.

Tái diễn nạn chèo kéo du khách

Ngày 4-11 vừa qua, Đà Nẵng lại đón 1.200 du khách quốc tế trên tàu Cost Cassica đến thăm thành phố và một số địa phương lân cận như Huế, Hội An. Cũng như những lần đón các đoàn khách có số lượng lớn trước đây, tại khu vực trung tâm thành phố - trước Nhà hát Trưng Vương, ngoài nhân viên của Saigontourist, còn có sự hỗ trợ của Công an, Thanh niên xung kích, tình nguyện viên hướng dẫn du lịch.
 

Những tưởng sự có mặt của “lực lượng liên ngành” này, du khách sẽ có một buổi tham quan thú vị ở Đà Nẵng. Thế nhưng, tình trạng du khách bị chèo kéo mua hàng lưu niệm, hoặc “bị” mời đi xích lô, taxi… vẫn diễn ra. Thực tế, sự có mặt của “lực lượng liên ngành” này chỉ bảo đảm cho du khách không bị quấy rầy ngay trên khoảng đất trống trước Nhà hát Trưng Vương, còn sau đó chỉ cần du khách rời vị trí này, ngay lập tức được sự “săn đón” đến mức gây bực bội cho du khách. Rất nhiều du khách bị đội ngũ này bu bám từ phố này đến phố khác. Và sự “mời mọc” này chỉ chấm dứt khi nào du khách không còn chịu được nữa phải quay về xe, hoặc mua của họ một món đồ lưu niệm nào đó với giá trên trời.

Thành phố đã có rất nhiều nỗ lực trong việc giải quyết tình trạng du khách bị chèo kéo khi tham quan, tuy nhiên, việc này chưa mang lại kết quả triệt để. Vì sao việc giải quyết vài chục người hành nghề bán đồ lưu niệm cho du khách bằng “phong cách” chèo kéo như vậy lại không đem lại kết quả, trong khi Đà Nẵng rất thành công trong việc giải quyết tình trạng lang thang xin ăn trên đường phố? Theo chúng tôi, giải quyết vấn nạn này không quá phức tạp và khó khăn đến vậy.
 
Vấn đề ở đây là một khi “bệnh” đã kháng thuốc thì cần phải có đơn thuốc khác đặc trị. Trước hết phải thấy rằng, đội ngũ bu bám du khách bán hàng lưu niệm, hay mời đi xích lô… không quá đông, trên dưới vài chục người, mà những người buôn bán ở khu vực trung tâm thành phố đều nhẵn mặt. Vậy tại sao cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không trực tiếp gặp những đối tượng này để tìm hiểu đời sống kinh tế cũng như tâm tư nguyện vọng, từ đó có hướng hỗ trợ họ có một nghề ổn định hơn.
 
Hoặc ít ra cũng buộc họ ký cam kết không chèo kéo du khách, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Làm được việc này mới hy vọng chữa được cái gốc của căn bệnh, chứ chỉ tăng cường thêm lực lượng Công an, hay Thanh niên xung kích sẽ rất khó chấm dứt hình ảnh chẳng mấy đẹp mắt: mỗi du khách được “kèm” một người bán hàng lưu niệm (!).

Thanh Vân

;
.
.
.
.
.