.

Một ngày ở danh thắng Ngũ Hành Sơn

.

Một ngày nắng ấm cuối đông, gia đình tôi đưa nhau đi tham quan khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, nơi mà nhiều năm qua đã hiện hữu trên phần chính của biểu tượng thành phố Đà Nẵng. Đến thắng cảnh ghi dấu chiến công của Anh hùng Phan Hành Sơn lần này, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng bởi một sự thay đổi diệu kỳ với khá nhiều sản phẩm mới về du lịch.

Du khách nước ngoài tham quan trên ngọn Thủy Sơn.

Nét mới đầu tiên, đó là cả một khu dừng chân - công viên - vườn tượng ở phía nam ngọn Thủy Sơn rộng đến mấy ngàn mét vuông với hàng trăm công trình điêu khắc đầy ấn tượng. Những chiếc cổng đá, những ngôi nhà cổ, những tòa non bộ hài hòa với các bức tượng, vườn hoa - cây cảnh, làm cho du khách mới đến đây đã thấy hấp dẫn và thích thú vô cùng. Nhiều du khách đang xúm quanh bức tượng 12 con giáp đặt bên một chiếc cổng đá lớn. Ai nấy háo hức sờ vuốt, trầm trồ khâm phục những đường nét tinh xảo trên các con thú bằng đá giống y như thật!

Đoạn đường từ hang Gió Tây qua hang Gió Đông những năm trước đây chỉ có một lối nhỏ ngoằn ngoèo, bây giờ đã được xây dựng khang trang chạy giữa những hàng cây xanh tốt. Hàng trăm du khách ung dung ngồi nghỉ, rôm rả chuyện trò và tận hưởng những làn gió biển mát rượi. Cái không gian thoáng đãng, yên bình như làm tan đi nỗi mệt nhọc của mọi người sau một quãng đường leo núi. Chúng tôi cùng đoàn du khách lại hồ hởi leo lên động Vân Thông bằng một đường hang xuyên trong lòng núi có tên gọi là “đường lên trời”.
 
Lên tới đỉnh Thượng Thai (cao 106 mét), chúng tôi thấy một chòi ngoạn cảnh với những chiếc ghế đá và những thanh lan can óng ánh. Thông qua hệ thống kính viễn vọng nơi đây, du khách có thể nhìn thấy cả vùng khơi mênh mông sóng nước và nhộn nhịp tàu thuyền ngoài biển Đông. Nhìn sang các phía khác, bạn sẽ thấy quang cảnh rộn rã, tưng bừng của một thành phố đang hối hả chuyển mình trên đường công nghiệp hóa. Theo lời anh hướng dẫn viên, công trình mới này hoàn thành sau hơn 50 ngày thi công khẩn trương của những người thợ lành nghề tại làng đá Mỹ nghệ Non Nước.

Ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ bao đời nay có Lễ hội Quán Thế Âm vào ngày 19-2, Hội Làng đá ngày 16-3 và gần đây Ban Quản lý đã tổ chức thêm Lễ hội Báo hiếu vào dịp rằm tháng 7 (âm lịch). Lễ hội này gắn liền với chủ trương xã hội hóa du lịch của thành phố. Từ kinh phí của nhiều nguồn, nhiều thành phần đóng góp, một hang động mới được cải tạo, xây dựng ở phía nam ngọn Thủy Sơn có cái tên nghe rất lạ: “Động Âm Phủ” và Lễ hội Báo hiếu hằng năm được tổ chức tại đây. Chúng tôi và đoàn du khách nao nao bước lên “Cầu Âm Dương” bắc qua “Sông Nại Hà” để vào chiêm ngưỡng công trình xã hội hóa đầu tiên ở nơi này.

Trên thế gian, các cây cầu thường cong vồng lên, nhưng cây cầu này lại cong võng xuống, bởi như lời anh hướng dẫn viên, đây là chiếc cầu “đi vào cõi âm”, cầu võng xuống bởi nó mang nặng nghiệp chướng ở cõi dương trần. Động Âm Phủ được xây dựng theo truyền thuyết “Mộc Liên Thanh Đề”, bên trong có các phân khu thể hiện toàn cảnh âm cung. Ở cửa động, có tượng ông Thiện (bên tả) và ông Ác (bên hữu) để phân loại những người đi vào “thế giới âm phủ”. Những ai ở trên dương gian ăn ở hiền lành, nhân đức thì đến đây được lên “Thiên Thai Giới”, còn những ai lúc sống làm điều xấu xa, bạc ác thì khi xuống âm phủ phải chịu trừng phạt theo 12 loại tội danh khác nhau.

Đặc biệt, Động Âm Phủ chính là nơi cách đây hơn 40 năm - ngày 24-2-1968 - 5 chiến sĩ quân giải phóng đã kiên cường đánh trả hai tiểu đoàn Mỹ - ngụy (diệt gần 80 tên, bắn rơi 1 máy bay), được Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu: “5 dũng sĩ Ngũ Hành Sơn”. Một trong 5 dũng sĩ ấy là anh Đặng Văn Lái hiện vẫn còn sống tại phường Hòa Hải. Từ khi Động Âm Phủ trở thành điểm tham quan, anh Lái thường đến đây kể lại cho con cháu nghe về trận chiến đấu lừng lẫy năm xưa. Vừa giàu yếu tố tâm linh, vừa mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, Động Âm Phủ là một sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.

Đến tham quan Danh thắng Ngũ Hành Sơn hôm nay, trong lòng du khách còn lưu lại những cảm nhận tốt đẹp về đội ngũ hướng dẫn viên giỏi chuyên môn và am hiểu sâu sắc về lịch sử. Trong cuộc thi Hướng dẫn viên giỏi, do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố tổ chức mới đây, anh Lương Thanh Rân và anh Lê Văn Hòa lần lượt đem về cho khu danh thắng này một giải nhất và một giải ba. Trong đó, anh Rân với đề tài “Truyền thống đấu tranh cách mạng tại quần thể Ngũ Hành Sơn” đã làm cho Ban Giám khảo và khán giả hết sức cảm phục về sự hiểu biết sâu rộng của một hướng dẫn viên trẻ.

Bên cạnh đó, sự ra đời của Hội Làng nghề Điêu khắc đá Non Nước trong hai năm qua đã tạo điều kiện cho hội viên trao đổi, học hỏi kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều phương tiện máy móc hiện đại mới được đưa vào sử dụng trong việc sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ. Nhiều sản phẩm được trưng bày trong các dịp lễ hội, sự kiện trọng đại và trên các tuyến đường lớn ở Đà Nẵng... Đó cũng là những yếu tố quan trọng - những sản phẩm mới - thu hút mạnh mẽ du khách đến với khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đang xúc tiến nhiều chương trình hoạt động nhằm kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Khu Du lịch Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (3-3-1999 - 3-3-2009). Nhiều hoạt động văn hóa-thể thao sẽ diễn ra ở đây. Năm 2008, Ngũ Hành Sơn đã đón hơn 300.000 lượt du khách, trong đó có gần 100.000 khách nước ngoài. Hy vọng rằng, với những sản phẩm mới, hiệu quả hoạt động ở Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
  
Bài và ảnh : LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.