.

Phục hồi du khách đường bộ

.

(ĐNĐT) - Đó là tiêu chí mà ngành du lịch Việt Nam đặt ra tại hội thảo quốc tế “Phát triển du lịch đường bộ Việt Nam” ngày 7-8, với sự góp mặt của hàng trăm quan chức và doanh nghiệp du lịch bốn nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Khách đường bộ có dấu hiệu chững lại

Theo ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam, khách đường bộ đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2009 suy giảm đáng kể, chỉ bằng 66,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với trên 350.000 lượt. Ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng giám đốc công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam – Vitours, dự đoán trong năm nay, lượng khách này giảm mạnh, riêng khách đến miền Trung chỉ vào khoảng 70.000 lượt, bằng khoảng 80% so với năm ngoái.

Đoàn caravan Việt Nam trên đường đến cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) để sang Lào. Ảnh: Vitours

Tình hình trên được ông Bình giải thích: “Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, trong đó có việc hoãn các chương trình du lịch nước ngoài hoặc chọn các điểm đến gần”.

Trực tiếp khai thác khách từ các nước, ông Dũng đưa ra lý giải cụ thể hơn: “Do tình hình bất ổn kéo dài tại Thái Lan, dịch cúm A/H1N1, sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ tại miền Trung giảm sút”. Đặc biệt, trong quý 2, phía Savannakhet (Lào) ban hành quy định mới, không cho phép phía Việt Nam đưa xe sang đón khách ở tỉnh này. Với quy định trên, ông Nguyễn Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Quảng Trị, tỏ ra bức xúc khi có hàng trăm nghìn khách du lịch phải ngồi chờ trung chuyển, trong khi các doanh nghiệp vận tải ở Lào chưa đủ năng lực để làm tốt việc đó.

“Lào thu phí xuất nhập cảnh tại tất cả các cửa khẩu, thu phí xe qua lại rất nhiều lần, thu phí vận chuyển trên đầu khách làm giá tour bị đội lên cao, gây phiền phức cho doanh nghiệp (DN) lẫn khách du lịch”, ông Dũng cho hay. Ngoài ra, nguyên nhân từ cơ sở vật chất cũng tiếp tục được nhắc đến, khi số lượng khách sạn 3 sao, hệ thống dịch vụ... chưa tương xứng với nhu cầu thị trường, nhất là trong những ngày cao điểm.

Bốn nước một điểm đến

Để phục hồi và tăng trưởng khách đường bộ trong thời gian tới, ông Vũ Thế Bình cho rằng, ngoài việc nỗ lực giải quyết những vấn đề do DN đưa ra, còn phải sớm xây dựng kế hoạch hợp tác Thái Lan – Việt Nam với nội dung “Mỗi năm trao đổi một triệu lượt khách” nhằm tăng cường trao đổi lượng khách giữa hai nước.

Sắp tới, một chương trình “Bốn nước một điểm đến” là Lào – Thái Lan – Campuchia – Việt Nam cũng được triển khai dành cho khách caravan (du lịch bằng ô tô tự lái). Đường cao tốc nối quốc lộ 9 từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến Túy Loan (Đà Nẵng) sẽ được Tổng cục du lịch đề nghị Chính phủ nhanh chóng xây dựng, rút ngắn đường đi, tạo thuận lợi cho khách Đông Bắc Thái Lan, Myanmar và hạ Lào tiếp cận các điểm đến du lịch miền Trung.

Ông Pichai Raktashinha, Trưởng Văn phòng đại diện Cơ quan du lịch quốc gia Thái Lan tại TP.HCM, đưa ra đề xuất: “4 quốc gia cùng điều tra các tuyến đường tiềm năng để hội nhập với các tuyến du lịch đường bộ sẵn có”. Theo đó, các tuyến này xuất phát từ Bangkok (Thái Lan) qua Vientiane hoặc Savannakhet, Lak Sao (Lào) sang Huế - Đà Nẵng – Hội An, hoặc Vinh, vịnh Hạ Long, Hà Nội của Việt Nam.

“Chính phủ 3 nước Lào – Việt Nam – Thái Lan phải thêm nhiều lần ngồi lại để đưa ra những giải pháp tối ưu, giải quyết vướng mắc cho các DN”, ông Khom Douangchantha, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Cục quốc gia Lào, đề xuất.

HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.