(ĐNĐT) - Biển xanh, cát trắng và những món hải sản tươi ngon của biển Đà Nẵng luôn làm say đắm lòng người. Lượng du khách nườm nượp đổ về thành phố trong những ngày qua phần lớn nhờ sức hút của các bãi biển đẹp và thơ mộng này. Song, những dịch vụ đi kèm với các hoạt động du lịch biển vẫn còn thiếu cả về chất và lượng. Điều đó khiến cho mỗi du khách khi trở về, đều có chút trăn trở, vì "thấy tiếc cho Đà Nẵng".
Đẹp thôi chưa đủ
Hải sản tươi ngon làm nên sức hút của biển Đà Nẵng. Ảnh: Ngô Đồng |
Con số hơn 400 lượt du khách đến với những tour du lịch biển mang tính thử nghiệm của Đà Nẵng là một điều đáng mừng, song khi những hoạt động quảng bá sôi nổi đi qua, hoạt động du lịch này lại trở về trang thái hoạt động cầm chừng, dù đây đang là mùa cao điểm du lịch biển.
Ông Bảo Duy Linh, đại diện của Công ty Vietravel tại miền Trung cho biết: “Sau khi tham gia khảo sát các tour mới trên biển Đà Nẵng, chúng cũng đã mạnh dạn bổ sung vào nội dung tour để chào mời khách du lịch, và bước đầu cũng đã thu hút được nhiều đoàn khách tham gia, nhưng trên thực tế, tính chuyên nghiệp và sự liên kết của các hoạt động này chưa cao”.
Một đại diện của Công ty Vitour cũng chia sẻ: “Quả thực, khách du lịch rất thích thú với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, nên thơ và kỳ bí của biển đảo Đà Nẵng, đặc biệt là phong thái dẫn dắt truyền cảm và vốn hiểu biết khá sâu sắc của các hướng dẫn viên du lịch, thật tiếc là những dịch vụ đi kèm còn rất non yếu, làm giảm đi một nửa độ hấp dẫn của các tour này”.
Cụ thể, lộ trình khám phá biển đảo được nhiều công ty du lịch lựa chọn là: khởi phát từ bến thuyền công viên biển Phạm Văn Đồng, thuyền sẽ đưa du khách tham quan, ngắm cảnh dọc theo bán đảo Sơn Trà và ra đến điểm xa nhất là mũi chữ U. Tuy nhiên, khi đi hết lộ trình, muốn quay ngược lại cập bến các khu du lịch (KDL) trên bán đảo Sơn Trà như KDL Bãi Bụt, KDL Biển Đông thì lại gặp nhiều khó khăn, trở ngại vì chưa có cầu tàu, khách buộc phải sử dụng phương tiện đơn sơ và khá “phiêu lưu” là thuyền thúng nếu muốn lên bờ nghỉ ngơi.
“Gặp trường hợp khách đông hoặc không ưa mạo hiểm, chúng tôi đành phải tấp vào bãi U, để tạm đáp ứng được nội dung của chuyến tham quan là thưởng ngoạn cả biển và đảo. Tuy nhiên, sau cả buổi lênh đênh trên biển, lại đáp vào một bãi cát còn khá hoang vu, không hề có một dịch vụ giải trí, ăn uống nào, hẳn nhiều du khách sẽ đắn đo khi muốn giới thiệu về chuyến đi này cho những người khác”, ông Linh nói.
Bên cạnh đó, theo đóng góp của một số hướng dẫn viên du lịch, các dịch vụ trên những KDL dọc theo bán đảo Sơn Trà cũng không đa dạng và đáp ứng được nhu cầu mua sắm, vui chơi của du khách, giá đồ ăn thức uống lại khá cao. “Do đó, trước mỗi chuyến đi, chúng tôi phải tư vấn cho khách nên mang theo đầy đủ nước uống bánh mì hoặc những đồ ăn nhanh khác, phòng trường hợp túi tiền của họ”, một nhân viên của công ty Vietravel chia sẻ.
Cho những lần trở lại
Bao giờ mặt biển sẽ sôi động hơn với nhiều trò chơi mới? Ảnh: Ngô Đồng |
Còn nhớ, một trong những lý do để bãi biển Đà Nẵng được Tạp chí kinh tế hàng đầu của Mỹ (Forbes), bình chọn vào một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, là có bờ cát dài và phẳng, ánh nắng và mức sóng phù hợp cho việc chơi các môn thể thao. Thật tiếc là đến thời điểm này, những lợi thế đó vẫn chỉ còn ở dạng tiềm năng.
Và một lời hứa của đại diện Ban quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, rằng sau lễ hội, sẽ thành lập một đội câu cá, câu lạc bộ lướt ván chuyên nghiệp để làm sôi động không gian biển, tạo sân chơi lành mạnh cho người dân địa phương và du khách đến giờ vẫn còn nguyên là một lời hứa, dù rất nhiều bạn trẻ đang háo hức trông đợi sự ra mắt của những câu lạc bộ này.
Trước những trăn trở này, ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng phòng Quản lý du lịch thuộc BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết: “Để nâng cao tính chuyên nghiệp của các hoạt động du lịch trên biển, chúng tôi sẽ xúc tiến việc liên kết với các tàu thuyền của ngư dân nhằm đáp ứng đủ phương tiện đi lại, đồng thời tiến hành cải tạo bãi chữ U thành một điểm dừng chân lý tưởng cho du khách trên cơ sở vẫn giữ nguyên nét hoang sơ của thiên nhiên. Bên cạnh đó, BQL cũng sẽ liên kết chặt chẽ với các nhà hàng ven biển để đảm bảo cũng ứng đầy đủ nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi của khách”.
Ông Hồ Văn Ánh, Trưởng BQL Bán đảo Sơn Trà bổ sung: “Để từng bước quy hoạch bãi biễn thành các không gian riêng, dành cho nhiều hoạt động khác nhau, BQL đã sắp xếp tạo nên các khu hoạt dộng dịch vụ, khu vui chơi thể thao biển, khu hóng mát, khu vui chơi tắm biển và sẽ thông báo cụ thể đến người dân và du khách”.
Khi những thau ốc này vơi đi, cũng là lúc bờ biển sẽ ngập rác. Ảnh: Ngô Đồng |
Đặc biệt, trong những ngày hè, trẻ con của các gia đình ven biển đổ xô ra bán hàng, chỉ cần một chiếc mũ chứa đầy kẹo cao su hay bịch ni lông đựng đậu phộng là có thể len lỏi giữa các vị khách để chào mời, đội tuần tra rất khó phát hiện và ngăn chặn triệt để. Nên chăng thành phố cần có một giải pháp kiên quyết, hợp tình hợp lý hơn. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là ý thức của mỗi người dân đối với môi trường và cảnh quan trên biển.
Chợt nhớ đến một đoạn cảm nghĩ viết về biển Đà Nẵng: “Biển đã đi vào cuộc sống của người dân thành phố này từ sâu trong tiềm thức… Có thể vì thế, con người nơi đây luôn yêu biển, gắn bó với biển bằng một tình yêu rất đặc biệt, một thứ tình yêu được chắt chiu từ muôn triệu hạt nước, sáng lấp lánh và mặn mòi như muối”, và dằn vặt tự hỏi, liệu người dân Đà Nẵng đã thật sự gắn bó và sống tốt, sống có trách nhiệm với biển, để biển có thể hòa cùng một điệu với nhịp sống năng động của thành phố, và luôn là điểm đến hấp dẫn nhất với tất cả du khách.
Trên tuyến bờ biển từ Phạm Văn Đồng đến khu Sao Biển, BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã lắp dựng 8 sẫn bóng chuyền, 5 sân bóng đá tại các vị trí: 1 sân bóng chuyền, 2 sân bóng đá ở phía Bắc công viên biển Phạm Văn Đồng. 1 sân bóng chuyền, 1 sân bóng đá ở phía bắc vòng xoay đường Nguyễn Công Trứ, 5 sân bóng chuyền, 1 sân bóng đá trên bãi biển T20. |
Ngô Đồng