.

Đi nước ngoài - không phải chỉ để thấy và biết

Khi đất nước ta bước vào thời kỳ mở cửa và hội nhập, bên cạnh việc “mở cửa” đón nhận nhiều đối tác nước ngoài đến làm ăn, tham quan du lịch vào Việt Nam thì việc “mở cửa” để giao lưu, quan hệ, hợp tác giữa nước ta và thế giới cũng ngày càng là nhu cầu bức thiết, vì mục tiêu phát triển. Không đề cập đến xuất ngoại vì mục đích du lịch, du học, khám chữa bệnh, v.v… thì chuyện xuất ngoại với mục đích học hỏi kinh nghiệm, trao đổi hợp tác trên nhiều lĩnh vực, v.v… giờ đây đã trở nên khá phổ biến.

Liên quan đến những chuyến xuất ngoại đó, có một đối tượng không nhỏ là các cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước. So với trước đây, càng ngày, việc đi nước ngoài của cán bộ, công chức càng dễ dàng, thuận lợi hơn, nhất là khi có đối tác nước ngoài mời đích danh và đài thọ kinh phí. Ở đây, xin đề cập đến chất lượng của những chuyến xuất ngoại. Cho dù việc đi nước ngoài được phía đối tác đài thọ hay ngân sách bỏ ra thì kết quả của những chuyến đi đó phải đạt được mục tiêu phục vụ cho việc nâng cao kiến thức, góp phần cho sự phát triển hội nhập của thành phố nói riêng và đất nước nói chung.

Có một tình trạng khá phổ biến là, trong các quyết định nào của UBND thành phố về việc cử cán bộ đi nước ngoài đều có ghi: “Sau khi hoàn thành chuyến công tác, phải có báo cáo kết quả cho cơ quan và UBND thành phố”. Thế nhưng, những bản báo cáo thuộc dạng này lại rất hiếm gặp sau khi hoàn tất chuyến đi và cũng chưa có quy định thời gian để nộp báo cáo, nộp cho ai… Kết quả thu được sau mỗi chuyến xuất ngoại, không ít thì nhiều, đều có giá trị ít thì tham khảo, nhiều thì ứng dụng vào thực tế của thành phố.

Quan trọng hơn nữa là việc áp dụng điều đã học được cũng như những bài học kinh nghiệm, những phương pháp hay của nước bạn vào thực tế của thành phố, được bao nhiêu phần trăm, thể hiện ở những công trình, lĩnh vực nào, v.v… Cũng cần tham khảo chuyện một địa phương của nước láng giềng Trung Quốc. Ở đó, chính quyền có quy định là cán bộ đi công tác nước ngoài về phải có bài viết gửi đăng báo về những gì thu hoạch được sau chuyến đi ấy. Còn ở ta, khách quan mà nói là vẫn còn tình trạng chưa chú trọng đến việc khai thác “tiềm năng” này.

Bên cạnh những tồn tại, bất cập đã nêu, cũng đã có những chuyến xuất ngoại có chất lượng như chuyến đi của đoàn công tác liên ngành của thành phố đến Busan (Hàn Quốc) để tìm hiểu về cách quản lý, quy hoạch bãi biển, đường ven biển, đã được từng bước áp dụng ở tuyến đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc. Và mới đây là chuyến đi Singapore của thành phố có Công ty Cây xanh và Công ty Công viên, Viện Quy hoạch xây dựng… do một lãnh đạo của UBND thành phố dẫn đầu, đã thu được nhiều điều bổ ích và bản thu hoạch được báo cáo cho lãnh đạo thành phố không lâu sau khi hoàn tất chuyến đi, phục vụ thiết thực và kịp thời cho Đề án Thành phố môi trường và Đề án Cây xanh đô thị của thành phố…

Đà Nẵng đang phát triển đi lên, rất cần học hỏi kinh nghiệm, những cách làm hay cũng như những bài học rút ra, không những của các địa phương bạn trong nước mà còn ở ngoài nước. Tất cả là vì mục tiêu xây dựng thành phố quê hương ngày càng đẹp hơn, hiện đại và văn minh hơn. Kinh phí Nhà nước bỏ ra cho những chuyến xuất ngoại không phải là nhỏ, nên nó phải đáng “đồng tiền bát gạo” và không phụ lòng mong mỏi của chính quyền và nhân dân thành phố.
 
Trách nhiệm của những cán bộ, công chức được cử đi nước ngoài cần phải được thể hiện bằng những việc làm, kết quả cụ thể, có như vậy việc xuất ngoại mới thể hiện được ý nghĩa, vai trò quan trọng trong bước phát triển của thành phố. Vấn đề báo cáo kết quả sau những chuyến công cán nước ngoài của cán bộ, công chức rất cần được các cấp có thẩm quyền quan tâm một cách nghiêm túc, từ đó hy vọng mới cụ thể hóa một cách hiệu quả các chính sách liên quan đến hội nhập, mở cửa của Đảng và Nhà nước ta và trên hết là góp phần để có một Đà Nẵng ngày càng lớn mạnh, không “thua chị kém em”.

Dân Hùng

;
.
.
.
.
.