.

Kinh doanh khách sạn nhỏ chưa hiệu quả

.

Trong những năm gần đây, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các khách sạn (KS) nhỏ (hay còn gọi là KS mini) đã phát triển mạnh về số lượng. Đi khắp các đường phố của Đà Nẵng, từ những đường lớn đến đường nhỏ, thậm chí cả các đường kiệt, ngõ hẻm đều thấy bảng “khách sạn” hoặc “hotel”. Vì sao loại hình kinh doanh này lại thu hút đông người đầu tư đến vậy? 

Hiệu quả kinh doanh khách sạn mini chưa cao. (Ảnh minh họa)

Thực tế với số vốn không lớn lắm, lại sẵn có đất với giá không quá cao, cùng với số tiền đầu tư tương đương tiền đất nữa là có thể xây dựng một KS mini khoảng 10-15 phòng, cũng là bất động sản, giá trị khấu hao không bao nhiêu. Mới thoạt nhìn tưởng rất dễ kinh doanh, nhưng thực tế không phải vậy. Chúng ta hãy cùng xem xét qua các số liệu thực tế.         

Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 148 KS đang hoạt động, trong đó các KS từ 20 phòng trở xuống có 91 KS (chiếm tỷ lệ gần 2/3 số lượng KS trên địa bàn), tuy nhiên số phòng của các KS này khoảng 1.330 phòng, chỉ chiếm trên một phần tư số lượng phòng KS toàn thành phố. Năm 2008, tổng doanh thu của tất cả các KS này đạt khoảng 40 tỷ đồng, chiếm 7,4% so với tổng doanh thu của tất cả các KS trên địa bàn, tức là trung bình mỗi KS doanh thu chỉ đạt khoảng từ 400 đến 450 triệu đồng mỗi năm. Điều đó chứng tỏ các KS nhỏ hiệu quả kinh doanh rất thấp.  

Các KS mini hầu như không có chiến lược khai thác thị trường cụ thể, phần lớn đều là ngồi chờ khách đến, hoặc phải giảm giá thật thấp để thu hút khách. Khách du lịch đi theo tour của các công ty lữ hành thường lưu trú ở các KS loại trung hoặc loại lớn (từ 30 phòng trở lên), còn các KS mini rất ít khi được các công ty lữ hành gửi khách. Việc giảm giá của các KS nhỏ đã gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh KS chung của thành phố, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các KS khác.

Mặt khác, đội ngũ nhân viên phục vụ của các KS này thường là người trong gia đình, vừa lễ tân kiêm phục vụ buồng, một số ít được tuyển dụng với mức lương rất thấp: từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/tháng. Hầu như các nhân viên không được đào tạo về nghiệp vụ KS, hoặc chỉ đào tạo các lớp ngắn ngày, do đó chất lượng phục vụ kém.

Trong khi đó, để đầu tư xây dựng một KS mini, trung bình chủ doanh nghiệp phải bỏ ra một số vốn khoảng 3 - 5 tỷ đồng. Nhiều chủ KS phải vay ngân hàng với lãi suất hằng tháng tính ra hàng chục triệu đồng, trong khi với doanh thu trung bình chỉ từ 35 – 40 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể các chi phí nhân công, điện nước không phải nhỏ. Cho nên nếu không khai thác được nguồn khách ổn định quanh năm, các KS nhỏ thường chịu lỗ.

Trong khi đó, du lịch là ngành kinh doanh theo thời vụ, có những thời điểm không đủ phòng như dịp thi Bắn pháo hoa quốc tế, dịp hè với các KS ven biển…, nhưng phần lớn thời gian khác trong năm, công suất buồng phòng các KS nhỏ này chỉ từ 20 - 30%, thậm chí trong mùa mưa, mùa đông có khi chỉ đạt chưa đầy 10%. Do đó, đối với các KS vay vốn ngân hàng thường là thua lỗ. Thực tế một số KS nhỏ đã phải nghỉ kinh doanh hoặc chuyển sang nhà trọ, như khách sạn Hải An, Hoàng Ngọc, Khánh Long …       
              
Thông qua bài viết này, chúng tôi muốn khuyến cáo các nhà đầu tư nếu có dự định xây dựng các KS nhỏ hãy cân nhắc kỹ, bởi vì hiệu quả của nó thực sự không tương xứng với lượng vốn bỏ ra.

Bài và ảnh: HOÀNG NGỌC

;
.
.
.
.
.