.
NGÀNH DU LỊCH THÀNH PHỐ

Chủ động đối phó với sự biến động nguồn khách

.

Thế giới đang rơi vào giai đoạn kinh tế suy thoái và ngành du lịch cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, dự báo tình hình khó khăn sẽ kéo dài đến hết năm 2009. Để đối phó với tình hình này, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã cùng với Hiệp hội Du lịch, các khách sạn, DN lữ hành lớn bàn biện pháp hợp tác vượt qua khủng hoảng.

Khách du lịch nước ngoài tham quan, tìm hiểu về nghề truyền thống. Ảnh: HẰNG VANG

Việc đầu tiên là tự thân các DN vượt khó. Ông Huỳnh Tấn Vinh, Phó Tổng Giám đốc Furama cho biết, Ban giám đốc khách sạn đã có chủ trương cắt giảm nhân công, tiết kiệm chi phí điện, nước nhằm giảm giá đầu vào, cắt giảm chi phí quảng cáo thị trường Bắc Mỹ (vốn là thị trường tiềm năng của Furama), tăng cường quảng cáo thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
 
Trong giai đoạn vắng khách, tập trung nâng cấp phòng, tiến hành đào tạo tại chỗ. Ông Vinh cũng mong muốn các ngành hỗ trợ đưa các sự kiện về Đà Nẵng nhằm tăng lượng khách công vụ. Các khách sạn 4-5 sao khác như Sandy Beach, Hoàng Anh Plaza, Green Plaza cũng tăng cường tiếp thị, đưa nguồn khách Hàn Quốc khi các chuyến bay thuê bao từ Seoul bay trở lại vào cuối tháng 12 này về lưu trú tại Đà Nẵng, các đầu bếp các khách sạn trên đang học làm các món ăn phù hợp cho khách Hàn Quốc nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách.
 
Còn các khách sạn 3 sao thì thị trường khách Thái Lan và khách nội địa vẫn chiếm ưu thế từ trước đến nay nên vẫn tập trung thu hút nguồn khách vùng Đông Bắc Thái Lan, khi Băng-cốc đang bất ổn, nhằm thu hút nguồn khách Thái Lan vào dịp cuối năm, đồng thời tăng các dịch vụ ăn uống, phục vụ tiệc cưới và tổ chức các dịch vụ phục vụ Noel, chào đón năm mới. Các khách sạn 2-3 sao như Saigontourane, Phương Đông, Faifo đều tập trung tổ chức tiệc mừng Giáng sinh và năm mới với giá cả hợp lý phục vụ người dân thành phố và khách du lịch.

Với các công ty lữ hành, thiệt hại từ việc hủy tour là vô cùng lớn, song họ cũng đã kịp thời điều chỉnh thị trường và cũng nhằm vào các nước Đông Bắc Á. Anh Trần Ngọc Tâm, Giám đốc Công ty CP Vitours cho biết, dù khó khăn, năm nay doanh thu từ dịch vụ lữ hành của công ty vẫn đạt cao nhất từ trước đến nay.
 
Trước khó khăn của năm 2009, công ty chủ trương tổ chức các tour xuyên Đông Dương (Việt Nam-Lào-Thái Lan) cho các “tay lái lụa” thích du lịch mạo hiểm. Ngoài ra, công ty đã phối hợp tổ chức các tour ra phía Bắc cho khách Thái Lan đi bằng đường hàng không. Theo ông Tâm, nếu Việt Nam liên kết giữa hàng không, lữ hành, khách sạn, vận chuyển giảm giá tour thì các DN cũng sẽ đủ sức cầm cự trong năm tới. Ông Phan Tấn Cả, Giám đốc Công ty lữ hành Lê Phong thông báo từ nay đến cuối năm, công ty ông khai thác lượng khách Thái Lan đông nhất từ trước đến nay và tất cả đều đưa về lưu trú tại Đà Nẵng.

Việc đưa các sự kiện về Đà Nẵng cũng là cách tăng lượng khách công vụ, trong tình hình khách quốc tế giảm sút hiện nay.TRONG ẢNH: Một đoàn khách Australia đến tham quan cuộc thi Bắn pháo hoa quốc tế 2008 tại Đà Nẵng.  Ảnh: HẰNG VANG

Bên cạnh sự cố gắng nội tại của từng DN, các DN cũng mong muốn lãnh đạo thành phố, các sở, ngành sớm có những chính sách hỗ trợ cho du lịch nhằm tăng các dịch vụ giải trí về đêm như hình thành phố đi bộ, chợ đêm, cho phép các tụ điểm vui chơi lành mạnh hoạt động sau 24 giờ, hỗ trợ Bảo tàng Chăm, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển  Dĩnh tổ chức các show diễn phục vụ du khách. Nhiều DN cho rằng, thành phố có dòng sông Hàn chảy qua khu vực trung tâm là lợi thế khai thác các dịch vụ trên sông và các tour du lịch đường sông, nhưng do chưa có cầu tàu nên các DN có tàu du lịch không thể có bến bãi thuận lợi cho khách.
 
Vì vậy, sớm xây dựng các cầu tàu du lịch và các chính sách giảm thuế hỗ trợ quảng bá ban đầu, để các DN mới có điều kiện khai thác các tour đường sông và các dịch vụ trên sông. Về lâu dài, các DN du lịch mong muốn thành phố tích cực kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính có chính sách giảm phí hàng không, phí cập cảng để các hãng hàng không quốc tế mở các chuyến bay trực tiếp đến Đà Nẵng, đây là hình thức gián tiếp giảm giá tour cho các hãng lữ hành quốc tế đưa khách vào miền Trung.

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, sở sẽ có cuộc họp với các DN du lịch và lãnh đạo các Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam để tổ chức hội thảo “Du lịch miền Trung vượt qua khủng hoảng” mà trọng tâm là kết nối giữa hàng không, lữ hành, khách sạn cùng giảm giá tour cho khách đến miền Trung (chính sách giá liên kết) và liên kết quảng bá. Việc cùng nhau xây dựng giá tour cạnh tranh sẽ là quyết sách để thu hút thêm nguồn khách cho miền Trung, trong đó có điểm đến quan trọng Đà Nẵng.

DƯƠNG THỊ THƠ

;
.
.
.
.
.