.
Phát triển du lịch gắn với sinh hoạt văn hóa Cơtu

Chờ người xắn tay áo

.

Làm du lịch gắn với sinh hoạt văn hóa của người dân tộc thiểu số đã không còn là chuyện lạ. Riêng ở Đà Nẵng, hình thái này mới được những người làm du lịch nhen nhóm lên, với mong muốn tạo ra sản phẩm hấp dẫn, phụ trợ cho du lịch biển, đảo. Tuy nhiên, ý tưởng cũng sẽ mãi nằm trong... đầu, khi những cơ quan hữu quan vẫn còn chưa sẵn sàng xắn tay áo.

Đà Nẵng hiện có 3 nơi có người dân tộc Cơtu sinh sống đều thuộc huyện Hòa Vang: Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), Phú Túc (xã Hòa Phú).

Du lịch bản địa, tại sao không?

Vũ điệu Tung tung ya yá và nếp sinh hoạt của người Cơtu là những điều mà du khách muốn tìm hiểu.

“Hình thái du lịch này đã nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế của huyện Hòa Vang từ năm 2007, nhưng vẫn chưa thực hiện được vì kinh phí không có”, ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang cho hay. Ý kiến từ nhiều đơn vị lữ hành cho thấy, trong khi Đà Nẵng mãi loay hoay đi tìm sản phẩm, thì du lịch kết hợp với văn hóa Cơtu sẽ là lời “tung hô” hấp dẫn khi lữ hành chào bán tour cho khách.

Ông Vương Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phương Đông Việt nhận xét: “Khách du lịch đã quá quen thuộc với biển Đà Nẵng, nên cần phải có một điểm nhấn ấn tượng khi họ rời thành phố, đó là du lịch bản địa. Chúng tôi đưa khách đi Sapa, chủ yếu người ta cũng chỉ muốn xem người dân tộc thiểu số ăn ở thế nào, sinh hoạt thế nào”. Trên thực tế, Trưởng thôn Phú Túc Đinh Văn Nhom và Già làng thôn Giàn Bí Bùi Văn Cầm đều cho hay, trong mỗi tháng, mỗi thôn thường có 2-3 đoàn khách, chủ yếu là người nước ngoài đến tham quan. Ông Nhom còn khoe: “Họ (du khách – P.V) thấy áo quần dân tộc mình, họ thích lắm!”.

Vì vậy, theo ông Dũng, khi nhu cầu khách không thiếu, ngành du lịch có thể khai thác lợi thế là khoảng cách rất gần từ các bản làng Cơtu đến trung tâm thành phố (từ 25-35km), để đưa xe khách đi về nhanh. 

Người dân, chính quyền huyện Hòa Vang, các hãng lữ hành, ngành du lịch đều thấy rõ lợi ích mà người dân 3 vùng trên được hưởng nếu phát triển du lịch. Ông Nguyễn Thúc Dũng chắc chắn: “Du lịch sẽ giúp tạo công ăn việc làm cho dân, phát triển kinh tế cho cả huyện”.

Bảo tồn văn hóa: cơ sở để phát triển du lịch

Bà Trần Thị Liên, thôn Phú Túc (Hòa Phú, Hòa Vang): “Người nước ngoài ghé qua đây chơi, thấy quần áo ni thích lắm!”.

Theo ông Nguyễn Thúc Dũng, việc phát triển du lịch ở cộng đồng Cơtu không những không làm phá vỡ không gian cũ, mà còn tạo điều kiện để văn hóa truyền thống tiếp tục được giữ gìn lâu dài, bền vững. Bởi: “Du khách càng mong muốn tìm về những gì xưa cũ, dân sẽ càng ra sức làm cho không gian sống của mình hợp với ý nguyện đó. Như vậy, bản sắc văn hóa Cơtu sẽ càng được phát huy”, ông Dũng giải thích.

Thực tế, trong nhiều năm qua, những người đứng đầu thôn làng đã và đang giữ truyền thống thông qua việc khuyến khích lớp trẻ tập múa hát, chơi nhạc cụ và mặc đồ của dân tộc mình. Thôn nào cũng có hẳn một đội văn nghệ từ 12-20 người, mỗi năm đôi ba lần tập hợp lại cùng múa điệu Tung tung ya yá, thổi kèn, đánh trống...

Nói đến việc làm du lịch ở làng mình, những già làng, trưởng thôn đều tỏ ra hứng khởi. “Nếu xã giới thiệu khách du lịch tới, chúng tôi sẽ sắp đặt nhà Gươl, chiêng, trống, nấu rượu...”, ông Trương Văn Nhơi, Già làng thôn Tà Lang nói. Ông Bùi Văn Cầm cũng vui vẻ: “Du lịch làm cho bà con phấn khởi, giữ được phong trào”.

Chờ người xắn tay áo

Lộ trình du lịch đã được những người quan tâm đến loại hình này vạch ra. Bà Dương Thị Thơ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch) đưa ra lộ trình kết nối Khu du lịch (KDL) Suối Hoa (kết hợp thăm làng Cơtu Phú Túc) – KDL Thọ Yên (kết hợp thăm làng Cơtu Tà Lang – Giàn Bí) – Bà Nà. Ông Nguyễn Thúc Dũng đề xuất phương án:
 
Đình làng Túy Loan – Khu căn cứ Huyện ủy Hòa Vang – KDL Suối Hoa – làng Cơtu Phú Túc. Về phía lữ hành, ông Vương Văn Dũng đề nghị chọn ngày lễ hội lớn nhất của người Cơtu và tổ chức sự kiện hoành tráng, để các hãng lữ hành đưa vào chương trình quảng bá ấn định cho du khách. Bà Dương Thị Thơ cũng đưa ý kiến: Dựng nên những ngôi nhà sàn Cơtu theo kiểu truyền thống, để người Cơtu sinh hoạt tại đó, giúp du khách có thể tìm hiểu văn hóa bản địa và cùng tham gia múa hát, uống rượu cần...

Để ý tưởng về loại hình du lịch này thành hiện thực, bà Thơ cho biết: “UBND huyện Hòa Vang cần hết lòng hỗ trợ về trang phục, giới thiệu lịch sử, huấn luyện đội văn nghệ... Nếu UBND thành phố có chủ trương, chúng tôi sẵn sàng làm đề án, phối hợp với huyện Hòa Vang thực hiện ý tưởng”. Ông Vương Văn Dũng cho hay, các hãng lữ hành sẽ ủng hộ bằng việc quảng bá sản phẩm với tất cả phương tiện có thể, mang nguồn khách về cho các làng du lịch.

Bà Dương Thị Thơ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch):

Phải cùng xắn tay áo

UBND thành phố cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, quy hoạch tổng thể để nhà đầu tư yên tâm, mở rộng đường sá dẫn vào các thôn Cơtu. Sở VH-TT&DL sẽ lập đề án phát triển du lịch về phía Tây gắn với huyện Hòa Vang, cùng huyện này và những nhà làm du lịch có tâm huyết tham gia. Nhà đầu tư phải mạnh về tiềm lực kinh tế, có quy hoạch chi tiết và kế hoạch phát triển du lịch lâu dài, bền vững.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang:

Huyện giơ hai tay ủng hộ

Nếu được, chúng tôi hết lòng ủng hộ chủ trương phát triển du lịch gắn với văn hóa bản địa. Song, kinh phí sẽ rất lớn, chúng tôi không thể tự đứng ra làm du lịch. Chúng tôi chỉ có thể quản lý, tham mưu cho ngành du lịch về việc nên hoạt động thế nào, phục vụ cái gì ở các thôn làng. Cái chính là UBND thành phố phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng như điện, đường... vào các thôn trên.



Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.