Trong thời gian qua, du lịch phát triển đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống dân nghèo ven biển miền Trung, nhiều địa phương đang kỳ vọng vào ngành công nghiệp không khói này để góp phần hồi phục nền kinh tế của địa phương mình trong năm 2010.
Vũng Rô - "tầm ngắm" của các nhà đầu tư và nơi chốn đi về khám phá của du khách. |
“Hành trình di sản Quảng Nam” cũng là một sản phẩm văn hóa du lịch mới, được xây dựng từ những giá trị văn hóa của di sản Mỹ Sơn và phố cổ Hội An. Hội An bây giờ không chỉ là phố cổ mà còn là hình mẫu về một đô thị du lịch có môi trường xã hội thân thiện, an lành, với nhưng người dân quê xứ Quảng thật thà, tốt bụng đang đồng hành, gắn bó với các cấp chính quyền trong các hoạt động văn hóa, du lịch, sinh thái và bảo vệ môi trường sống và phát triển du lịch. Không chỉ liên kết chặt chẽ với Đà Nẵng, Huế, mà còn chủ động kết nối với Luâng-Phrabăng (Lào) và Siêm-Riệp (Campuchia) trong chuỗi Hành trình di sản Đông Dương đầy quyến rũ.
Sự thành công của các tỉnh trên Con đường di sản miền Trung trong việc khơi dậy các giá trị văn hóa tiềm ẩn của cha ông vào công cuộc phát triển du lịch, quảng bá tiềm năng đã khích lệ các địa phương trong vùng có cách nhìn mới và kiểu làm mới như Festival võ Tây Sơn, Bình Định, nghĩa tình và sáng tạo như Huyền thoại Trường Sơn ở Quảng Trị, trăm năm phát hiện văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi... Sự phong phú và độc đáo của văn hóa miền Trung không chỉ là bệ đỡ mà còn là lực đẩy để phát triển du lịch vững bền của dải đất duyên hải nắng gió miền Trung.
Cả nước đang dồn sức cho miền Trung phát triển với Nhà máy Lọc dầu số 1 ở Quảng Ngãi, nhà máy thép lớn nhất Việt Nam ở Thạch Khê-Hà Tĩnh, các nhà máy xi-măng ở Thanh Hóa và hàng chục khu công nghiệp lớn, sân bay, bến cảng dày đặc khắp miền duyên hải. Nhưng trên tất cả, đó là sự nỗ lực của con người miền Trung. Biển, bãi biển và các vịnh biển, đầm phá, sông hồ ven biển... đang phát lộ dần các giá trị tiềm ẩn và quý hiếm. Vũng Rô - Phú Yên, Cồn Cỏ-Quảng Trị, Cù lao Chàm-Quảng Nam, Lý Sơn- Quảng Ngãi... cũng đang là “tầm ngắm” của các nhà đầu tư và nơi chốn đi về khám phá của du khách. Chiến lược kinh tế biển và cung đường ven biển duyên hải miền Trung sẽ khơi dậy đồng loạt các nguồn lực tiềm tàng của đất và người nơi đây.
Cùng với duyên hải miền Trung, Tây Nguyên cũng đã thức dậy và mang lại những thương hiệu đột phá như Hoàng Anh Gia Lai, Trung Nguyên, Ban Mê Thuột... Phải chăng núi non hùng vĩ và không gian văn hóa Cồng chiêng với những tâm hồn khoáng đạt, dũng mãnh đã thôi thúc, giục giã con người nơi đây vươn tới những khát vọng bay xa, ước mơ táo bạo? Một DanKa- Suối Vàng thêm vào thành phố Đà Lạt sương mù lãng mạn, một Măng Đen hoang sơ ở ngã ba Đông Dương và còn bao nhiêu bí ẩn khác
trên Con đường xanh Tây Nguyên mênh mang?
Sự biến đổi của khí hậu toàn cầu, và con người ngày càng nhiều tham vọng đã làm cho thế giới ngày càng trở nên “nóng, phẳng và chật” hơn. Người ta sẽ tìm đến miền Trung nhiều hơn để hòa mình vào biển cả trong xanh, để thả lạc mình vào thiên nhiên. Miền Trung đang đứng trước kỳ vọng mới về du lịch trong năm 2010.
DƯƠNG ĐĂNG CAO