.
ĐẦU TƯ DU LỊCH ĐƯỜNG SÔNG

Hấp dẫn, nhưng khó làm

.

UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch đường sông. Nhiều nhà đầu tư đang hăm hở “nhảy” vào lĩnh vực kinh doanh khá hấp dẫn này, nhưng họ cũng tiên liệu là mạo hiểm...

Dịch vụ trên tàu: “N trong 1”

Theo ông Đặng Hòa, thành phố cần đầu tư khu du lịch phục vụ khách đi sông-biển ở bãi Đá Đen, nơi có di tích Căn cứ Thành ủy Đà Nẵng từ năm 1954-1958.TRONG ẢNH: Đường lên căn cứ Thành ủy Đà Nẵng ở bãi Đá Đen.Ảnh: ĐẶNG HÒA

Qua 10 năm kinh doanh du lịch đường sông tại Đà Nẵng, ông Đặng Hòa, Giám đốc DN Tư nhân Hoàng Giang dự định đóng thêm 2 tàu nhỏ với sức chứa khoảng 20 người để khai thác du lịch trên sông. DN cũng sẽ mua lại tàu đánh cá xa bờ đang nằm bờ, sau đó chỉnh trang thành chiếc tàu lớn có sức chứa từ 50-100 người để chở khách ra biển, thăm thú bán đảo Sơn Trà. Ông Hòa chia sẻ: “Chúng tôi sẽ làm dịch vụ ăn uống, thuyết minh, ca múa nhạc giao lưu thật hấp dẫn, bài bản. Vì nếu làm sơ sài, tàu chỉ hoạt động vài ba tháng là treo tàu”.

Phía Công ty Cổ phần Địa Cầu cũng đang chuẩn bị mô hình đội tàu nhỏ chỉ dành riêng cho đối tượng khách cao cấp (VIP). Tuy nhiên, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và nhiều DN khác cho rằng, nhu cầu vận chuyển ra biển từ du khách còn lớn hơn di chuyển trên sông. Do đó, nhiều DN đề nghị UBND thành phố cần mở rộng chính sách ưu đãi dành cho cả du lịch sông và biển.
 
Trong cuộc họp gần đây với các DN tham gia kinh doanh du lịch đường sông, ông Phùng Tấn Viết, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng đề nghị: “Mỗi DN khi đăng ký kinh doanh, cần xác định cho riêng mình một loại hình cụ thể và khác biệt nhau, tránh sự trùng lắp gây nhàm chán cho du khách”.

Gợi ý của ông Phùng Tấn Viết là DN phải quyết định chọn loại hình và phương thức kinh doanh với các sản phẩm riêng biệt như loại hình ăn uống, tham quan, hoặc ca múa nhạc, hát bội... Về vốn đầu tư, theo đại diện của nhiều ngân hàng thương mại và Quỹ đầu tư phát triển thành phố, DN cần sớm xây dựng đề án kinh doanh cụ thể và có tính khả thi cao.

Lo hành trình và điểm đến

Sau khi nghiên cứu kỹ các chính sách hỗ trợ, nhiều DN đều băn khoăn: Liệu có thể lấy chính tài sản (tàu du lịch) để thế chấp vay vốn hay không? Những DN đã đóng tàu thì được hỗ trợ như thế  nào? Kích thước, kiểu dáng tàu ra sao là phù hợp với mỹ quan và có thể chui lọt các cầu? Riêng ông Đặng Hòa (DN Tư nhân Hoàng Giang) lo lắng: “Khi đội tàu đã hình thành, liệu các điểm đến có đáp ứng nổi nhu cầu của khách du lịch hay không?”.

Theo ông Hòa, hiện nay hầu hết các bãi biển ở khu vực bán đảo Sơn Trà đều đã có chủ, nên thành phố cần có hướng đầu tư đối với các bãi biển khác còn trống như bãi Đá Đen và bãi Bang. “Trên bãi Đá Đen có một di tích lịch sử rất quan trọng là Căn cứ Thành ủy Đà Nẵng từ năm 1954-1958. Chúng ta có thể đưa khách tới bãi biển này nghỉ ngơi, sau đó tổ chức leo núi tham quan di tích trên. Đó chắc chắn sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời”- ông Hòa nói.
 
Một địa chỉ khác được kỳ vọng sông Cổ Cò khi DN có thể đưa khách đi lên Ngũ Hành Sơn dự Lễ hội Quán Thế Âm hằng năm theo kiểu trẩy hội chùa Hương. Do đó, nhiều DN đề nghị nên phá bỏ đập Bờ Quang hoặc tìm cách khơi thông đập để tàu, thuyền có thể qua lại dễ dàng.

An toàn giao thông đường sông cũng là vấn đề làm các DN có tàu du lịch đường sông đang hoạt động và sắp đầu tư lo ngại. “Trong tháng 6, tàu du lịch chúng tôi phải mấy lần chạy vòng tròn để tránh bị tàu khác đâm vào”- đại diện Công ty Cát Tiên Á Châu cũng tỏ ra bức xúc, phân trần thêm: Khi tàu đang đi, thường xuyên gặp phải những ghe, tàu đánh cá không hề có đèn báo hiệu. 

HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.