.

Du lịch Đà Nẵng: Xoay trở trong mùa cúm

.

Chịu tác động kép từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và dịch cúm A/H1N1, ngành Du lịch thành phố Đà Nẵng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có sự sụt giảm của khách quốc tế. Mặc dù chưa bị ảnh hưởng lớn, nhưng cũng ít nhiều bị “hắt hơi, sổ mũi”, ngành Du lịch thành phố đang xoay trở để thu hút khách. 
                      
Hạn chế tối đa việc hủy tour



Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Giải thích về việc buôn bán ế ẩm trong những tháng qua, chị Nguyễn Ngọc Anh, chủ một quầy hàng kinh doanh quà lưu niệm tại chợ Hàn cho rằng: “Người dân lựa chọn đi du lịch là để được nghỉ ngơi, thư giãn, phục hồi sức khỏe, giờ dịch cúm đang diễn biến phức tạp, liệu có ai bỏ tiền ra để mua
thêm sự lo lắng cho mình, lượng khách du lịch hẳn sẽ còn giảm mạnh trong thời gian đến”.

“Nhận định này đúng ở một khía cạnh, đó là dịch cúm đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của du khách. Trước đây, nếu chỉ do tác động của sự suy thoái kinh tế, các công ty vẫn còn nhiều hình thức lôi kéo khách với những tour khuyến mãi, giá rẻ, song khi dịch cúm A/H1N1 tràn qua, cả những vị khách “khá giả” nhất cũng sẽ ở nhà vì lo lắng cho sức khỏe của mình”, đại diện một chi nhánh công ty du lịch tại miềnTrung nhận xét. Ông Phan Đình Sơn, Giám đốc bộ phận lữ hành quốc tế thuộc Công ty cổ phần Du lịch Đà Nẵng (Danatour) cho biết: 


Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng vừa có ý kiến chỉ đạo về chính sách kích cầu du lịch. Theo đó, đồng ý cho phép một số khách sạn từ 4 sao trở lên được thí điểm phục vụ một số dịch vụ giải trí đến 2 giờ sáng trong thời gian từ nay đến hết năm 2010.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc cho phép doanh nghiệp liên doanh lữ hành quốc tế được đưa khách Việt Nam và người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam đi du lịch nước ngoài.

“Thời gian này là mùa thấp điểm du khách nước ngoài đến miền Trung (mùa cao điểm kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau), do vậy, tuy lượng khách quốc tế của công ty có giảm từ 20-30% trong 6 tháng đầu năm, song chưa thể xác định được tác động rõ rệt của dịch cúm A/H1N1, do đó chưa nên gọi là suy  giảm nặng nề, như vậy sẽ tạo nên một áp lực không đáng có cho hoạt động du lịch”. 

Ông Sơn cũng cho biết, từ khi Việt Nam xuất hiện ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên cho đến nay, công ty
chưa phải nhận đề nghị hủy tour nào, thị trường truyền thống của công ty là du khách Nga vẫn giữ mức đăng ký tour ổn định đến cuối năm. Tương tự, nhiều công ty du lịch cũng tìm mọi cách hạn chế tối đa việc hủy tour, hoặc nếu khách cương quyết thì đành thương lượng hoãn tour, vừa để giữ chân khách, vừa tránh tạo nên một tiền lệ xấu, dẫn đến việc hủy tour dây chuyền. 
      
Đa dạng hóa sản phẩm để vượt khó         


Du khách tham gia tour “Câu cá cùng ngư dân”.

 

Khi số ca dương tính với cúm A/H1N1 tại Việt Nam đang tăng lên từng ngày, trong đó có Đà Nẵng và miền Trung, thì việc mà các công ty du lịch chú tâm nhất hiện nay là đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền về những hoạt động tích cực kiểm soát dịch cúm của Việt Nam để du khách nước ngoài yên tâm.

Ông Bảo Duy Linh, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Du lịch Vietravel tại Đà Nẵng, cho biết: “Ngay từ khi dịch cúm xuất hiện tại Việt Nam, công ty đã triển khai tập huấn cho toàn bộ cán bộ, nhân viên về phương pháp phát hiện, phòng và hỗ trợ du khách khi có triệu chứng mắc cúm A/H1N1”. 

Các công ty du lịch khác cũng khá nhạy bén với nhiều hoạt động nhằm cải thiện tình trạng sụt giảm khách quốc tế. Saigontourist phối hợp với các hãng hàng không quốc tế công bố chương trình hợp tác quảng bá du lịch Việt Nam trên các chuyến bay thông qua các ấn phẩm bằng tiếng Anh phát miễn phí cho hành khách. Cùng chọn “chiêu” ký hợp đồng mua bảo hiểm cúm A/H1N1 cho du khách, Vietravel đưa ra mức bồi thường cao nhất là 75.000 USD/khách cho các tour châu Âu, còn Saigontourist có mức bảo hiểm tối đa là 50.000 USD.

Điểm nhấn trong gói bảo hiểm mà Vietravel tung ra chính là đối tượng khách thụ hưởng không chỉ khu biệt trong phạm vi khách du lịch nước ngoài mà còn cho tất cả khách du lịch trong nước. Đồng quan điểm này, một đại diện của Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam (Vitour) cho biết: “Dù chỉ đi du lịch trong nước,khách nội địa cũng rất cần được củng cố về mặt tâm lý, và đây lại là “thị trường cứu cánh” cho hoạt động của ngành du lịch trong mùa hè này. 

Nếu việc bảo đảm an toàn cho du khách là giải pháp tiền đề, thì việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, giảm giá tour mới là “cần câu” chính để kéo chân du khách, bởi sau dịch cúm, cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn ảnh hưởng rất nặng nề. 
                                         
Chị T.H, một nhân viên của Công ty Du lịch Công đoàn Đà Nẵng cho biết: “Hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đều chọn các tour có lộ trình ngắn, giá rẻ trong hè này, thậm chí phạm vi tham quan không vượt ra khỏi thành phố. Các khu du lịch sinh thái, du lịch biển đang rất hút khách”. Nắm bắt xu hướng đó, các hãng lữ hành của Đà Nẵng đã tập trung triển khai mở rộng nhiều tour du lịch hấp dẫn du khách trong nước.

Tiêu biểu như chương trình du lịch “Khám phá Đà Nẵng” với các tour: chinh phục bán đảo Sơn Trà bằng thuyền, khám phá rừng già, lặn biển ngắm san hô, câu cá cùng ngư dân, tham quan, tắm mát tại suối Hoa, suối Mơ... được nhiều du khách ưa thích.   Việc giảm giá tour, giá phòng, các chương trình khuyến mãi cũng được nhiều hãng lữ hành, khách sạn áp dụng triệt để. Tuy nhiên, theo ông Phan Đình Sơn: “Giá dịch vụ du lịch tại miền Trung vốn đã thấp hơn so với hai đầu là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nay tham gia chương trình kích cầu du lịch, mức giá chỉ có thể giảm trung bình từ 10-15%, khó mà thấp hơn được nữa”.   
      

Trong 6 tháng đầu năm 2009, tổng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng hơn 604 nghìn lượt người, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2008 và đạt 39,4% kế hoạch cả năm, trong đó khách quốc tế gần 150 nghìn lượt, giảm đến 17%.
 
Khách tàu biển và đường bộ tiếp tục giảm theo tỷ lệ lần lượt là 23,3% (gần 15.300 lượt khách) và 35,4% (khoảng 13.500 lượt khách) so với cùng kỳ 2008. Tổng doanh thu chuyên ngành du lịch đạt gần 350 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ 2008.


Bài và ảnh: NGÔ ĐỒNG

;
.
.
.
.
.