.

Phát triển đường bay quốc tế duy nhất tại Đà Nẵng: “Đừng là con gà và quả trứng”

.

(ĐNĐT) - Hãng hàng không quốc tế Silk Air, các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng, khu mua sắm vừa nỗ lực tìm tiếng nói chung để thu hút khách, duy trì và phát triển đường bay quốc tế duy nhất tại Đà Nẵng của Silk Air (Đà Nẵng – Singapore – Siem Riep và ngược lại) trong buổi hội nghị do Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng tổ chức ngày 11-8.

Khách sụt giảm vì tần suất bay ít, quy định về đặt chỗ quá “cứng”

Hiện nay chỉ còn duy nhất hãng Silk Air mở đường bay quốc tế trực tiếp đến sân bay Đà Nẵng. Ảnh: Cẩm An

Theo thống kê từ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm nay, khách du lịch đến Đà Nẵng theo đường bay của Silk Air chỉ đạt gần 3.400 lượt, giảm đến 47,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ quí 2 năm nay, Silk Air đã giảm chỉ còn 3 chuyến bay/tuần (trước đây là 4 chuyến/tuần). Sự sụt giảm khách được hãng lý giải: do khủng hoảng kinh tế.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu, theo các đơn vị lữ hành, là vì tần suất chuyến bay của Silk Air tại Đà Nẵng ít và thời gian bay không hợp lý. “Tần suất bay ít không tạo sự thuận tiện cho hành khách có nhu cầu đi lại thường xuyên vào những ngày không có chuyến bay. Chuyến bay ngày thứ 4 có thời gian đến Singapore quá khuya, gây mệt mỏi cho khách, làm cho chương trình giảm chất lượng và điểm tham quan”, bà Nguyễn Thị Cẩm Thanh, đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không miền Trung, cho hay.

Một số quy định của Silk Air về đặt chỗ, đặc cọc, thanh toán và xuất vé đoàn, theo bà Hồ Thị Bích thủy, Phó Giám đốc, Trưởng phòng outbound, Công ty lữ hành Vitours, đã gây khó khăn cho các hãng lữ hành. Vào mùa cao điểm (tháng 6 đến tháng 8), có khi đặt chỗ trước 2, 3 tháng vẫn không có vé. “Silk Air đang áp dụng điều kiện đặt cọc chỗ 1 tháng trước khi khởi hành, và nếu không đi, khách hàng sẽ mất 100% tiền cọc mà không thể chuyển sang đặt chỗ khác”, bà Thủy nói. Bà Thanh cho rằng, các mức vé giá rẻ của Silk Air không được quảng bá rộng rãi, khiến ngay cả bà là người đi Singapore nhiều lần ở nhiều hãng bay khác nhau, vẫn “mù tịt” về thông tin này.

“Đừng là con gà và quả trứng”

Đó là ý kiến được ông Trần Việt Hoàng, Giám đốc siêu thị BigC Đà Nẵng, đưa ra khi ông nhận thấy các bên liên quan hầu như chưa tìm được tiếng nói chung.

Trả lời những thắc mắc của các doanh nghiệp, ông Abdul Rahman Bin Osman, Giám đốc Văn phòng đại diện Silk Air tại Đà Nẵng, cho biết: “Việc đặt chỗ trước một tháng là để đảm bảo chắc chắn khách hàng sẽ đi, nếu tới cận ngày, khách nhả chỗ, chúng tôi không thể bán được. Còn các hãng lữ hành đặt chỗ trước không được là do nhiều khách hàng đã đặt chỗ từ Siem Riep đến Singapore”. Ngoài ra, theo ông Rahman, phí cất, hạ cánh mỗi lần là 500 USD khiến hãng này khó hạ giá vé hơn nữa.

Để tránh việc các bên luần quần với nhau theo kiểu “quả trứng, con gà”, nghĩa là “có khách trước hay phát triển đường bay trước”, ông Hoàng đề nghị: “Hãng Silk Air, các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng, mua sắm phải nhanh chóng đưa ra giải pháp chung, thiết kế các tour trên đường bay Đà Nẵng – Siem Riep – Singapore sao cho khách hàng “thấy là thích liền”. Cùng ý kiến đó, ông Trịnh Bằng Có, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phương Đông Việt khẳng định, khách sạn Phương Đông sẵn sàng giảm giá phòng ngủ để kết hợp với các hãng lữ hành làm giảm giá tour, kéo khách từ Singapore và Siem Riep đến Đà Nẵng.

Với mục đích hỗ trợ cho Silk Air, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, cam đoan: “Chúng tôi sẽ tăng cường kinh phí, cùng lữ hành, khách sạn, nhà hàng phát hành các ấn phẩm quảng bá các chuyến bay, các chương trình khuyến mãi... của Silk Air. Sắp tới, Sở sẽ cùng Silk Air, Cảng hàng không miền Trung ra Trung ương, quyết liệt đề nghị giảm phí dẫn dắt tàu bay từ 500 USD xuống còn 250 USD”. Theo ông Vinh, tất cả phải cùng "xáp" vào, thực hiện các tour trọn gói giá rẻ thì mới mong duy trì và phát triển tốt đường bay quốc tế duy nhất tại Đà Nẵng.

HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.