.

Kỳ 4: Genting - “Mỏ vàng quốc gia”

.

Kuala Lumpur có nhiều trung tâm mua sắm khổng lồ, nhiều khách sạn cao cấp. Riêng khu Liên hợp giải trí Genting được xem là nơi hấp dẫn nhất Malaysia. Những người “sành” du lịch cho biết, chưa đến Genting thì coi như chưa đến Malaysia.

Khu Casino đang xây dựng của Singapore.

Cách Kuala Lumpur gần 60 km, cao nguyên Genting có độ cao 2.000m so với mực nước biển, nên còn được gọi là “thành phố trong mây”. Với địa hình cách trở, song con đường lên Genting thật rộng, mặt đường bằng phẳng (ô-tô chạy với tốc độ hơn 100km/giờ) và phân luồng xe 2 chiều,  đi qua những con đèo rất cao. Có lẽ Genting rất hấp dẫn nên trên suốt quãng đường đi, tôi thấy xe cộ (toàn là xe con đời mới) nườm nượp đổ về cao nguyên, đến nỗi chỉ vài chục km thôi mà có đến 3 vụ tai nạn xe con nằm chổng kềnh bên đường.

Mọi người lên Genting bằng cáp treo với đoạn đường khoảng 3-4 km với nhiều đoạn lên xuống ngoạn mục. Cáp treo ở đây chạy nhanh nhất thế giới, với vận tốc 21,6km/giờ, nên chỉ khoảng 15 phút chúng tôi đã lên Genting.

Quả là trăm nghe không bằng một thấy. Ở đây có các khu resort cao cấp, khách sạn 5-6 sao với hơn 6.000 phòng phục vụ du khách, công viên nước, trung tâm mua sắm với sự hiện diện các gian hàng của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam cũng có một gian giới thiệu sản phẩm đặc trưng của mình... Song có lẽ điểm “hút” mọi người đến Genting nhất chính là Casino - nơi được xem là Las Vegas tại châu Á. 

 “Đỏ - đen” không chỉ có sức lôi cuốn đối với những người muốn thử vận may mà cả những khách du lịch cũng xem đây là trò giải trí trong thời gian thư giãn.  Bao nhiêu “món” ăn chơi giải trí đều có ở Genting. Được biết, sòng bạc trên lầu 5, nơi chỉ dành cho khách VIP, trị giá mỗi phỉnh đánh bạc ít nhất là từ 50-100.000 RM, nhưng khách ở đây thường đặt vài chục phỉnh/ván.

Lẫn trong hàng trăm ngàn người đổ về Genting - nơi được gọi là “thành phố trong mây” để “nướng bạc” mỗi đêm - có đến phân nửa là khách du lịch, trong đó nhiều nhất là người Singapore, Thái Lan… Còn ở tầng 1 (dưới lòng đất) là nơi thử vận may của tầng lớp “thường dân” với đủ loại đối tượng, từ con trẻ vào các trò chơi điện tử, đến người già, trung niên, phụ nữ... với vài trăm, thậm chí chỉ vài chục RM trong tay là có thể ngồi vào “ghế nóng” (bởi có ván giống như đánh phỏm ở ta) chỉ diễn ra trong vài phút đồng hồ là được - thua ngã ngũ.

Chúng tôi đứng xem chỉ khoảng 10 phút thôi mà có đến mấy lượt người trắng tay ngao ngán. Thế mới biết cao nguyên Genting quả là “mỏ vàng” quốc gia của Malaysia. Nguồn thu của Genting rất lớn, trong đó nguồn lớn nhất có thể nói là hốt bạc từ hoạt động Casino. Chẳng thế mà nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore cũng nuối tiếc vì trước đây Singapore đã không quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này. Chính vì thế mà ở khu vực Công viên Sư tử, Singapore đang xây dựng một khu Casino với 3 tòa nhà đồ sộ, dự định khánh thành đưa vào hoạt động nay mai.

Từ Genting nghĩ đến Đà Lạt của Lâm Đồng, Bà Nà của Đà Nẵng với vị trí, địa hình của hai nơi này không thua kém gì Genting, thậm chí còn lợi thế hơn. Thế nhưng, chúng ta chưa làm được gì để tạo được nguồn thu khổng lồ từ lợi thế này thì cũng đáng tiếc. 

Malaysia có cơ sở hạ tầng tốt như vậy, đều do tư nhân đầu tư cả. Như con đường lên cao nguyên Genting cũng là do ông chủ Genting bỏ tiền ra làm và thu phí giao thông trong vòng 40 năm, sau đó thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Ở Malaysia có một điều khá ngạc nhiên là nhà vệ sinh công cộng. Khi chúng tôi di chuyển từ thành phố này đến thành phố khác của Malaysia với một khoảng cách xa vài trăm hoặc vài chục km, trên đường đi có rất nhiều điểm dừng xe để du khách nghỉ ngơi thư giãn, có nhà vệ sinh miễn phí, sạch sẽ.

Hàng đẹp, giá cao nhưng không quên món quà lưu niệm

Genting - thành phố trong mây.

 

Ở Singapore và Malaysia có rất nhiều trung tâm thương mại đồ sộ với các mặt hàng phong phú, có thương hiệu và giá rất cao bởi thu nhập và mức sống của họ rất cao. Có những sản phẩm so với ở ta cũng chỉ “một chín một mười” nhưng giá đến bạc triệu nếu tính ra tiền Việt Nam, trong khi nếu hàng đó ở mình chỉ có giá vài chục nghìn đồng.

Nhưng điều đáng nói và đáng học tập ở cách làm du lịch của họ là, bên cạnh những sản phẩm cao cấp, họ rất quan tâm đầu tư làm ra những sản phẩm làm quà lưu niệm cho du khách. Những sản phẩm này không có giá trị tiền bạc nhiều, nhưng người ta thường nói “của một đồng công vài nén”. Do vậy, hầu như khách du lịch nào cũng để mắt đến sản phẩm của họ và dành nhiều thời gian để kén chọn cho được sản phẩm mình yêu thích về làm quà.

Chỉ đơn giản như chiếc móc khóa, hầu như nước nào họ cũng đầu tư làm sản phẩm này, nhưng mỗi nước có một thương hiệu riêng biệt, không lẫn vào đâu được. Móc chìa khóa Thái  Lan có hình con voi hoặc hình mũ chóp thếp vàng; Singapore thì mang hình sư tử; nhưng móc khóa của Malaysia thì mang hình Tháp đôi đặc trưng “kiêm” chiếc bấm móng tay nên nhiều người ưa thích…
 
Và cách tiếp thị bán hàng của họ cũng rất linh hoạt mà hiệu quả. Bên cạnh những điểm bán hàng lưu niệm chuyên nghiệp, họ có cả một đội quân hướng dẫn viên du lịch và lái xe kiêm giới thiệu bán các mặt hàng lưu niệm ngay trên xe, vừa tranh thủ được thời gian vừa rất hiệu quả.

Sau mỗi chuyến đi tham quan, mỗi du khách cũng mua về khá nhiều sản vật làm quà tặng bạn bè, người thân. Ngoài giá trị sử dụng thì các vật lưu niệm này gián tiếp giới thiệu về đất nước đã làm ra nó. Ở ta, sản phẩm lưu niệm cũng được quan tâm nhưng còn tính chất phục vụ khách nội địa là chính. Hầu như địa phương nào cũng có sản vật mang dấu ấn của mình, nhưng xét về phạm vi quốc gia thì chưa được quan tâm đúng mức như họ. Cho đến nay, hầu như ta chưa có sản phẩm nào mang tầm cỡ quốc gia cũng là điều đáng tiếc.

Du lịch của ta trong những năm gần đây cũng có bước phát triển vượt bậc, nhưng nếu đã làm du lịch thì phải tính đến việc sản xuất sản phẩm đặc trưng phục vụ cho du lịch, không thể để du khách đến Việt Nam khi về nước không mang về được thứ gì làm quà lưu niệm. Đây là vấn đề quan tâm hiện nay nếu không muốn nói là quá trễ đối với những nhà quản lý và làm du lịch.    
             
Bài và ảnh: HOÀI THU

;
.
.
.
.
.