.

Quà lưu niệm gì cho khách du lịch?

Tôi thật sự lúng túng mỗi khi có một người bạn nào đó đề nghị mua hộ một ít quà lưu niệm của Đà Nẵng cho người thân, bạn bè, bởi ngoài một số sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước nổi tiếng ra, hầu như không mua được mặt hàng khác mang đậm dấu ấn Đà Nẵng. 

Sản xuất các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch là ngành công nghiệp đã được các nước có ngành du lịch phát triển coi trọng từ lâu, bởi khoản lợi nhuận từ việc bán hàng lưu niệm chiếm một tỷ trọng lớn trong ngành du lịch, đồng thời, ngành công nghiệp sản xuất hàng lưu niệm cũng giải quyết được lượng lao động đáng kể.
 
Việc tổ chức bán hàng lưu niệm cho khách du lịch cũng rất bài bản. Khách du lịch có thể mua các mặt hàng này ngay tại khách sạn họ ở, nếu không có thời gian đi dạo, hoặc không thông thuộc đường sá. Tóm lại là rất tiện lợi và các dịch vụ đi kèm phong phú, làm vừa lòng khách, đôi khi mua với số lượng lớn còn được giảm giá.

Với lượng du khách đến Đà Nẵng khoảng gần 1 triệu lượt người/năm, cho thấy nhu cầu mua quà lưu niệm khá lớn. Nhưng làm thế nào để có sản phẩm lưu niệm độc đáo? Đầu tiên là cần phải có một tư duy mới về hàng lưu niệm. Đơn cử, với công nghệ và khả năng tài chính của chúng ta còn hạn chế, nhưng hoàn toàn có thể tổ chức một cơ sở sản xuất với công suất vừa phải để sản xuất ra một mặt hàng như chiếc móc chìa khóa có hình cầu quay Sông Hàn chẳng hạn, với giá cả hợp lý mà một người có thể mua được nhiều sản phẩm một lúc.

Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích, ưu tiên cho các cơ sở sản xuất những sản phẩm góp phần quảng bá được hình ảnh của Đà Nẵng, hoặc các thế mạnh tiềm năng của thành phố. Cần có sự phối hợp giữa nhà sản xuất với các công ty du lịch, các khách sạn để quảng bá và bày bán sản phẩm. Thực tế tại Đà Nẵng rất ít các khách sạn bán quà lưu niệm, nếu có cũng chỉ là cho thuê mặt bằng. Nhưng ngay cả các khách sạn có các quầy bán hàng lưu niệm thì sản phẩm cũng rất nghèo nàn, chủ yếu vẫn là đá mỹ nghệ Non Nước với giá khá đắt.

Một hướng dẫn viên du lịch cho biết, khó khăn lớn nhất thường gặp phải là khi khách yêu cầu dẫn đi mua hàng lưu niệm, nhất là đối với những người đã đến Đà Nẵng, hoặc ít ra cũng một lần mua sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước về làm quà rồi. Do vậy, cách tốt nhất là đưa khách vào các siêu thị, các chợ, nhưng đối với khách nước ngoài vốn “dị ứng” với các chợ Việt Nam, nên hầu như rất khó khăn.

Những năm gần đây, thành phố và ngành du lịch cũng đã làm rất nhiều việc để thu hút khách đến Đà Nẵng, nhất là cuộc thi Bắn pháo hoa quốc tế hằng năm. Song việc làm này mới chỉ được một nửa của sự phát triển du lịch là mời được khách đến, nhưng việc giữ được khách và “buộc” khách chi tiêu còn quan trọng hơn. Ngành Công thương và các ngành chức năng của thành phố cần có sự rà soát, đánh giá lại các cơ sở công nghiệp có khả năng để có định hướng sản xuất hàng lưu niệm trên cơ sở thế mạnh của thành phố.

Đức Thịnh

;
.
.
.
.
.