.

Ra khơi câu cá cùng ngư dân

.

(ĐNĐT) - “Tour độc” này nằm trong chương trình du lịch "Đà Nẵng – Điểm hẹn mùa hè 2009", do Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cùng 5 hãng lữ hành tổ chức. Lần đầu tiên thử nghiệm, hình thức du lịch này đã hút khách chính từ cái tên nghe rất “kêu”, cùng lời quảng cáo của các ngư dân kiêm hướng dẫn viên: “Cá nhiều lắm, câu xong nướng lên thưởng thức ngay, thiệt là quá đã”.

Những ngư dân nghiệp dư

Chuyến ra khơi “mở hàng” của “tour câu cá cùng ngư dân” trễ 30 phút so với lịch trình, mặt trời đã lên cao hứa hẹn một ngày nắng nóng. Chiếc ca nô 7 chỗ phải chạy 3 vòng mới chở hết khách ra tàu lớn đang đợi ngoài xa, một vài du khách đã hơi chuếnh choáng từ những phút lướt sóng đầu tiên. Trước mạn thuyền, biển mở ra bao la và lấp lánh ánh bạc.

Chuẩn bị cần câu.

8 phút sau khi rời cầu tàu, ca nô chở những người đi câu tấp vào một chiếc tàu đánh cá loại nhỏ mang biển số 27051 của ngư dân Mai Năm. Giữa lỉnh kỉnh những dây nhợ, áo phao, xô chậu, mùi khét của xăng dầu, mùi tanh nồng của cá sộc lên đậm đặc, ai nấy trong đoàn đều thấy nôn nao khi cảm nhận rõ hương vị của một chuyến ra khơi thực thụ.

90% du khách của chuyến đi là các “quý ông”, với đầy đủ những túi đồ nghề câu cá “xịn’ nhất. Ngay khi vừa kiếm được chỗ ngồi lý tưởng hai bên thành tàu, họ đã nhanh chóng mang cần câu ra sửa soạn, háo hức thả xuống “bụng biển”, và chờ đợi những chú cá đầu tiên cắn câu.

Chưa đầy nửa giờ đồng hồ lênh đênh trên sóng nước, tàu thả neo ở vị trí cách bán đảo Sơn Trà chừng 2 hải lý, được định vị là có nhiều cá. Tuy nhiên, ông Năm chủ tàu lại tỏ ra lo lắng: “Câu cá phải đi từ sáng sớm, khi mặt trời vừa ló dạng, đi trễ thế này sợ không có cá mà câu”.

Không nản lòng, mỗi du khách vẫn tập trung cao độ vào chiếc cần của mình, chờ đợi những động tĩnh nhỏ nhất.  “Không có nhiều thì cũng có ít chứ, được ngồi giữa biển với cần câu trên trên tay thế này đã thấy sướng lắm rồi”, một người trong đoàn hào hứng nói.

Cá đã cắn câu.

Sau 10 phút tàu thả neo, những chiến lợi phẩm đầu tiên lần lượt cắn câu, không có cá Mú, cá Đỏ, cá Sơn như mong đợi, tuy nhiên những con cá nục, cá hanh tươi ngon, quẫy đạp dưới ánh nắng lấp lánh cũng đủ làm nức lòng du khách.

Vậy là bữa trưa không thể đủ đầy, thịnh soạn với mẻ cá ít ỏi, và những cái bụng đói meo, cồn cào vì sóng biển. Mọi người hẹn nhau một chuyến ra khơi sớm sủa và  “bài bản” hơn. “Hôm đó ta sẽ có thực đơn cá 7 món”, chủ tàu hồ hởi mời gọi.

Sản phẩm du lịch biển Đà Nẵng?

Thật ra, hình thức du lịch này đã khá phổ biến ở một số tỉnh, thành ven biển, nổi trội là “tour làm ngư dân" đang rất lôi cuốn khách quốc tế tại Hội An mang thương hiệu Eco-tour với nhiều dịch vụ hấp dẫn. Song, đây lại là lần đầu nó được thử nghiệm trong chương trình du lịch của Đà Nẵng. 

Ông Hồ Văn Ánh, Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết: “Ý tưởng tổ chức tour câu cá cùng ngư dân xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận khách du lịch địa phương. Nhiều người dân phố biển rất đam mê câu cá, nhưng lại không có phương tiện để ra khơi, chính vì vậy họ đã rất ủng hộ khi tour du lịch mới này ra đời”.

Ông Ánh nói tiếp: “Nhiều khách du lịch khi đến Đà Nẵng chỉ biết tắm biển gần bờ và thưởng thức hải sản, trong khi hình thức du lịch biển Đà Nẵng lại có rất nhiều điều kiện để mở rộng và phát triển phong phú hơn. Các tour “Vòng quanh bán đảo”, “Lặn biển ngắm san hô”, “Câu cá và đánh cá cùng ngư dân ban đêm”, “Khám phá Sơn Trà” trong chương trình "Đà Nẵng – Điểm hẹn mùa hè" năm nay sẽ bước đầu giúp du khách khám phá trọn vẹn hơn vẻ đẹp của biển đảo Đà Nẵng”.

Du khách lẫn ngư dân đều hứng thú với tour mởi mẻ này.


“Tuy là lần đầu tiên thử nghiệm, song các thiết bị, phương tiện được chuẩn bị rất chu đáo, mình vô cùng thích thú với chuyến đi câu này, chỉ tiếc là chưa câu được cá to”, anh Thái, một du khách đến từ Đà Nẵng.


Lần đầu tiên thử nghiệm, Ban quản lý chương trình chỉ huy động 2 chiếc tàu của ngư dân để phục vụ đưa khách ra khơi câu cá. Ông Mai Năm, một chủ tàu, cho biết, ông được trả 700 nghìn đồng cho một chuyến chở khách trọn gói, trong đó bao gồm các dịch vụ như hướng dẫn khách cách câu cá, chế biến bữa ăn tại chỗ… Trong khi đó, một ngày hoạt động đánh bắt gần bờ, ông thu được từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, nhưng không ổn định.

Ông Năm khá hứng thú với chương trình du lịch mới mẻ này, bởi “làm việc này có thu nhập ổn định mà lại vui, vì có nhiều bạn cùng ra khơi”. Ông cũng cho biết, trước đây, khi chưa có dịch vụ này, thỉnh thoảng cũng có một nhóm người đến hỏi thuê ông lái tàu để ra biển câu cá, nhưng vì sợ không đảm bảo độ an toàn, ông đành từ chối. "Nhưng giờ có mấy chú bên du lịch trang bị áo phao và nhân viên cứu hộ đầy đủ thì tôi rất sẵn sàng”, ông Năm nói.

Đi cùng chuyến “ra khơi” đầu tiên còn có một phụ nữ hiếm hoi đến từ Công ty du lịch Công đoàn Đà Nẵng, chị Phạm Thị Vân Anh tham gia chuyến đi với mục đích khảo sát tính khả thi của tour du lịch mới này, nhằm quảng bá rộng rãi cho du khách. 

Chị Vân Anh đưa ra những nhận định ban đầu: “Tour này chỉ thật sự hút khách nếu người đi câu thả cần xuống và câu được cá, vì vậy Ban quản lý chương trình cần có những điều chỉnh thời gian phù hợp hơn để thuận lợi cho việc câu cá. Bên cạnh đó, hình thức du lịch này có đối tượng hướng đến khá hẹp, chủ yếu là các du khách ưa mạo hiểm và khám phá. Tuy nhiên, nếu tập trung đầu tư để biến nó thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn của riêng Đà Nẵng, thì chắc hẳn cũng sẽ thu hút được một lượng lớn khách du lịch nội địa và cả quốc tế”.

Anh Thái, một du khách đến từ Đà Nẵng tham gia chuyến đi cũng bày tỏ: “Tuy là lần đầu tiên thử nghiệm, song các thiết bị, phương tiện được chuẩn bị rất chu đáo, mình vô cùng thích thú với chuyến đi câu này, chỉ tiếc là chưa câu được cá to”.

Nhiều du khách bản địa trên tàu còn bày tỏ về ý định thành lập Câu lạc bộ câu cá Đà Nẵng, có đăng ký bản quyền hẳn hoi, thông qua đó, họ vừa được thõa mãn thú vui của mình, vừa có thể làm hướng dẫn viên tình nguyện cho du khách đi câu.

Tất cả đều có thể bắt đầu từ một ý tưởng.

NGUYỆT QUẾ 

;
.
.
.
.
.