.
MIỀN TRUNG VÀ MIỀN TÂY NAM BỘ

Liên kết phát triển du lịch

.

Khi các điểm đến hấp dẫn như Nha Trang, Đà Lạt, Hạ Long... trở nên quá quen thuộc với khách du lịch miền Trung, thì miền Tây Nam Bộ chính là “đích ngắm” mà các công ty lữ hành miền Trung quan tâm để thay đổi không khí cho khách. Gần đây, sự liên kết khai thác khách giữa các doanh nghiệp (DN) du lịch hai miền ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Đường bay Đà Nẵng - Cần Thơ nếu được mở sẽ tạo điều kiện cho việc kết nối khách hai miền.Trong Ảnh: Khách du lịch miền Trung trao đổi hàng hóa với chủ thuyền trên chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ.


Hào hứng nối kết

Sau chuyến famtrip vào miền Tây Nam Bộ hồi đầu tháng 12, các DN du lịch của miền Trung tỏ ra khá hào hứng với nhiều dự định nối kết tour. Theo ông Huỳnh Việt Hoàng, Giám đốc Công ty Du lịch Cộng đồng Đà Nẵng, người miền Trung rất muốn được một lần đến với vùng sông nước và con người khoáng đạt Nam Bộ. Ngược lại, người Nam Bộ rất muốn biết dải đất có nhiều di sản văn hóa, lịch sử và con người tình nghĩa miền Trung. Ông Vương Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Điều hành du lịch Phương Đông Việt, cũng cho hay, các DN đã ráo riết giới thiệu tour sông nước miền Tây cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu đi tour vào mùa hè hoặc dịp 30-4 và 1-5.

Chương trình tour đầu tiên dành cho những người làm vườn Quảng Nam tham quan, hợp tác kinh doanh cây cảnh và bonsai tại miền Tây được Công ty Du lịch Việt Phúc (Hội An) thực hiện ngay vào mùa hè tới. Chương trình vừa đưa ra đã được các nhà vườn hưởng ứng mạnh mẽ. Ông Phạm Xuân Chiến Hòa, Giám đốc công ty chia sẻ: “Tiếp đó, chúng tôi sẽ thường xuyên liên kết với Công ty Du lịch Cần Thơ để tổ chức những tour theo yêu cầu của khách”.

Trước đây, các DN miền Trung thường đặt các dịch vụ riêng lẻ (ăn, ở, thuyền du lịch…) cho mỗi chương trình tham quan tại miền Tây. Song, theo ông Hoàng, đôi khi, nơi DN định đặt dịch vụ đã kín phòng, DN phải mất công tìm hiểu những khách sạn hoặc các dịch vụ tương tự. “Nay, các công ty du lịch miền Tây đã có kế hoạch liên kết tạo ra những sản phẩm du lịch trọn gói mang tính đặc thù, điều đó rất tốt cho việc bán và nối tour”, ông Hoàng nói. 

Sớm mở đường bay Đà Nẵng - Cần Thơ

Điều mà các DN băn khoăn nhất hiện nay là việc vận chuyển khách qua phà Hậu Giang. Muốn đón khách ở Sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) lúc 9 giờ, từ Cần Thơ, các nhân viên du lịch phải khởi hành lúc 3 giờ sáng để tránh kẹt phà. Do lượng xe, người qua phà quá lớn nên thường xuyên xảy ra kẹt phà, kẹt đường kéo dài nhiều tiếng đồng hồ trên quãng đường 2-4 km, gây mệt mỏi cho khách và làm chậm hành trình tour. Về vấn đề này, ông Vưu Chấn Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Canthotourist kỳ vọng, cầu Cần Thơ khánh thành và đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Cần Thơ sau khi được mở sẽ tạo thuận lợi cho sự kết nối du lịch để thu hút khách mạnh từ hai phía.

Theo ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam - Vitours, đường bay Đà Nẵng - Cần Thơ có ý nghĩa rất lớn, bởi Đà Nẵng sẽ là trung tâm trung chuyển cho người dân từ khu vực miền Tây Nam Bộ (13 tỉnh với dân số hơn 17 triệu người). Ngược lại, Cần Thơ cũng là trung tâm đón khách du lịch cho cả khu vực miền Trung từ Quảng Bình đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên (10 tỉnh với dân số xấp xỉ 12 triệu người).

Việc ra đời đường bay sẽ làm chương trình tour cho khách quốc tế hấp dẫn hơn: Khách bay đến TP. Hồ Chí Minh tham quan, đi vòng ĐBSCL rồi tiếp tục bay ra miền Trung - miền Bắc; hoặc tham quan miền Bắc - miền Trung xong sẽ bay vào Cần Thơ tham quan ĐBSCL -TP. Hồ Chí Minh, rồi rời Việt Nam từ TP. Hồ Chí Minh.  Ngoài ra, ông Dũng dự đoán lượng khách nội vùng của hai miền, khách đi “trăng mật”, thăm thân nhân, đi MICE (du lịch công vụ)... sẽ rất nhiều.

Thời gian qua, các DN du lịch hai miền đã thực hiện nhiều chuyến khảo sát tuyến điểm để trao đổi thông tin, đánh giá chất lượng dịch vụ, bàn bạc thống nhất nhiều gói sản phẩm du lịch... cũng như gửi các văn bản kiến nghị Vietnam Airlines mở chuyến bay. Ông Dũng chắc chắn: “Có thể nói, thị trường khách, dịch vụ du lịch và tour, tuyến đã sẵn sàng đến mức hoàn hảo nhất, chỉ còn thiếu phương tiện chuyên chở nhanh nhất giữa hai vùng”.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

 

;
.
.
.
.
.