.

Khu du lịch: Mạnh ai nấy làm

.

(ĐNĐT) - Trong buổi tọa đàm nhằm tìm kiếm giải pháp nâng cao khả năng thu hút khách tại các khu du lịch (KDL) ở Đà Nẵng ngày 24-4, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã đưa ra nhiều thực trạng và gợi mở hướng phát triển KDL.

Tuy nhiên, các ý kiến tại tọa đàm lại không đi thẳng vào vấn đề, và sự vắng mặt của nhiều khách mời quan trọng chứng tỏ việc đầu tư cho KDL để thu hút khách chưa thực sự được quan tâm.

Không có phong cách, khách không mặn mà

Thống kê từ Sở VH-TT-DL cho thấy, lượng khách đến các KDL Ngũ Hành Sơn, Suối Hoa tăng đều từng năm, trong khi đó tại Bà Nà – Suối Mơ và Suối Lương, lượng khách lại trồi sụt không ổn định. Lượng khách chủ yếu vẫn là khách nội địa, doanh thu phần lớn chỉ thu từ hoạt động bán vé.
 

Dù du khách rất hứng thú với bán đảo Sơn Trà, nơi này vẫn chưa được phát triển nhiều dịch vụ phục vụ du khác. Ảnh: H.V

Theo đánh giá của bà Dương Thị Thơ, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (thuộc Sở VH-TT-DL), điểm yếu nhất của các KDL hiện nay là cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật mới chỉ dừng lại ở các hạng mục đầu tư cơ bản. Theo đó, hệ thống giao thông dẫn vào các KDL xa trung tâm thành phố như Suối Hoa, Suối Lương, Thọ Yên không thông thoáng, lại hẹp nên khó đưa xe vào.

Hệ thống nhà hàng chủ yếu phục vụ đồ uống và các món ăn đơn giản, chỉ đủ đáp ứng cho các đoàn khách nhỏ. Dịch vụ tại các KDL quá nghèo nàn, đơn điệu khiến du khách không hứng thú đến, hoặc nếu đến cũng đi về trong một buổi, một ngày, không lưu trú qua đêm.

 
Đà Nẵng hiện có 6 khu du lịch, trong đó 3 khu thuộc địa phận huyện Hòa Vang: Bà Nà-Suối Mơ, Suối Hoa, Thọ Yên và các khu khác là Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn), Sơn Trà (quận Sơn Trà), Suối Lương (quận Liên Chiểu).
 
Khu du lịch Ngũ Hành Sơn có lượng khách đến hàng năm đông nhất, bình quân 300.000 lượt/năm.
 
Các dịch vụ quanh đi quẩn lại vẫn là lưu trú, ăn uống, bán hàng lưu niệm và tổ chức các trò chơi đơn giản, na ná như nhau, không tạo được nét phong cách chuyên biệt. Ngay cả khu Ngũ Hành Sơn nổi tiếng với làng đá mỹ nghệ, sản phẩm vẫn không được bày bán một cách thống nhất, không tiện cho khách mua về làm quà.

Các điểm khác như nguồn nhân lực, đội ngũ thuyết minh viên không chuyên nghiệp, chưa qua đào tạo gây sự nhàm chán cho du khách tiếp tục được nhắc đến.

Mạnh ai nấy làm

Sở VH-TT-DL gợi mở các giải pháp tổng thể như: thành phố cần tập trung đầu tư và khuyến khích đầu tư tại các KDL, đảm bảo phát triển KDL trong sự an toàn môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá điểm đến...

Dịch vụ kém, cơ sở hạ tầng không đồng bộ là những lý do khiến khả năng thu hút khách tại các KDL không cao. Ảnh chụp tại DL Suối Hoa. Ảnh: Đ.N

Song, các ý kiến tại tọa đàm chỉ chủ yếu là... ý kiến. Đa số khách mời phát biểu chỉ nói về tiềm năng của KDL hoặc địa phương mìnhm, nói chung chung về thực trạng du lịch Đà Nẵng xoay quanh những điều ai cũng biết như thiếu sản phẩm, không có vui chơi về đêm, thiếu các hoạt động thu hút khách nước ngoài, thiếu kinh phí xây dựng các hạng mục... mà không thẳng thắng đặt vấn đề vốn là mục đích chính của buổi tọa đàm: “Chúng tôi sẽ làm gì để thu hút khách trong nay mai?”.

Buổi tọa đàm đã đưa ra vấn đề lớn và ý nghĩa, nhưng các ý kiến lại rời rạc, không tạo được sự trao đổi từ các bên, nên cho tới cuối buổi vẫn không mang lại kết quả gì. Ông Nguyễn Phúc Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL nhận xét: “Không thu được điều gì hay và mới mẻ”. Một số khách mời quan trọng như đại diện lãnh đạo một KDL lớn, các hãng lữ hành, UBND quận, huyện liên quan... đã không đến dự, cho thấy: mạnh nơi nào nơi đó làm, còn việc tập trung cho sự phát triển của các KDL cứ bị bỏ ngõ. 

HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.