đến với thành phố. Ngoài ra, còn thiếu các cơ sở phục vụ du lịch bài bản, chuyên nghiệp. Theo bà Dương Thị Thơ, Trưởng phòng Quản lý du lịch Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, dù đã xếp hạng “đạt chuẩn” cho 13 cơ sở mua sắm - dịch vụ, nhưng các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ, tổ chức vẫn chưa thật hoàn hảo. Các hạn chế về kinh phí và cán bộ chuyên nghiệp đã dẫn đến công tác nghiên cứu, xúc tiến thị trường phục vụ cho khai thác nguồn khách chưa thật sự hiệu quả. 

Tập trung phát triển du lịch đường sông

Để tăng thêm tour tuyến mới và hoạt động về đêm trên sông, ngành du lịch đang khảo sát hình thành các tour đường sông Đà Nẵng - Hội An - Cù lao Chàm, Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Bán đảo Sơn Trà - Hòn Chảo, tuyến sông Hàn, du lịch đồng quê... cho năm sau.
 
Theo ý kiến từ các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch, thành phố cần có chủ trương cải tạo hoặc tháo dỡ đập Bờ Quang, khai thông sông Cổ Cò, phát triển du lịch trên sông Hàn để mở tuyến đường thủy sông Hàn - Ngũ Hành Sơn. Tạo điều kiện cho nhà đầu tư xây dựng bến neo đậu tàu thuyền, có chính sách thu hút đầu tư dịch vụ du lịch tại sông Hàn sẽ mở ra cho thành phố một loại hình du lịch mới, không để tiềm năng du lịch quý của thành phố bên sông bị bỏ phí.

Thông tin từ Phòng Nghiên cứu và phát triển du lịch cho thấy, các kế hoạch nâng cấp điểm đến ở Sơn Trà như: đầu tư Nhà Vọng Cảnh, trồng cây xanh, làm bồn hoa, bảng chỉ dẫn, đắp tượng khỉ cao 1,5m; đặt bàn ghế, xích đu, lát nền cho du khách nghỉ ngơi tại cây đa 100 tuổi; mở thêm các tour tuyến xuyên rừng khám phá Sơn Trà... đang được tính đến.

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng cho biết, đã kiến nghị UBND thành phố kêu gọi đầu tư xây dựng cảng biển du lịch quốc tế, phân bổ kinh phí đầu tư nâng cấp khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, làng đá Non Nước, bán đảo Sơn Trà thành khu du lịch có sức hấp dẫn cao.
 
Việc ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư khu vui chơi, giải trí về đêm, ẩm thực, mua sắm tập trung; các điểm dừng phục vụ tuyến đường bộ Hành lang kinh tế Đông - Tây, khu bán hàng miễn thuế tại trung tâm thành phố, khách sạn 3 - 5 sao và thể thao giải trí biển... sẽ tạo đà cho thu hút khách, khai thác mạnh chi tiêu và tăng ngày lưu trú của du khách tại Đà Nẵng trong thời gian tới.

Bài và ảnh: PHONG KHÁNH

;
.
.
.
.
.