.

Vàng son một thuở

.

Những làng ven đô Thăng Long - Hà Nội xưa, mỗi làng có một nét nổi tiếng riêng. Làng Nghĩa Đô đã tồn tại trên 300 năm một nghề đặc biệt mà dân thường hiếm khi nhìn thấy. Đó là nghề làm giấy sắc phong do chính nhà vua đặt hàng. Đây là loại giấy đặc biệt dùng để phong cấp, tưởng thưởng, phong phẩm trật thần linh…

Những hình ảnh về nghề làm giấy ngày xưa tại Hà Nội. Ảnh tư liệu

Những vị công hầu được nhận phong sắc của triều đình là một vinh dự lớn. Việc đón nhận sắc phong cũng trải qua những nghi lễ trang trọng, nghiêm túc. Nghề này cũng chỉ được giao riêng cho một dòng họ: họ Lại. Đó quả thật là một nghề đặc sắc của Nghĩa Đô, một làng cổ nép mình bên dòng sông Tô Lịch hiền hòa, phía Tây thành Thăng Long xưa.

Tiếng đồn con gái Nghĩa Đô

Quanh năm làm giấy cho vua được nhờ…

Giấy sắc phong là loại giấy đẹp, bền, chịu đựng được những biến đổi khí hậu nắng mưa. Một mặt giấy vẽ rồng có hình con triện, và mặt sau vẽ linh vật. Giấy đẹp bởi nét vẽ tinh hoa. Những con Rồng mềm mại uốn lượn, linh vật bề thế, uy nghiêm chìm lặn vào tờ giấy. Giấy quý bởi sau tất cả công đoạn tinh xảo, được phủ một lớp vàng quỳ, óng ánh, sang trọng.

Nói về công phu tạo giấy phong sắc, trong làng hiện nay chỉ còn một vài cụ dòng họ Lại là còn nhớ được và cảm hết cái kỳ công của người dân tạo nên sản phẩm thủ công có một không hai này ở đất Thăng Long.

Giấy sắc phong được làm từ cây dó, nhưng nghe đâu phải là cây dó vùng Lâm Thao, Phú Thọ. Nguyên liệu mang về đem ngâm trong nước cho rã, sau đó ngâm sang bể nước vôi. Khi đến độ cần thiết, người ta vớt dó, bóc tách ra phần vỏ nâu, lõi trắng. Chính phần lõi trắng này là nguyên liệu thực sự tạo nên bột. Loại khỏi tạp phẩm trong lõi dó rồi ngâm qua nước phèn, đãi và giã kỹ. Tiếp theo là xeo giấy. Để giấy dai, bóng, người ta phải ghè đều trên mặt giấy.

Người thợ trải rộng giấy lên mặt đá phẳng và nện chày đều tay. Khi nghe tiếng chày đanh, chắc là được. Sau khi ghè xong, giấy được phết một lớp keo da trâu mỏng lên mặt tờ giấy. Đến đây, giấy được nhuộm bằng nước hoàng liên, tạo màu vàng tươi, sang trọng. Trong công phu tạo giấy đặc biệt này, vẽ hình thể hiện rõ rệt bậc nhất nét tài hoa của người nghệ nhân. Mặt giấy có in hình con triện được các nghệ nhân vẽ Rồng. Còn mặt kia, để tạo nét uy nghiêm cho việc phong sắc, nhà vua quy định vẽ linh vật để phù yểm.

Nhưng giấy phong sắc cũng có nhiều loại, dành cho đẳng cấp khác nhau trong hàng bá quan, bách thần. Đệ nhất cấp, giấy sắc phong phải vẽ đủ 8 con Rồng nhỏ chung quanh, một con Rồng lớn ẩn trong mây, gọi là long ám. Phía sau vẽ tứ linh Long, Li Quy, Phượng. Đệ nhì cấp, chỉ một Rồng lớn giữa mặt giấy. Phía sau, thay vì tứ linh, chỉ còn hai linh vật, v.v...

Bây giờ tới Nghĩa Đô, dấu tích nghề giấy sắc còn lại chẳng là bao. Những thợ giỏi hầu hết qua đời. Chi họ Lại đông người hơn ngày xưa gấp nhiều lần mà chỉ còn lại vài vị cao niên biết làm giấy sắc.

Những nhà chuyên nghiên cứu văn hóa cổ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đánh giá rất cao giá trị của giấy sắc phong, đặc biệt là độ bền của giấy, nét vẽ tinh hoa của các bậc nghệ nhân Việt xưa. Họ muốn được mua lại bản quyền nghề giấy sắc phong này.

Kính Hiền

;
.
.
.
.
.