.

Âm nhạc trong "Huyền thoại sông Hàn"

.

(ĐNĐT) - Dòng chảy của sông Hàn, sự tồn tại của năm ngọn núi Ngũ Hành, biểu tượng của thành phố Đà Nẵng, khởi phát từ thời khai thiên lập địa và trường tồn cùng thời gian sẽ được đội chủ nhà Đà Nẵng – Việt Nam “kể” lại bằng những thanh âm đa dạng và sắc màu tươi trong trong phần trình diễn của mình với chủ đề "Huyền thoại sông Hàn" tại Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2010

Sông Hàn trong nỗi đau chiến tranh

Đoạn cao trào trong phần trình diễn của đội chủ nhà sẽ tập trung vào phần 3 và phần 4, khi âm nhạc và ánh sáng thể hiện sự cuồng nộ và đau thương, mất mát trong chiến tranh.

Pháo hoa trên sông Hàn

Trong phần 3 – “Sông Hàn nỗi đau chiến tranh”, âm nhạc thể hiện một thế lực đen tối, dòm ngó, hù dọa và xâm lược cuộc sống bình yên của những cư dân ven bờ sông Hàn. Đêm đen bao trùm lên thân phận con người, gieo rắc bao nhiêu tang tóc.

Hiệu quả âm thanh sẽ được tạo nên bằng thủ pháp ấn tượng với những hòa âm nghịch. Ở phần phát triển, âm nhạc sẽ là những đường nét buồn đau, bi thương mang giai điệu của dân ca miền Trung. Dù ngập giữa nước mắt và máu, chia ly và đau thương, nhưng trong sâu thẳm của dòng sông Hàn và người dân Đà Nẵng vẫn tồn tại một tình yêu thủy chung, một niềm tin bất diệt. Cuối đoạn này, nét nhạc tươi mới sẽ ẩn chứa những khát vọng, sự nung nấu căm hờn, ý chí vùng lên ở ngày mai.

Nhưng “Sông Hàn sẽ dậy sóng”. Ở phần 4 này, âm nhạc sẽ bùng nổ, xung đột và đầy kịch tính. Hình tượng cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại được khắc họa. Tiếng súng, tiếng mìn, tiếng hô xung phong vang dậy, lửa cháy ngút trời, dòng sông dậy sóng, khí thế tiến công thần tốc và quyết liệt. Âm nhạc làm vang dậy cuộc chiến đấu giữa trắng và đen, giữa bạo tàn và nhân nghĩa...
 
Hình thức thể hiện như một tổ khúc của thơ giao hưởng, trong đó âm lượng và biên chế dàn nhạc được đặc biệt chú trọng và khai thác triệt để. Cuối cùng là ca khúc khải hoàn vang lên trên dòng sông Hàn.

Đời vui thái bình 

Các phần còn lại của màn diễn sẽ mang âm hưởng nhẹ nhàng, tươi vui, kể chuyện sông Hàn từ thuở Rồng vàng chọn Đà Nẵng làm nơi khai hoa nở nhụy và cuộc sống yên bình, tình yêu nồng nàn của người Đà Nẵng hôm nay.

Phần 1 – “Nơi Rồng về khai hoa” là phần mở đầu, với âm nhạc là một tổ khúc của thơ giao hưởng, có tốc độ thong thả, làm hiện ra biển xanh mênh mông và trời cao đất rộng. Sau đó, âm nhạc được phát triển, chuyển hóa với âm lượng lớn dần tượng trưng cho hình ảnh Rồng vàng nổi bật lên nền xanh bao la của biển trời.

Rồng vàng xuất hiện đầy ấn tượng và uy nghi trong cơn chuyển dạ sinh ra quả trứng chứa đựng nàng tiên đẹp tuyệt trần, 5 ngọn núi Ngũ Hành và con sông Hàn. Âm nhạc rộn vui, rạng rỡ, tràn ngập niềm hân hoan, với sắc màu lung linh và huyền ảo... Cuối đoạn, âm nhạc tái hiện lại chủ đề, nhưng rất ngắn biểu hiện việc rồng vàng trở về biển cả và để lại dòng sông hiền hòa, mênh mông xanh biêng biếc...

Ở phần 2 – “Sông Hàn thanh xuân”, âm nhạc được sáng tác dựa trên nền âm nhạc dân tộc, vận dụng âm sắc sống động và đặc trưng đời sống lao động trong dân gian, khắc họa hình ảnh một cuộc sống sông nước của những cư dân từ thuở ban sơ trên sông Hàn. Âm nhạc tương phản với phần đầu, nhưng vẫn giữa tốc độ thong thả, dìu dặt, trữ tình, văng vẳng giọng hò khoan, miêu tả dòng sông êm đềm, giọng hò, tiếng hát và nhịp đời lao động âm vang...
 
Niềm vui của con người khi tìm được vùng đất mới, vùng đất lành, bình yên và trù phú với dòng sông như dòng sữa mẹ tràn đầy, là nơi “đất lành chim đậu”.

Kết thúc màn diễn là phần “Sông Hàn tình yêu và khát vọng” với âm nhạc hiện đại, trẻ trung, sôi động và hoành tráng, thể hiện trên nhịp điệu công nghiệp và hơi thở thời đại. Nhịp điệu cuộc sống tưng bừng, náo nhiệt được đẩy dần lên đến cực độ và kết thúc. Tình yêu của người Đà Nẵng rộng mở, nồng nàn và tràn đầy khát vọng. Một thành phố trẻ trung, năng động, đầy sức sống, đang vươn tới tương lai tươi sáng. Đà Nẵng dang rộng vòng tay thân thiện và nồng nhiệt chào đón bạn bè gần xa về với dòng sông Hàn huyền thoại, với những sắc màu lung linh quyến rũ giữa đêm pháo hoa.

HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.