.

Quy hoạch resort và môi trường

.

Điều kiện để xây dựng một khu resort là chúng phải gắn liền với thiên nhiên, biệt lập với các khu dân cư và cần nhất là yên tĩnh. Phần lớn các resort có tính khai phá cho các địa phương ven biển miền Trung đều bảo đảm tiêu chí này, nhưng trong cơn lốc xây dựng resort hiện nay, nhiều nơi resort lại bắt đầu chen chúc nhau.

Quy hoạch resort, bài toán vẫn còn bỏ ngỏ

Các resort ở Mũi Né. (Ảnh tư liệu)
Tại Mũi Né, các resort dày đặc bám theo trục đường 709B với lượng khách du lịch chen chúc vào các ngày nghỉ đã khiến khu vực này như là một khu phố resort. Một giám đốc resort ở đây nói với chúng tôi rằng, tình trạng này buộc công ty phải có giải pháp tìm bến mới. Ông nói điều này khi chúng tôi gặp ông đang ngắm nghía khu vực ven biển huyện Bắc Bình (Bình Thuận), một vùng biển đang bị giây thép gai chằng chịt kéo qua trên các đụn cát nhấp nhô đã được người ta tự chia lô để chờ dự án resort…

Tình trạng chạy theo cơn lốc làm du lịch bằng resort khiến các quyết định cấp phép của các địa phương được bung ra vội vã trong khi bài toán tổng thể trong phát triển bền vững chưa được đặt ra, các điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu chưa đáp ứng. Khi hàng loạt resort ra đời và hoạt động dẫn đến thiếu điện, thiếu đường, thiếu các khả năng cung cấp nhu yếu cần thiết. Tại “thủ đô resort” Mũi Né, tình trạng bị cắt điện khiến nhiều resort khó khăn.

Và thế là buộc họ phải tự phát xây dựng các trạm biến áp lớn nhỏ khác nhau, sử dụng nguồn điện tự có với máy phát điện từ 200-400kW. Hệ quả là khi cả khu vực bị cắt điện cùng thời điểm thì “thủ đô resort” không còn không khí yên bình do tiếng nổ của máy phát điện. Trớ trêu thay là mùa hè, mùa nghỉ của du khách cũng trùng hợp với tình trạng thiếu điện thường xuyên?

Theo TS. KTS Lê Trọng Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch thì công tác đầu tư xây dựng, khai thác và kinh doanh resort tại nhiều địa phương đang bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập. Đầu tiên là sự thiếu quy hoạch tổng thể phát triển các vùng, nên đã gây nên hiện tượng lập quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư xây dựng tràn lan tại cùng một khu vực, từ đó xuất hiện các resort có cùng tính chất hoạt động, vừa đơn điệu vừa giống nhau về sản phẩm, làm ảnh hưởng đến tính khả thi và phát triển vững bền của dự án.

Chất lượng quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chi tiết, trong đó các yếu tố sản phẩm, tài nguyên du lịch, thị trường khách, yếu tố kinh tế, xã hội chưa được nhìn nhận, phân tích thấu đáo, nên kéo theo một số dự án thành dự án treo, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và cả địa phương có dự án...

Điều đáng nói là hầu hết các resort chỉ được đầu tư xây dựng với quy mô từ 3 - 20 ha, và thuộc loại hình cụm nhà nghỉ, khách sạn có tính chất du lịch nghỉ dưỡng là chính; các hoạt động vui chơi giải trí, các dịch vụ du lịch cần thiết khác hầu như vắng bóng. Các sản phẩm du lịch chưa được quan tâm đầu tư phát triển, nên còn trùng lặp, đơn điệu, tạo ra sự mất cân đối trong cung - cầu dịch vụ du lịch, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của các hệ thống resort trong cùng tuyến điểm.

Hiểm họa cho môi trường sinh thái

Hầu hết các resort đã đi vào hoạt động ven biển Trung Bộ và Nam Trung Bộ đều có một điểm chung là mật độ xây dựng rất dày. Từ các vệt biển tại Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn đến Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rang, Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu… đều có mật độ xây dựng dày đặc với những khối bê-tông 2-3 tầng của resort được ấn xuống bãi cát dài ven biển. Bức tranh resort Việt Nam hiện nay rất loang lổ.

PGS-TS Đặng Ngọc Dinh, Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển cho biết, trên 100 km bờ biển Quảng Nam có 80 dự án đầu tư vào du lịch, dẫn đến hệ quả là khu vực dọc biển bị “phân lô”. Ông nói: “Hội chứng xây dựng resort là một kiểu khai thác thiên nhiên sấn sổ, mang danh là du lịch sinh thái nhưng thực chất là phá hoại sinh thái”. TS Dinh phân tích: “Ở những bãi biển bình thường, việc xây dựng cơ sở hạ tầng thường không có ảnh hưởng lớn. Song vùng cồn cát là một hệ sinh thái rất nhạy cảm, chỉ một can thiệp nhỏ có thể mang lại hậu họa lớn, như xói mòn, trượt cát, sụt lở và phá hủy cảnh quan”.

Việc xây dựng các khu nhà nghỉ sát biển cũng can thiệp vào chu trình bồi lấp của cát biển ven bờ, đẩy nhanh quá trình hoang mạc hóa, phá hủy môi trường và rút ngắn tuổi thọ công trình. Bờ biển bị xói lở, đất đai sẽ bị hoang mạc hóa trên diện rộng, hủy hoại hệ thống phòng thủ tự nhiên ven biển, đặt vùng duyên hải nước ta trước những thảm họa tự nhiên...

Việc quy hoạch xây dựng resort chỉ đơn thuần là phân lô, xé lẻ bờ biển và chia cho các khu resort thực sự là sự phá hoại tài sản thiên nhiên vô giá. Mũi Né là một bài học đắt giá. Đà Nẵng cũng vậy, phố và resort chen lấn dọc biển khiến biển không còn trong tầm mắt của con người. Nguy hại nhất là việc chặt phá cây rừng để san lấp mặt bằng hoặc tạo dựng cảnh quan cho các resort sẽ để lộ ra những vùng cát yếu trước sức tấn công của gió, dẫn đến hiện tượng cát bay. Những chỗ trống đó cũng trở nên bất ổn hơn, có thể sụt lở bất cứ lúc nào do thổ nhưỡng không ổn định.

Tại Mũi Né, “thủ đô resort” đang hứng chịu hiểm họa môi trường bị ô nhiễm. Rác của ngư dân Việt Nam và cả ngư dân các nước lân cận đã thải xuống biển theo các dòng hải lưu mang lên bờ, rác và nước thải chưa qua xử lý từ 50% các resort, các nhà hàng phục vụ du khách đổ thẳng ra biển đang khiến môi trường biển vốn thanh khiết giờ đã thay đổi. Nguồn nước ngầm tại đây cũng có nguy cơ bị ô nhiễm từ các hầm nước thải. Và hầu hết các resort đều sử dụng nước giếng khoan tại chỗ, dẫn đến hệ thống nước ngầm bị phá vỡ !

Trong khi thị trường nội địa đã có dấu hiệu cạnh tranh gay gắt thì sự bùng nổ không kiểm soát về xây dựng resort vẫn tiếp tục diễn ra… Những hệ lụy của sự phát triển không bền vững đã lộ diện. Nhưng ý thức sự hệ lụy này vẫn còn rong ruổi đâu đó với lời tán dương của tác giả Danross trên Bangkok Post rằng: “Resort Việt Nam sẽ là đối thủ đáng gờm đối với các quốc gia khu vực ASEAN”.

LÊ QUANG ĐỨC

;
.
.
.
.
.