.
Nước Việt mến yêu:

Thăm Cù lao Ré

.

Cù lao Ré có tên chữ là Lý Sơn, cách cửa biển Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi về phía đông nam chừng 22km. Xưa, đảo này thuộc địa giới huyện Bình Sơn; nay đã là một huyện riêng gồm ba xã An Hải, An Vĩnh và An Bình.

Lên tàu thủy cao tốc từ cửa biển Sa Kỳ, qua mũi Ba Làng An, chừng 30 phút đã thấy quang cảnh Lý Sơn hiện ra trước mắt. Phía nam là ba ngọn núi lớn nhô lên trên đảo. Cách đấy về phía bắc là một đảo san hô biệt lập hiện ra trước tầm mắt một vệt xanh mờ.

Đảo có chùa Hang ở xã Lý Hải có kiến trúc dựa vào miệng núi lửa xưa. Có chùa Đục tại xã Lý Vĩnh mà tương truyền, để làm nên kiến trúc ngôi chùa này, người xưa phải đục đá sâu vào trong hốc núi.

Lý Sơn có đình An Hải và đình An Vĩnh thờ 8 vị tiền hiền (bát tổ) thuộc các tộc Phạm, Võ, Lê, Nguyễn, Trương, Trần, Dương, Đặng từ đất liền thuộc hai huyện Bình Sơn và Chương Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi xưa ra đây dựng nghiệp vào đầu thế kỷ XVII.

Phía tây bắc đảo có Âm Linh tự - nơi từng diễn ra lễ “khao lề thế lính” hằng năm đến nay vẫn còn lưu truyền. “Khao lề thế lính” xưa là lễ duyệt danh sách các tộc họ (khao lề) để chọn người bổ sung và thay thế vào đội Hoàng Sa (thế lính) ra vùng 130 đảo trên biển Đông (nay là Hoàng Sa và Trường Sa) để xác lập chủ quyền cùng bảo vệ và khai thác sản vật trên các vùng đảo này.

Mỗi dịp lễ là dịp đua thuyền. Người Lý Sơn thạo nghề đi biển nên đua thuyền là cơ hội cho họ trổ tài. Ở Lý Hải có 4 đội thuyền đua nổi tiếng mang tên Long, Ly, Quy, Phụng; mỗi đội thuyền lấy một dinh miễu làm nơi thờ tự và làm trụ sở.

Ngoài dinh Bà Thủy, dinh Bà Chúa Vàng, dinh Bà Chúa Lồi, dinh Bà Thiên Y còn có miễu Ông Quỷ, dinh Ông Cao Các, dinh Tam Tòa, miễu Hội Đồng, miễu Thần Nông… được xây dựng từ rất lâu đời. Tận mắt chiêm ngưỡng những nét kiến trúc của “24 tòa dinh miễu” này, mới thấy giữa bốn bề biển cả mênh mông, vật liệu đa số phải lấy từ đất liền vận chuyển ra đảo bằng những phương tiện thô sơ, công sức bao thế hệ dân đảo này bỏ ra cho tín ngưỡng, tâm linh là không kể xiết!

Xưa, Lý Sơn là vùng không thể trồng lúa. Ngoài ngư nghiệp, cư dân trồng sắn, khoai, đậu, chuối, mía, dừa…. những buồng chuối trĩu quả ở đây từng theo thuyền xuất ra tới Đà Nẵng. Trên đảo còn trồng cây lá gai để xe chỉ dệt lưới; chỉ gai Lý Sơn xưa được đem bán đến tận miền Nam.

Nay, Lý Sơn là vùng sản xuất tỏi và hành nhiều nhất ở miền Trung. “Đảo hành”, “Vương quốc tỏi” là hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi nói về vật sản vùng này. Hành, tỏi được trồng quanh năm nhưng rộ nhất là vào vụ đông; đến giữa xuân là thu hoạch. Đến mùa, nhà nào nhà nấy ngợp sắc tím của hành và sắc ngà của tỏi.

Hải đăng Lý Sơn nằm ngay rìa phía đông nam của đảo. Ra đây, nhìn bao quát hình ảnh tháp đèn biển giữa trời nước mênh mông mới cảm nhận hết vẻ hùng vĩ của nơi đầu sóng ngọn gió. Từ chân hải đăng Lý Sơn nối về phía nam có một con đê bằng bê-tông vươn ra đến hòn Mù Cu giúp chắn sóng cho thuyền đánh cá ở khu vực này tránh bão. Toàn bộ khung cảnh này hiện lên trước bình minh, lúc hoàng hôn và cả trong những đêm trăng với vẻ đẹp đa dạng gây bao ấn tượng khó quên trong lòng du khách.

Hương Trà

;
.
.
.
.
.